29/11/2024

Ngân hàng nới cho vay tín chấp, doanh nghiệp nhỏ có thêm vốn

Thay vì chủ yếu cho các “đại gia”, doanh nghiệp lớn vay tín chấp và chấp nhận rủi ro nợ xấu, nhiều ngân hàng tăng cho doanh nghiệp nhỏ vay để phân tán rủi ro. Lãi suất có thể lên đến 15%/năm.

 

Ngân hàng nới cho vay tín chấp, doanh nghiệp nhỏ có thêm vốn

 Thay vì chủ yếu cho các “đại gia”, doanh nghiệp lớn vay tín chấp và chấp nhận rủi ro nợ xấu, nhiều ngân hàng tăng cho doanh nghiệp nhỏ vay để phân tán rủi ro. Lãi suất có thể lên đến 15%/năm.

 

 

 

Ngân hàng nới cho vay tín chấp, doanh nghiệp nhỏ có thêm vốn
Không còn tâm lý lo ngại rủi ro như trước, gần đây nhiều ngân hàng bắt đầu mở hầu bao cho nhu cầu vay tín chấp. Đối tượng được hướng đến là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong ảnh: sản xuất mặt hàng giấy công nghiệp tại một doanh nghiệp ở TP.HCM – Ảnh: T.V.N.

Gần đây, nhiều ngân hàng tăng cho vay tín chấp với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng lãi suất có thể lên tới 15%/năm…

Ngân hàng mở rộng 
cho vay

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, thời gian qua nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ thường phải vay theo dạng tín dụng cá nhân để kinh doanh.

Với cách này, doanh nghiệp chịu thiệt thòi khi khoản vay không được hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế.

 

Ở một hội thảo gần đây, chủ một doanh nghiệp tại Bình Phước cho biết khi có nhu cầu vay vốn, đến ngân hàng có khi đợi mấy tiếng đồng hồ mà… không được tiếp.

Đó là chưa kể ngân hàng cũng ngại nhận tài sản thế chấp là máy móc hoặc cho vay nhưng định giá rất thấp.

Ông Đào Gia Hưng – phó giám đốc khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, VPBank – thừa nhận thực tế này.

Theo ông Hưng, có khoảng 70% doanh nghiệp khởi nghiệp không tiếp cận được vốn do không có tài sản thế chấp, hạn chế về số năm thành lập, rắc rối trong vấn đề sổ sách, giấy tờ…

“Doanh nghiệp nhỏ và vừa mới bước vào con đường kinh doanh nhưng ngân hàng lại đòi hỏi phải kinh doanh được vài năm và đạt quy mô nhất định. Chưa kể việc cấp tín dụng còn dựa trên “khẩu vị” rủi ro của từng giám đốc chi nhánh ngân hàng thay vì dựa vào bộ quy tắc chung” – ông Hưng nói.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác, hàng loạt ngân hàng đã công bố sản phẩm cho vay tín chấp.

Như ngân hàng An Bình công bố doanh nghiệp không cần tài sản thế chấp hoặc thiếu một phần tài sản vẫn có thể vay đến 3 tỉ đồng hoặc 10% doanh thu.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga, phó giám đốc khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của ngân hàng này, cho biết việc thẩm định theo cách truyền thống, doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, doanh thu cao và sản phẩm tốt mới được xét duyệt cho vay.

Nhưng cách này doanh nghiệp lớn mới đáp ứng được. Với kênh cho vay tín chấp, ngân hàng chấp nhận cho vay cả với doanh nghiệp hoạt động dưới một năm với điều kiện đi lên từ hộ kinh doanh.

Việc phê duyệt cho vay dựa vào thực tế kinh doanh thay vì căn cứ vào hệ thống sổ sách…

Đặc biệt, PVComBank đưa ra gói cho vay lên đến 1.500 tỉ đồng trong đó cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản bằng tài sản của người thân (bất động sản, sổ tiết kiệm, ôtô…) thay vì chỉ cho phép thế chấp bằng tài sản của chủ doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ đi lên từ hộ kinh doanh, nếu thành lập từ sáu tháng trở lên vẫn được xem xét vay vốn theo gói ưu đãi…

Lãi suất cao

Giải thích lý do tăng cho vay tín chấp, nhiều ngân hàng cho rằng việc này nhằm… phân tán rủi ro.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga cho biết thời gian qua các ngân hàng chủ yếu cho vay tín chấp với các doanh nghiệp lớn, hạn mức rất lớn nên rủi ro cũng tập trung.

“Với hạn mức nhỏ, chúng tôi cho vay với 100, thậm chí 1.000 doanh nghiệp, rủi ro cũng được phân tán” – bà Nga nói.

Ngoài các lý do trên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, còn một số lý do khác: lãi suất cho vay tín chấp khá cao, có thể lên đến mức 
13-15%/năm và ngân hàng hầu hết cho vay kỳ hạn ngắn.

Thêm vào đó, theo tiết lộ của một tổng giám đốc ngân hàng, nhiều trường hợp doanh nghiệp trước khi vay tín chấp đã là khách hàng của một ngân hàng khác, và đã thế chấp tài sản đảm bảo tại ngân hàng đó.

Việc cho vay tín chấp thực chất là cho vay “ké” theo với một hạn mức nhỏ, chỉ vài ba tỉ đồng. Ngân hàng tin rằng doanh nghiệp sẽ không dám để vài ba tỉ đồng vay tín chấp thành nợ xấu vì khi đó sẽ bị giảm xếp hạng tín dụng, sau này vay vốn khó hơn.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn (SCB), đánh giá việc đẩy mạnh cho vay tín chấp với doanh nghiệp sẽ là xu hướng chung vì mang lại lợi ích cho cả hai bên. Nhiều ngân hàng từ chỗ thử nghiệm ở một nhóm rất nhỏ nay đã mở rộng ra.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần lớn khác tại TP.HCM cũng cho biết đang nghiên cứu hướng cho vay tín chấp với cả khách hàng cá nhân là cán bộ, giáo viên…

Có lo ngại rủi ro?

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM – cho rằng việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp từ hộ kinh doanh.

Lý do là khi lên doanh nghiệp các hộ này sẽ được tiếp cận vốn dễ dàng hơn nhờ chính sách cho vay tín chấp, hoặc cho thế chấp bằng dòng tiền. Theo ông Minh, đó cũng là hướng mà Ngân hàng Nhà nước khuyến khích trong suốt thời gian qua.

ÁNH HỒNG