01/11/2024

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Ý chí đến đâu, kế sách đến đó

“Ý chí của người đứng đầu đến đâu thì kế sách của mưu sĩ đến đó”, cần có sự quả cảm trong cải cách và tiệt trừ tham nhũng, Tổ tư vấn cần một số điều kiện để hoạt động hiệu quả…

 

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Ý chí đến đâu, kế sách đến đó

 

“Ý chí của người đứng đầu đến đâu thì kế sách của mưu sĩ đến đó”, cần có sự quả cảm trong cải cách và tiệt trừ tham nhũng, Tổ tư vấn cần một số điều kiện để hoạt động hiệu quả…

 

 

 

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Ý chí đến đâu, kế sách đến đó
Các chuyên gia cho rằng VN cần tăng hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước (đang có khoảng 217 tỉ USD tài sản) và tạo môi trường kinh doanh tốt hơn. Trong ảnh: cẩu trục siêu trường, siêu trọng được một doanh nghiệp xuất khẩu sang Ấn Độ – Ảnh: T.HƯƠNG

Đó là những chia sẻ của một số thành viên Tổ tư vấn về kinh tế vừa được Thủ tướng thành lập.

Hàng loạt vấn đề kinh tế cũng như cơ chế làm việc, kỳ vọng… đã được các thành viên tổ này phân tích, đặt ra với Tuổi Trẻ.

Ông Vũ Viết Ngoạn 
(Tổ trưởng Tổ tư vấn về kinh tế của Thủ tướng Chính phủ):

Có thể gặp trực tiếp Thủ tướng để 
kiến nghị

 

Thủ tướng đã chỉ đạo Tổ tư vấn có thể gửi ý kiến qua thư điện tử hay gặp trực tiếp Thủ tướng.

Nhưng cần nói rõ, Tổ tư vấn là các nhà khoa học nên những đề xuất, phân tích đều phải nghiên cứu chuyên sâu, có hàm lượng khoa học lý luận và thực tiễn. Vì thế, với những vấn đề lớn, tổ sẽ phải thảo luận tập thể trước khi gửi báo cáo, đề xuất.

Có một số câu hỏi như: Tổ tư vấn sẽ đưa ra giải pháp nào để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,7% và tiếp tục tăng trưởng cao những năm tiếp theo?

Theo tôi, về nguyên tắc bất cứ nền kinh tế nào cũng phải quan tâm đồng thời cả hai mục tiêu: tăng trưởng và ổn định.

Đúng là tăng trưởng kinh tế của ta dựa trên mô hình tăng trưởng cũ đã đến trần giới hạn. Muốn thay đổi, phải nâng năng lực của nền kinh tế.

Tại Việt Nam, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước nếu được tháo gỡ ngay một số rào cản sẽ tạo được động lực phát triển mạnh.

Hay như bản thân các doanh nghiệp nhà nước có khối tài sản khoảng 217 tỉ USD, nếu có giải pháp tăng hiệu quả sẽ có đóng góp tích cực cho tăng trưởng.

Theo tôi, phải coi doanh nghiệp nhà nước như các công ty đại chúng. Nếu làm được điều này sẽ tạo sự chuyển động rất lớn.

Hay thay lực kéo của Thủ tướng đối với bộ máy hành chính hiện nay bằng lực đẩy của xã hội sẽ tốt hơn nhiều trong một xã hội phát triển. Đó là tư duy, triết lý trong quản trị nhà nước hiện đại.

PGS.TS Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Singapore):

3 điều cần thiết để hoạt động hiệu quả

Tôi nghĩ việc thành lập Tổ tư vấn kinh tế là một cố gắng bước đầu của Thủ tướng và Chính phủ trong nỗ lực quy tụ và khai thác nguồn lực tri thức cho công cuộc phát triển đất nước.

Để Tổ tư vấn hoạt động thực sự hiệu quả tôi thấy cần ba điều kiện tiên quyết.

Thứ nhất, Chính phủ cần ủy nhiệm cho tổ tư vấn làm việc với các bộ, ngành và địa phương để đưa ra một chiến lược phát triển cho 30 năm tới, quyết tâm đưa Việt Nam thành một nước công nghiệp phát triển theo tiêu chuẩn của khối OECD vào năm 2045, khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm độc lập.

Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mục tiêu và là động lực đầu tiên để chúng ta có đủ quả cảm, mạnh dạn cải cách… đó là trọng dụng nhân tài và tiệt trừ tham nhũng

PGS.TS Vũ Minh Khương

Như người xưa từng nói, “ý chí của người đứng đầu đến đâu thì kế sách của mưu sĩ đến đó”.

Mục tiêu và là động lực đầu tiên để chúng ta có đủ quả cảm, mạnh dạn cải cách, đó là tiệt trừ tham nhũng và trọng dụng nhân tài.

Thứ hai, trong nỗ lực vượt qua các thách thức đang ngày càng lớn, Thủ tướng cần đưa ra những câu hỏi và đặt hàng có tính chiến lược cao, nó cũng là thông điệp cho toàn xã hội về sự coi trọng trí tuệ, tầm nhìn.

Điểm quan trọng để nâng tầm cho công cuộc phát triển ở Việt Nam là tăng tính minh bạch.

Rất nhiều “điểm nghẽn” tăng trưởng sẽ biến mất nếu các “điểm tối” (do sự thiếu minh bạch tạo ra) được xóa bỏ. Việt Nam cần khai thác công nghệ số để minh bạch thông tin về nhu cầu và hiệu quả các dự án đầu tư công, chất lượng công tác của cán bộ – cơ quan chính quyền, sở hữu tài sản và nộp thuế của quan chức…

Thứ ba, 15 thành viên của Tổ tư vấn cần có chiến lược cho chương trình công tác. Tầm nhìn xa, dũng khí và biết dựa vào nguồn lực xã hội (doanh nghiệp, lớp trẻ…) phải là những phẩm chất then chốt mà mỗi thành viên trong tổ cần có và không ngừng hun đúc…

GS.TS Nguyễn Đức Khương (Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh, Cộng hòa Pháp):

Đề xuất xây dựng 
tư duy đột phá

Qua cuộc làm việc lần thứ nhất của Tổ tư vấn kinh tế, tôi thấy Thủ tướng luôn trăn trở với sự phát triển của đất nước, trong đó ưu tiên hàng đầu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và toàn diện trong ngắn, trung và dài hạn.

Trên góc độ cá nhân, tôi quan tâm và đề xuất với Thủ tướng và chính phủ kiến tạo là tư duy đột phá để xây dựng ngay từ bây giờ một nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế nước ta thông qua việc xác định rõ các mục tiêu dài hạn, các động cơ tăng trưởng, lộ trình thực hiện và vai trò – trách nhiệm của các chủ thể kinh tế.

Cách mạng công nghiệp 4.0 (cách mạng công nghiệp mềm), kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ đã và đang đưa đến các mô hình kinh doanh mới yêu cầu vốn thấp và đem lại giá trị gia tăng cao. Nhưng nó cũng tạo áp lực lớn cho thị trường lao động, các cơ sở đào tạo ngành nghề…

Chúng ta phải có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể về tác động, để từ đó xác định xem chúng ta làm gì, chọn hướng đi nào để bước chân vào kinh tế số hóa. Chúng ta cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu và thiết lập các khu cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Sẽ đề xuất nhiều vấn đề chiến lược

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, tới đây Tổ tư vấn sẽ thảo luận về chương trình hoạt động của tổ cho đến hết nhiệm kỳ.

Nội dung chính sẽ tập trung là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ rõ chủ trương và giải pháp chủ yếu, tổ sẽ nghiên cứu đề xuất giải pháp cụ thể về những vấn đề cốt yếu, cấp thiết.

Tổ sẽ phải chỉ rõ làm gì, làm như thế nào, cái gì làm trước, cái gì làm sau…

Bên cạnh đó là nhiều nội dung mang tính chiến lược như làm thế nào để thu hút doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất hay Việt Nam phải làm thế nào để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp đang rút khỏi thị trường Trung Quốc tìm địa điểm mới…

NGỌC AN – LÊ THANH