11/01/2025

Hướng đi cho thí sinh điểm cao nhưng chưa trúng tuyển

Thí sinh có điểm trung bình mỗi môn 7 – 8 điểm nhưng chưa trúng tuyển là hiện tượng không lạ trong kỳ xét tuyển năm nay. Những thí sinh này sẽ chọn hướng đi nào trong hoàn cảnh các trường lớn gần như đã tuyển đủ chỉ tiêu?

 

Hướng đi cho thí sinh điểm cao nhưng chưa trúng tuyển

Thí sinh có điểm trung bình mỗi môn 7 – 8 điểm nhưng chưa trúng tuyển là hiện tượng không lạ trong kỳ xét tuyển năm nay. Những thí sinh này sẽ chọn hướng đi nào trong hoàn cảnh các trường lớn gần như đã tuyển đủ chỉ tiêu?




Sau ngày 7.8, khi thí sinh trúng tuyển đợt 1 xong, nếu còn chỉ tiêu các trường mới công bố tuyển nguyện vọng bổ sung /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Sau ngày 7.8, khi thí sinh trúng tuyển đợt 1 xong, nếu còn chỉ tiêu các trường mới công bố tuyển nguyện vọng bổ sungẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 

Sau thời điểm các trường công bố điểm trúng tuyển, Báo Thanh Niên đã tiếp nhận nhiều trường hợp thí sinh (TS) điểm cao nhưng chưa trúng tuyển đợt 1. Nguyên nhân chung là đăng ký các nguyện vọng (NV) chưa phù hợp hoặc không lường trước được việc tăng mạnh điểm chuẩn trong năm nay do mặt bằng điểm thi cao.
Một TS quê Nam Định cho biết tổng điểm thi 3 môn theo tổ hợp khối A là 24. TS này đăng ký 6 NV vào 2 trường ĐH (Bách khoa Hà Nội, Công nghiệp Hà Nội) nhưng đều rớt.
Hướng đi cho thí sinh điểm cao nhưng chưa trúng tuyển - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Ví dụ về sự bất công trong cộng điểm ưu tiên

Việc ưu tiên bằng cộng điểm xét tuyển vẫn có nhiều bất cập. Đáng quan tâm là thực tế có nhiều người lợi dụng chính sách ưu tiên này khiến người được hưởng không thực sự đúng đối tượng.
 

Đáng chú ý, một TS Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) được 26,9 điểm đã đăng ký xét tuyển 2 NV vào ngành kinh tế đối ngoại và kinh doanh quốc tế của Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM. Tuy nhiên, TS này đã không trúng tuyển vì điểm chuẩn của 2 ngành này lần lượt là 27,25 và 27 điểm. Một TS đạt 23 điểm đã rớt NV duy nhất vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM.
Các TS này đang không biết nên làm thế nào vì thời điểm này chưa thấy các trường công bố xét tuyển bổ sung.
Theo PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, các TS này có thể chọn 1 trong 3 cách sau: theo học chương trình liên kết quốc tế của trường có thương hiệu (nếu có điều kiện kinh tế và ngoại ngữ), chờ đợi cơ hội xét tuyển bổ sung (trường công hoặc tư) hoặc chờ năm sau ôn thi lại.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, sau khi kết thúc đợt 1 chỉ có khoảng 50% số trường ĐH công bố tuyển đủ chỉ tiêu nên số trường có tuyển bổ sung sẽ còn nhiều. Thậm chí ngay cả những trường đã tuyển đủ chỉ tiêu có thể sẽ thông báo xét tiếp. Sau ngày 7.8, các trường ĐH còn chỉ tiêu ở NV bổ sung sẽ có thông báo cụ thể. Tuy nhiên, số chỉ tiêu còn lại ở đợt bổ sung chỉ khoảng 30% tổng chỉ tiêu ĐH và những ngành hấp dẫn hầu như đã tuyển đủ.
Trong trường hợp này, tiến sĩ Nghĩa cho rằng TS chưa trúng tuyển đợt 1 bằng kết quả thi nên theo dõi thông báo của các trường để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Để trúng tuyển đợt này TS cần cân nhắc lựa chọn ngành phù hợp nhất với NV và điểm thi. Còn với hình thức xét tuyển học bạ, TS vẫn còn nhiều cơ hội vì các trường sẽ thực hiện nhiều đợt xét tuyển và có thể kéo dài đến hết tháng 8.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng khuyên TS có thể đợi cơ hội xét bổ sung bằng kết quả thi đồng thời với tham gia xét tuyển bằng học bạ.
Còn tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, khuyên: “TS không nên đăng ký đại vào một ngành mà ngành đó mình không thực sự thích. Vì bên cạnh việc trúng tuyển ĐH, TS còn đang lựa chọn một cơ hội nghề nghiệp sẽ đi theo suốt cuộc đời. Nếu chọn không đúng ngành học, TS sẽ tiếp tục phạm những sai lầm”. TS Lý cho rằng trong hoàn cảnh không được lựa chọn như mong muốn TS cần biết cách chấp nhận và mạnh dạn quyết định. Không chỉ trường ĐH tốp dưới, ngay cả xét tuyển vào trường CĐ mà được học ngành yêu thích vẫn là lựa chọn tốt hơn học một ngành không thích.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình cũng có ý kiến: “Không nên phân biệt trường công hay tư khi xét tuyển bổ sung. Quan trọng là học tốt thì cơ hội việc làm sau này sẽ tốt”.
Khai sai hồ sơ, có được xem xét cộng điểm ưu tiên?
Tòa soạn Báo Thanh Niên đã tiếp nhận một số trường hợp TS đến thời điểm này mới phát hiện thuộc diện được ưu tiên tuyển sinh nhưng trước đó do sơ suất nên không khai trong hồ sơ đăng ký dự thi. Một TS của Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) có điểm thi 24,85 và có đủ minh chứng được hưởng ưu tiên 2 đối tượng 06 được cộng 1 điểm. TS này đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và nếu được cộng điểm ưu tiên sẽ trúng tuyển.
Tương tự, một TS khác được 28,6 điểm đăng ký xét tuyển nhưng không đủ điểm trúng tuyển ngành y đa khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM. TS này thuộc đối tượng dân tộc Hoa sống tại TP.HCM, theo quy chế sẽ được cộng 1 điểm ưu tiên. Tuy nhiên khi làm hồ sơ dự thi, TS này đã không khai rõ đối tượng này.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết nếu TS chứng minh được đối tượng ưu tiên đúng quy định thì trường ĐH có thể quyết định xem xét giải quyết.
Tuy nhiên, các TS này đã đến tận trường ĐH mang theo hồ sơ nhưng các trường cho biết không giải quyết được vì chưa có ý kiến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.

 

Hà Ánh