11/01/2025

Mỹ có thể cắt giảm diện bảo lãnh định cư

Người ở Mỹ sẽ không thể bảo lãnh định cư đối với anh chị em hoặc con cái ở tuổi trưởng thành nếu dự luật nhập cư mới được thông qua.

 

Mỹ có thể cắt giảm diện bảo lãnh định cư

Người ở Mỹ sẽ không thể bảo lãnh định cư đối với anh chị em hoặc con cái ở tuổi trưởng thành nếu dự luật nhập cư mới được thông qua.




Người dân xuống đường biểu tình chống chính sách hạn chế người nhập cư tại TP.Los Angeles hồi tháng 2.2017  /// Ảnh: Reuters

Người dân xuống đường biểu tình chống chính sách hạn chế người nhập cư tại TP.Los Angeles hồi tháng 2.2017ẢNH: REUTERS

Reuters ngày 3.8 dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ông ủng hộ dự luật mới do các nghị sĩ đảng Cộng hoà là Tom Cotton ở bang Arkansas và David Perdue ở bang Georgia đệ trình, với mục tiêu cắt giảm một nửa số người nhập cư được nhận thẻ xanh (thường trú nhân) hằng năm, từ 1.051.031 người trong năm 2015 xuống còn 539.958 người trong năm 2027.
Ưu tiên lao động tay nghề cao
Dự luật mang tên Raise (viết tắt tên tiếng Anh của Dự luật cải cách nhập cư nhằm thúc đẩy việc làm tốt) nếu được thông qua thành luật sẽ ngưng cấp thẻ xanh cho anh chị em hoặc con cái ở tuổi trưởng thành của người nhập cư hợp pháp tại Mỹ. Điều này có nghĩa công dân Mỹ và người có thẻ xanh tại Mỹ chỉ có thể bảo lãnh vợ/chồng và con cái dưới 18 tuổi. Đối với những ai muốn bảo lãnh cha mẹ sang Mỹ vì lý do tiện chăm sóc tuổi già thì cha mẹ chỉ được cấp thị thực tạm thời và có thể gia hạn được.
Dự luật Raise sẽ khai tử chương trình Thị thực định cư đa dạng hay còn gọi là “xổ số thị thực” của Bộ Ngoại giao Mỹ. Đây là chương trình cấp khoảng 50.000 thị thực định cư Mỹ mỗi năm thông qua hình thức xổ số cho công dân các quốc gia khác, thường là các nước ở châu Phi vốn có tỷ lệ nhập cư tại Mỹ thấp. Raise cũng sẽ áp mức trần cho diện người tị nạn là 50.000 thị thực/năm, thay vì 100.000 như hiện nay.
 

 
 
Trả lời Thanh Niên, anh Tuyên Nguyễn – nhân viên thuộc chi nhánh Bank of America tại TP.Los Angeles (bang California) – cho hay anh không ủng hộ dự luật mới. Theo anh, người nhập cư tay nghề thấp đem lại nhiều lợi ích cho đất nước vì thực tế cho thấy một số công việc lao động chân tay nhiều người dân Mỹ không muốn làm. Người nhập cư tay nghề thấp cũng sẵn sàng làm việc với mức lương không cao nên góp phần hạ giá thành các sản phẩm thực phẩm, giúp việc chi tiêu sinh hoạt của người dân Mỹ không quá đắt đỏ như nhiều nước phát triển khác. Anh Nguyễn Đình Đại sống tại TP.Santa Rosa thuộc bang California, người đang làm hồ sơ bảo lãnh vợ con tại VN sang Mỹ, cho hay anh không lo lắng lắm vì dự luật nếu được quốc hội thông qua vẫn cho phép bảo lãnh vợ/chồng và con cái nên cũng không ảnh hưởng đến người thân của anh.
 

Thay vào đó, dự luật Raise tập trung ưu tiên những người có khả năng thành công cao ở Mỹ và góp phần phát triển kinh tế nước này, với khoảng 140.000 người sẽ nhận được thẻ xanh mỗi năm. Những ứng viên tay nghề cao sẽ được đánh giá thông qua hệ thống tính điểm tương tự của Canada và Úc, thông qua các tiêu chí về bằng cấp, khả năng lưu loát tiếng Anh, chuyên môn cao, công việc được trả lương hậu hĩnh, tuổi tác, các thành tựu nổi bật và sáng kiến kinh doanh. Những người có bằng tiến sĩ sẽ được ưu tiên hơn thạc sĩ, cử nhân hoặc ứng viên ở gần ngày sinh nhật lần thứ 25 sẽ được ưu tiên hơn những người khác…

Còn ải quốc hội
Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 2.8, Tổng thống Trump tuyên bố dự luật mới là “cải cách quan trọng nhất đối với hệ thống nhập cư của chúng ta trong nửa thế kỷ”, theo BBC. “Tiến trình nộp đơn cạnh tranh này sẽ ủng hộ những người có thể nói tiếng Anh, có khả năng tài chính và giúp đỡ được cho gia đình họ. Ngoài ra, những người muốn nhập cư vào Mỹ cũng phải thể hiện khả năng đem lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ”, Tổng thống Trump nói.
Chủ nhân Nhà Trắng cùng một số nghị sĩ đảng Cộng hoà thường chỉ trích hệ thống nhập cư hợp pháp hiện tại là lạc hậu, đồng thời lập luận rằng người nhập cư lấy đi công ăn việc làm của các công nhân Mỹ cũng như góp phần làm giảm mức lương. Theo Reuters, các nghị sĩ Cotton và Perdue nói rằng dự luật của họ không ảnh hưởng đến thị thực tạm thời của những lao động tại một số hãng công nghệ cũng như lao động thời vụ phổ biến ở nhiều doanh nghiệp tại Mỹ. “Chúng tôi không muốn đun sôi cả đại dương ở đây và thay đổi mọi thứ về luật nhập cư hiện hành của chúng ta”, ông Cotton cho biết.
Theo giới quan sát, dự luật trên sẽ vấp phải nhiều trở ngại tại quốc hội vì một số nghị sĩ khác của đảng Cộng hoà và cả Dân chủ chỉ ủng hộ các biện pháp cải cách toàn diện chứ không phải biện pháp xử lý khắt khe như vậy. Theo Reuters, thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Lindsey Graham từ bang Nam Carolina khẳng định dự luật mới sẽ tàn phá nền kinh tế bang vì bang này phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư để duy trì hai lĩnh vực chủ lực là nông nghiệp và du lịch. Còn Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia đảng Dân chủ Mỹ Tom Perez phát biểu trên tờ The New York Times: “Thay vì bắt bọn tội phạm, Tổng thống Trump muốn chia rẽ các cộng đồng và trừng phạt những gia đình người nhập cư đang có những đóng góp quý báu cho nền kinh tế của chúng ta. Đó không phải là điều đất nước Mỹ ủng hộ”. FWD.us, một tổ chức đại diện ngành công nghệ tại Mỹ, thừa nhận rằng dự luật nếu được thông qua sẽ “gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ”.


Mỹ có thể cắt giảm diện bảo lãnh định cư - ảnh 2

 
 

 

Huỳnh Thiềm