11/01/2025

Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung

Mỹ đang cân nhắc khởi động cuộc điều tra có thể dẫn đến một loạt biện pháp trả đũa thương mại đối với Trung Quốc.

 

Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung

Mỹ đang cân nhắc khởi động cuộc điều tra có thể dẫn đến một loạt biện pháp trả đũa thương mại đối với Trung Quốc.




Tổng thống Donald Trump (phải) tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida vào tháng 4REUTERS

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị có động thái mạnh mẽ về khía cạnh thương mại đối với Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ ngày càng tỏ ra lo ngại trước nỗ lực do chính quyền Bắc Kinh dẫn đầu nhằm biến nước này thành thế lực đi đầu trong lĩnh vực vi mạch, ô tô, điện tử và các công nghệ then chốt khác của tương lai. Cụ thể, trong vòng vài ngày nữa, chủ nhân Nhà Trắng sẽ có quyết định đáp trả những hành vi thương mại bị Mỹ cho là không lành mạnh, vốn được Trung Quốc áp dụng lâu nay để đạt lợi thế kinh doanh trước cường quốc kinh tế số một thế giới, theo Đài CNBC ngày 2.8 dẫn lời một số quan chức giấu tên của Washington.
Trong khi đó, nguồn tin của Reuters cho biết Tổng thống Trump đang cân nhắc khả năng yêu cầu Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khởi động cuộc điều tra liên quan đến các cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Một khi nhận được mệnh lệnh từ tổng thống, văn phòng Đại diện thương mại Mỹ sẽ mất ít nhất khoảng vài tháng để hoàn tất báo cáo. Dựa trên kết quả thu được, tổng thống Mỹ có thể đơn phương áp đặt các mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, huỷ bỏ giấy phép hoạt động hoặc thực hiện những biện pháp giới hạn mậu dịch khác để trả đũa thương mại. Quy trình này được tiến hành theo điều 301 của luật Thương mại 1974, với mục tiêu bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ trước “những hành vi thương mại gian lận” của nước ngoài. Vào thập niên 1980, Mỹ đã viện dẫn điều luật này để tăng thuế đối với xe máy, thép và các mặt hàng khác của Nhật Bản.
 

Trong một động thái hiếm hoi cho thấy sự đồng thuận lưỡng đảng, ba thượng nghị sĩ có thế lực của đảng Dân chủ đã lên tiếng thúc giục Tổng thống Trump nhanh chóng có hành động đối với Trung Quốc. Theo Reuters, thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer gây áp lực buộc vị tổng thống đảng Cộng hoà hãy bỏ qua khâu điều tra và chuyển thẳng sang giai đoạn trừng phạt Bắc Kinh. “Chúng ta nên xử lý họ”, ông Schumer tuyên bố. Cùng quan điểm với ông Schumer là các thượng nghị sĩ Ron Wyden, đứng đầu phe Dân chủ tại Uỷ ban Tài chính Thượng viện; Sherrod Brown, lãnh đạo Dân chủ tại Uỷ ban Ngân hàng Thượng viện.
Reuters hôm qua dẫn tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nhấn mạnh Bắc Kinh “phản đối các hành vi đơn phương và bảo hộ mậu dịch dưới bất kỳ hình thức nào”. Về vấn đề này, Tân Hoa xã cũng dẫn thông báo chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định nước này luôn cam kết tuân thủ các quyền về sở hữu trí tuệ.
Theo Tass, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 2.8 đã chính thức lên tiếng phản đối lệnh cấm vận mới nhất của Mỹ nhằm vào Nga, gọi đây là hành động “khai chiến thương mại toàn diện” chống Moscow. Ông tuyên bố “gói cấm vận đã chấm dứt những hy vọng cải thiện quan hệ giữa Điện Kremlin và chính quyền Tổng thống Donald Trump”. Bên cạnh việc chọc giận Nga, động thái mới của Washington còn khiến EU quan ngại vì cho rằng việc cấm vận có thể đẩy lĩnh vực năng lượng của khối vào tình trạng bất ổn, buộc các thành viên phải đáp trả nếu cần thiết.


 

Thuỵ Miên