11/01/2025

Ưu tiên nhiều không chọn được người tài

Ngoài việc không công bằng cho thí sinh, nhiều ý kiến cũng cho rằng giữ ưu tiên tuyển sinh ĐH đến 3,5 điểm như hiện nay không chọn được người tài và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường.

 

Ưu tiên nhiều không chọn được người tài

 Ngoài việc không công bằng cho thí sinh, nhiều ý kiến cũng cho rằng giữ ưu tiên tuyển sinh ĐH đến 3,5 điểm như hiện nay không chọn được người tài và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường.

 

 

 

Ưu tiên nhiều không chọn được người tài
Thí sinh chờ vào phòng thi tại một kỳ thi đại học. Nhiều ý kiến cho rằng giữ ưu tiên như hiện nay là không công bằng cho thí sinh – Ảnh: M.K.

Việc xem xét xác định khu vực ưu tiên hợp lý không phải chỉ riêng Bộ GD-ĐT quyết được, mà phải dựa vào cấp cao hơn. Tuy nhiên, là cơ quan áp dụng chính sách cộng điểm ưu tiên, Bộ GD-ĐT cần thiết có kiến nghị kịp thời, đảm bảo sự công bằng trong tuyển sinh

PGS.TS LÊ HỮU LẬP (nguyên phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông)

Giáo viên Nguyễn Văn Khánh (Trường THCS Vĩnh Hanh, Châu Thành, An Giang):

Vào ĐH với 12 điểm

Năm nay, nhiều ngành của nhiều trường ĐH chỉ lấy điểm đầu chuẩn ở mức điểm sàn 15,5. Điều này đồng nghĩa phần lớn thí sinh chỉ cần 12-13 điểm thi + điểm ưu tiên là vào được ĐH. Trong khi ai cũng đánh giá đề năm nay dễ. Thí sinh chỉ có điểm trung bình 4 – 4,5 điểm/môn mà vào ĐH thì chất lượng làm sao mà cao được.

Rồi đây, những cử nhân có đầu vào thấp như vậy sẽ rất khó đào tạo được đội ngũ trí thức chất lượng tốt, nhất là những trường sư phạm. Bốn năm sau, những thí sinh được ưu tiên nhiều điểm sẽ trở thành những thầy cô giáo. Vẫn biết không phải tất cả nhưng tôi nghĩ đội ngũ này khó trở thành “động lực” phát triển cho ngành, đất nước.

TS Trần Đình Lý (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):

Ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo

Không ít trường, ngành lấy điểm chuẩn ngang bằng với điểm sàn. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều thí sinh chỉ cần 12 điểm đã có thể vào ĐH. Việc ưu tiên như vậy chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường.

Thực tế có những thí sinh ở vùng khó khăn nhưng nỗ lực, kết quả học tập tốt, có năng lực nên kết quả tiếp thu kiến thức bậc ĐH không ảnh hưởng gì. Tuy vậy cũng có những thí sinh kết quả thi không cao do năng lực có hạn. Vì vậy việc tiếp thu kiến thức ĐH sẽ hạn chế hơn nhiều.

Việc duy trì điểm ưu tiên ở khía cạnh nào đó vẫn cần thiết giữ nhưng phải giảm bớt chứ hiện nay nhiều quá. Bộ GD-ĐT chỉ cần quy định mức trần điểm ưu tiên 3,5, trong đó 2 điểm đối tượng, 1,5 điểm khu vực nhưng để các trường tự chủ lựa chọn mức ưu tiên.

Tùy vào đặc thù ngành đào tạo, địa lý vùng miền, các trường có thể tùy chọn không ưu tiên hoặc ưu tiên tối đa. Mức ưu tiên này không vượt trần để vừa đảm bảo chính sách, vừa đảm bảo tính công bằng, tự chủ của trường.

Bên cạnh đó, điểm ưu tiên khu vực có thể khu biệt vào một nhóm thí sinh và các trường. Chẳng hạn thí sinh thuộc diện ưu tiên khu vực, nếu đăng ký vào các trường ĐH địa phương, trường khu vực sẽ được cộng điểm ưu tiên. Khi xét vào các trường ở các thành phố, thí sinh sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng bằng điểm thi với những thí sinh không hưởng ưu tiên khu vực.

