29/11/2024

Người nước ngoài vẫn gặp khó khi mua nhà tại Việt Nam

Luật nhà ở 2014 đã nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại VN, tuy nhiên số lượng người nước ngoài mua nhà tại VN vẫn còn rất ít do vướng trong việc xác định danh mục dự án được phép bán cho đối tượng này.

 

Người nước ngoài vẫn gặp khó khi mua nhà tại Việt Nam

 Luật nhà ở 2014 đã nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại VN, tuy nhiên số lượng người nước ngoài mua nhà tại VN vẫn còn rất ít do vướng trong việc xác định danh mục dự án được phép bán cho đối tượng này.

 

 

 

Người nước ngoài vẫn gặp khó khi mua nhà tại Việt Nam
Khách nước ngoài tìm hiểu mua căn hộ tại một dự án ở Q.2, TP.HCM – Ảnh: Quang Định

Đây là một trong những nội dung được nhiều chủ đầu tư bức xúc phản ảnh tại hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp – chính quyền thành phố” về hoạt động xây dựng và kinh doanh bất động sản, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư phối hợp với Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức ngày 4-8.

Chưa dám mua do sợ rủi ro

Sau ba năm làm việc tại TP.HCM và muốn tiếp tục ổn định cuộc sống tại VN, ông O.S.D. (quốc tịch Nhật) nhờ người quen đưa đi tìm hiểu một dự án tại quận 7, hiện đã bàn giao nhà và đã cấp giấy chủ quyền cho cư dân.

Tìm đến chủ đầu tư, ông D. được tư vấn là ký hợp đồng mua bán với chủ sở hữu căn hộ và chờ đến khi dự án được phép bán cho người nước ngoài, ông D. mới được sang tên. Do lo ngại về pháp lý, ông D. quyết định không mua nhà nữa.

 

“Ngay chủ đầu tư cũng không chắc chắn dự án có đủ điều kiện bán cho người nước ngoài hay không. Nếu sau này xác định không được bán cho người nước ngoài, tôi sẽ gặp rủi ro” – ông D. nói.

Không chỉ người nước ngoài gặp khó, nhiều chủ đầu tư cũng bức xúc cho biết những vướng mắc trong việc xác định dự án có được bán cho đối tượng này hay không cũng khiến cho chủ đầu tư rơi vào cảnh khó xử khi lỡ bán, chưa kể nhiều chủ đầu tư cũng mất cơ hội có thêm khách hàng.

Chủ đầu tư một dự án ở quận 2 cho biết đã lỡ bán nhà cho người nước ngoài và đang gặp nhiều rắc rối, bị người mua nhà phản ứng.

Bởi hợp đồng đã đến hạn giao sổ nhưng không làm thủ tục được, khách hàng đòi thanh lý hợp đồng.

“Cơ quan chức năng không nhanh chóng làm rõ khu vực nào cho phép người nước ngoài mua nhà và được cấp sổ, chúng tôi sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện cam kết hợp đồng với khách. Khả năng bị phạt hợp đồng rất cao” – vị này nói.

Ông Vũ Lê Bằng – Công ty luật Nishimura & Asahi – cho biết nhiều khách hàng Nhật đến làm việc tại TP.HCM đều quan tâm đến việc mua nhà để ở và làm ăn lâu dài.

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu vấn đề cấp chủ quyền, phần lớn đều quyết định không mua do lo ngại rủi ro, một số khác làm thoả thuận cho vợ là người VN đứng tên, tiềm ẩn nhiều rủi ro một khi xảy ra tranh chấp vợ chồng.

“Nếu tháo gỡ được vướng mắc này, chắc chắn có rất nhiều người nước ngoài sẽ mua nhà dự án tại VN” – ông Bằng nhận định.

Chờ xác định danh mục dự án được phép

Trao đổi tại hội nghị, ông Trần Trọng Tuấn – giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM – cho biết nghị định 99 (có hiệu lực từ tháng 
12-2015) quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương.

Trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh sẽ xác định cụ thể danh mục dự án nhà trên địa bàn đủ điều kiện cho phép người nước ngoài được quyền sở hữu, cũng như tỉ lệ và số lượng nhà ở (căn hộ, nhà ở riêng lẻ) mà đối tượng này được sở hữu tại mỗi dự án.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, dù cơ quan này đã làm việc với các cơ quan chịu trách nhiệm nhưng đến nay vẫn chưa xác định được danh mục các dự án nhà ở được bán cho người nước ngoài.

Cơ quan này cũng đã báo cáo UBND TP xin chủ trương, chuyển danh mục các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn TP cho Bộ Tư lệnh và Công an TP.

Sau khi hai đơn vị này cho ý kiến, Sở Xây dựng sẽ công bố những dự án nào được phép bán cho người nước ngoài, với tỉ lệ và số lượng bao nhiêu của từng dự án.

Với những dự án mới chưa nằm trong danh mục, sau khi UBND TP công bố quyết định công nhận chủ đầu tư, sở sẽ lập danh sách để từng quý gửi sang Bộ Tư lệnh và Công an TP để xác định dự án được bán cho người nước ngoài.

“Trong vòng 15 ngày, nếu hai đơn vị này không trả lời, xem như dự án đầy đủ điều kiện và chủ trương này sẽ thực hiện trong quý 3-2017” – ông Tuấn nói.

Bà Vũ Thị Thành Tâm – phó phòng quản lý sử dụng đất, Sở TN-MT – cũng cho biết sau khi nghị định 99 có hiệu lực, nhiều chủ đầu tư đã liên hệ với cơ quan này để xin cấp sổ hồng cho người nước ngoài.

“Nhưng do Sở Xây dựng chưa công bố danh mục dự án nhà ở được phép bán cho người nước ngoài như quy định, nên chúng tôi vẫn chưa có cơ sở pháp lý để cấp sổ hồng cho đối tượng này” – bà Tâm nói.

Ông Vũ Quang Hùng (giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng):

Nhiều chủ dự án có nguy cơ bị kiện

Đà Nẵng cũng đã gửi văn bản cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đề nghị có ý kiến về những khu vực, dự án được phép bán cho người nước ngoài hay không nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Chúng tôi cũng đang tập hợp danh sách dự án đã bán nhà cho người nước ngoài nhưng đang bị vướng trong khâu cấp chủ quyền để gửi cho các cơ quan chức năng trung ương có ý kiến.

Một chủ đầu tư cho hay đang đứng trước nguy cơ bị kiện do lỡ bán nhà cho người nước ngoài. Bởi nếu cấp sổ hồng cho người mua nhà chậm sẽ bị kiện, còn nếu dự án được xác định không được phép bán cho người nước ngoài cũng sẽ bị kiện.

Các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại ven biển, ven sông Đà Nẵng đang xây dựng cũng đang rất lo, vẫn thấp thỏm và chờ đợi phê duyệt vị trí dự án có được bán cho người nước ngoài hay không.

VIỆT HÙNG


TIẾN LONG