ASEAN phản đối quân sự hoá Biển Đông
Chiều tối 6.8, ngoại trưởng các nước ASEAN ra tuyên bố chung kêu gọi tránh quân sự hoá Biển Đông và bày tỏ quan ngại về hành động xây dựng phi pháp tại đây.
ASEAN phản đối quân sự hoá Biển Đông
Chiều tối 6.8, ngoại trưởng các nước ASEAN ra tuyên bố chung kêu gọi tránh quân sự hoá Biển Đông và bày tỏ quan ngại về hành động xây dựng phi pháp tại đây.
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50 (AMM-50) kết thúc vào ngày 5.8 tại thủ đô Manila của Philippines nhưng tuyên bố chung bị trì hoãn đến hôm qua do chưa nhất trí được về câu từ liên quan đến Biển Đông. Reuters dẫn tuyên bố chung “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và kiềm chế” ở Biển Đông. Các bên cũng nêu quan ngại về việc thay đổi hiện trạng và “các hoạt động tại khu vực đã làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng, đe doạ hoà bình, an ninh và ổn định”. Các ngoại trưởng ASEAN khẳng định cần tránh hành động làm phức tạp hoá tình hình và cần có giải pháp hoà bình theo đúng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS). Một số nguồn tin cho biết nội dung tuyên bố mạnh mẽ hơn so với bản dự thảo được đưa ra trước đó.
ASEAN – Trung Quốc thông qua dự thảo khung COC
Cùng ngày, Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc chính thức thông qua dự thảo khung cho Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước chủ nhà Robespierre Bolivar, kết quả này sẽ mở đường cho những vòng đàm phán thực chất nhằm tạo ra một bộ quy tắc chính thức, hiệu quả để góp phần duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực. Tương tự, TTXVN dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao VN, Trưởng SOM ASEAN Nguyễn Quốc Dũng nhận định đây là khởi đầu tích cực cho tiến trình thương lượng COC thực chất và hiệu quả sau này. Dự kiến văn kiện dự thảo khung sẽ tiếp tục được trình lên các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc tại hội nghị cấp cao vào tháng 11.
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết đàm phán về nội dung COC có thể bắt đầu trong năm nay. “Nếu tình hình ổn định và không có sự can thiệp từ bên ngoài, chúng tôi sẽ cân nhắc tuyên bố bắt đầu đàm phán chính thức nội dung COC khi lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN gặp gỡ vào tháng 11 tới”, Reuters dẫn lời ông Vương nói. Giới quan sát đánh giá việc thông qua dự thảo khung COC là kết quả hết sức tích cực sau gần 4 năm thương thảo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sắp tới cũng cần phải nâng cao cảnh giác trước ý đồ tiếp tục kéo dài thời gian đàm phán để tạo sự đã rồi trên thực địa Biển Đông.
TIN LIÊN QUAN
ASEAN bất đồng về tuyên bố chung
Các ngoại trưởng ASEAN thông qua dự thảo khung cho Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), song vẫn chưa thể đồng thuận về tuyên bố chung.
Theo TTXVN, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị ASEAN đẩy mạnh trao đổi với Trung Quốc, sớm khởi động đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý đồng thời khẳng định lập trường nhất quán của VN về tầm quan trọng của hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với hoà bình, ổn định của khu vực. Mặt khác, ASEAN lâu nay luôn khẳng định quan điểm COC phải mang tính ràng buộc về pháp lý nhưng Trung Quốc tỏ ra ngần ngừ. Trả lời phỏng vấn tờ The Straits Times, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định ông tin rằng COC chỉ thật sự hiệu quả nếu ràng buộc pháp lý đối với các bên liên quan.
Cũng tại hội nghị hôm qua, hai bên ký kết biên bản ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm ASEAN – Trung Quốc, nhằm đánh giá các báo cáo về việc thực hiện Kế hoạch hành động với các đối tác đối thoại. Trong hôm nay 7.8, tại Philippines sẽ diễn ra Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) với sự tham gia của ngoại trưởng các thành viên ASEAN và các nước đối tác đối thoại. Theo dự đoán, các chủ đề nóng bỏng nhất sẽ bao gồm Biển Đông, tình hình bán đảo Triều Tiên cũng như nội dung cuộc gặp bên lề hội nghị giữa ngoại trưởng Nga và Mỹ.
Phúc Duy – Minh Phương