PGS.TS Lê Hữu Lập (nguyên phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông):

Không chính sách nào có tuổi thọ vĩnh viễn

Bất kỳ một chính sách nào dù tối ưu đến mấy cũng không thể có giá trị bền vững. Việc cộng điểm ưu tiên khu vực đã được thực hiện bao nhiêu năm qua trong tuyển sinh, đến nay đã bộc lộ những bất cập thì cần thiết phải xem xét, điều chỉnh cho hợp lý.

Ngay tại Hà Nội, trước đây điều kiện sống của người dân quận trung tâm như Hoàn Kiếm cao hơn so với người dân ở huyện Gia Lâm. Nhưng hiện nay điều kiện sống đã khác trước. Không thể chỉ vì đi qua một chiếc cầu mà thí sinh chỗ này điều kiện tốt hơn, thí sinh chỗ khác lại khó khăn hơn.

GS Lê Ngọc Thành (giám đốc Bệnh viện E, chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực VN):

Quy định mâu thuẫn với thực tế thì nên sửa

Tôi ủng hộ chính sách ưu tiên vùng miền và an sinh xã hội. Nhưng nếu giữ chính sách cộng điểm ưu tiên, tôi cho là không chọn được người thực tài. Những em có điểm thi cao lại bị trượt. Nên thay đổi theo hướng lấy điểm từ cao xuống cho đến hết chỉ tiêu. Còn lại, Bộ GD-ĐT làm trọng tài.

Các em có nhu cầu học ngành y nhưng không đủ điểm, cần thêm ưu tiên thì phải có cam kết sau khi ra trường sẽ quay lại quê hương làm việc thì trường mới đào tạo. Số này theo tôi chỉ khoảng 30% tính trên chỉ tiêu đào tạo bác sĩ đa khoa. Do đó, trường có thể tiếp nhận đào tạo được.

Chúng ta vẫn đang hô hào bác sĩ về miền núi, hải đảo làm việc trong 2-3 năm nhưng chính sách này không thể bền vững và chỉ đáp ứng khó khăn nhất thời. Còn nếu thực hiện theo hình thức “đào tạo theo địa chỉ” thì sẽ giải quyết được tình trạng này. Có người nói nếu làm như vậy là mâu thuẫn với các quy định đã có.

Theo tôi, các quy định nếu đã mâu thuẫn với thực tiễn thì cần phải sửa.

Phó hiệu trưởng một trường ĐH khu vực phía Nam:

Điểm đầu vào nên được tính sòng phẳng

Tôi cho rằng điểm đầu vào được tính sòng phẳng (không tính điểm ưu tiên) là một trong những yếu tố chính tác động đến chất lượng đào tạo của khóa học đó. Dĩ nhiên đào tạo ĐH là cả một quá trình. Nhưng đầu vào tốt sẽ dễ có kết quả tốt hơn là đầu vào chênh lệch.

Năng lực nền tảng khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau. Bởi đào tạo ĐH đòi hỏi quá trình tự học rất nhiều. Và như thế, việc cộng điểm hôm nay sẽ có ảnh hưởng đến biết bao thế hệ học sinh sau này.

Một kỹ sư tồi có thể làm hư thiết bị. Thiết bị đó có thể sửa nhưng một giáo viên thiếu năng lực chuyên môn sẽ tác động không tốt đến biết bao con người mà không phải ngày một ngày hai có thể điều chỉnh được.

Tôi cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ khác cho thí sinh vùng khó khăn, đối tượng thay cho việc cộng điểm.

Điểm đầu vào là thước đo minh bạch nhất về khả năng người học cũng như chất lượng đào tạo của trường. Trong trường hợp không thể bỏ chính sách cộng điểm, tôi nghĩ rằng phải giảm điểm ưu tiên hoặc chỉ cộng điểm ưu tiên cho một số ngành không đặc thù.

Với những ngành đặc thù, cần tuyển chọn người giỏi cần phải để thí sinh cạnh tranh công bằng bằng năng lực vốn có của mình mà không có bất kỳ sự ưu tiên nào.

M.GIẢNG – N.HÀ – L.ANH