Nhiều doanh nghiệp Nhật muốn thâu tóm ngành bán lẻ Việt Nam
Việt Nam vẫn duy trì vị trí tốp đầu trong những thị trường trọng điểm về mua bán và sáp nhập (M&A) của Nhật ở Đông Nam Á. Nhiều “đại gia” Nhật đang tính vào như Uniqlo, chuỗi cửa hàng Muji Muji…
Nhiều doanh nghiệp Nhật muốn thâu tóm ngành bán lẻ Việt Nam
Việt Nam vẫn duy trì vị trí tốp đầu trong những thị trường trọng điểm về mua bán và sáp nhập (M&A) của Nhật ở Đông Nam Á. Nhiều “đại gia” Nhật đang tính vào như Uniqlo, chuỗi cửa hàng Muji Muji…
Siêu thị Aeon (Nhật Bản) đã thâu tóm hệ thống Citimart của VN. Trong ảnh: một siêu thị Aeon Citimart ở Q.1, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Đó là chia sẻ của ông Masataka Sam Yoshida, giám đốc điều hành cao cấp phụ trách thị trường Việt Nam của RECOF Nhật Bản (tập đoàn tư vấn về M&A hàng đầu thế giới). Ông Yoshida phân tích những tiềm năng nhưng cũng “phê” những “góc tối” của doanh nghiệp Việt:
– Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chỉ đang khai thác thị trường nội địa, các thương vụ M&A sẽ giúp họ tăng lợi thế cạnh tranh, cải thiện năng lực quản trị… Trong khi đó, với nhà đầu tư Nhật, họ nhanh chóng tiếp cận thị trường, sử dụng hệ thống phân phối, thị phần có sẵn…
Kém minh bạch
* So với trước, ông nhìn thấy cơ hội thực hiện các thương vụ M&A ở thị trường Việt Nam thế nào?
– Chất lượng doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện. Trong 6 năm kể từ khi bắt đầu tiếp cận thị trường này, chúng tôi đã đưa hơn 100 doanh nghiệp Nhật đến thương thảo nhưng hơn 20% thất bại.
Có nhiều nguyên nhân, trước tiên là sự kém minh bạch. Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn duy trì hai sổ kế toán. Hầu hết doanh nghiệp Việt đều có báo cáo lợi nhuận không cao, trong khi kiểm tra qua tổ chức trung gian thì họ có lợi nhuận rất tốt.
Dù nhà đầu tư Nhật đã dần quen, nhưng họ vẫn nghi ngại nếu tiếp tục tham gia các công ty như vậy, họ phải có phương án đối phó với quản lý nhà nước trong tương lai sau khi M&A. Với doanh nghiệp đã niêm yết, việc này còn phức tạp hơn vì còn phải có trách nhiệm với nhà đầu tư, cơ quan giám sát…
Mỗi năm, trung bình có khoảng 20 thương vụ M&A của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật với doanh nghiệp Việt. Con số này nếu so với sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật về thị trường Việt Nam là chưa hề tương xứng, bởi tỉ lệ thành công của các thương vụ M&A hiện chỉ vài phần trăm.
* Thời gian các vụ M&A của Nhật ở VN thường rất chóng vánh?
– Vốn điều lệ các doanh nghiệp cổ phần lẫn niêm yết ở Việt Nam khá nhỏ, chỉ ở mức 2-4 triệu USD, khiến các thương vụ M&A chủ yếu ở quy mô nhỏ.
Thực tế so với các nước, thời gian thực hiện thương vụ M&A ở Việt Nam kéo dài hơn. Ở Mỹ hay Nhật Bản chỉ cần 3 tháng để hoàn tất một thương vụ M&A, ở Singapore khoảng 6 tháng, trong khi ở Việt Nam mất ít nhất 1 năm và thêm 4-5 năm để định hình được văn hóa doanh nghiệp sau M&A.
Sắp tới sẽ là bất động sản, bán lẻ…
* Vậy lĩnh vực nào đang được nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm tiến hành M&A ở Việt Nam theo ghi nhận của RECOF?
– Thời gian tới, nhìn vào danh mục đầu tư được quan tâm, tôi cho rằng bán lẻ và mảng phi ngân hàng như công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác… sẽ vẫn là xu hướng. Bên cạnh đó, mảng giáo dục, bất động sản cũng đang rất được quan tâm.
* Đang có thông tin sẽ có thương vụ M&A từ Nhật Bản mua lại doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán lẻ tại thị trường VN?
– Nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đang rất lớn. Thị trường tiềm năng vậy thì tại sao nhà bán lẻ, nhà phân phối Nhật Bản có thể bỏ qua? Uniqlo sắp vào Việt Nam, hay chuỗi cửa hàng Muji Muji cũng đang muốn hiện diện ở đây, Hãng bia Asahi theo tôi được biết đã rất cố gắng mua cổ phần của Sabeco…
Quy mô bán lẻ Việt Nam khá hẹp, nên không có nhiều lựa chọn như ở Nhật. Do đó, ngay cả khi khả năng tài chính của nhà đầu tư Nhật hoàn toàn có thể mua một doanh nghiệp quy mô lớn như mảng bán lẻ của Tập đoàn Vingroup thì điều này không thực tế lắm ở Việt Nam.
Tuy vậy, bán lẻ là khái niệm khá lớn, từ thời trang, giày dép, đồ dùng trẻ em, thậm chí còn liên quan đến thương mại điện tử… nên cơ hội còn rất nhiều.
Nhiều thương vụ không công bố Theo số liệu thống kê M&A của RECOF, năm 2016 Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước ASEAN về số lượng các thương vụ M&A từ Nhật Bản với 22 thương vụ, giá trị giao dịch khoảng 239 triệu USD. Sáu tháng đầu năm 2017 đã có 10 thương vụ M&A giữa doanh nghiệp hai nước, giá trị khoảng 82 triệu USD. Tuy vậy, theo ông Yoshida, con số này thực tế còn lớn hơn rất nhiều vì có nhiều thương vụ không được công bố cũng như tiết lộ về giá trị. |