29/11/2024

Cơ chế thoáng cho đặc khu

Luật Đất đai hiện hành cho phép giao đất, cho thuê đất tối đa 70 năm đối với đất trong khu kinh tế, trong khi tại nhiều đặc khu trên thế giới, thời hạn này đến 99 năm.

 

Cơ chế thoáng cho đặc khu

Luật Đất đai hiện hành cho phép giao đất, cho thuê đất tối đa 70 năm đối với đất trong khu kinh tế, trong khi tại nhiều đặc khu trên thế giới, thời hạn này đến 99 năm.




Phú Quốc đang được xem xét xây dựng thành đặc khu kinh tếẢNH: BÍCH DUNG

Cho phép người nước ngoài sở hữu nhà đến 99 năm, cho phép thế chấp tài sản gắn với quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài… theo dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu) được đánh giá sẽ tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư vào các đặc khu kinh tế.
Thí điểm trước
Luật Đất đai hiện hành cho phép giao đất, cho thuê đất tối đa 70 năm đối với đất trong khu kinh tế, trong khi tại nhiều đặc khu trên thế giới, thời hạn này đến 99 năm.
Chuyên gia kinh tế Đặng Hùng Võ nhận xét hướng mở này sẽ góp phần thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, có những vấn đề liên quan cần được xem xét kỹ. Ví dụ sau thời gian người nước ngoài được phép sở hữu nhà thì có được gia hạn tiếp tục, hay có được chuyển nhượng nhà ở đó cho người nước ngoài khác… “Khi đã có những quy định đặc biệt để thu hút đầu tư thì cần cởi bỏ mọi hạn chế có liên quan về đất đai. Cần thiết xoá bỏ luôn chính sách hạn điền để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở các đặc khu kinh tế”, chuyên gia Đặng Hùng Võ nói.
TS Lê Viết Thái, nguyên Trưởng ban Thể chế kinh tế, Viện Quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng khi xây dựng những chính sách đặc biệt vượt lên trên phạm vi các quy định hiện nay thì quan trọng là sẽ áp dụng cho vùng miền nào. Để xây dựng mô hình đặc khu kinh tế, phải xem xét các tiêu chí có liên quan. Nếu coi đây như một phòng thí nghiệm của quốc gia, có thể áp dụng thử nghiệm trong phạm vi vừa phải trước, sau đó hoạt động tốt thì áp dụng rộng rãi, ngược lại thì xoá bỏ. Bên cạnh đó, mỗi đặc khu khi xác định sẽ có những tiêu chí chọn lọc khác nhau thì nên được nêu rõ và cụ thể, chẳng hạn Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ khác Vân Đồn (Quảng Ninh).

Tự do về thương mại

Bên cạnh các chính sách về nhà ở, đất đai, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng cần phải mở rộng hơn những chính sách khác. TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) phân tích: các doanh nghiệp không chỉ quan tâm về lĩnh vực đất đai khi chọn địa điểm đầu tư mà còn tính toán đến các vấn đề khác như thuế, thủ tục hành chính. Hầu hết các đặc khu kinh tế trên thế giới hiện nay đều theo hướng tự do hoàn toàn trong nội khu, nghĩa là không đánh bất cứ loại thuế nào ngoài thuế xuất nhập khẩu khi hàng hóa lưu thông ra ngoài đặc khu, nhưng cũng thấp hơn mức thuế thông thường.
Các đặc khu kinh tế cũng có đơn vị hành chính đặc biệt theo mô hình quản lý tự quản, tự chủ và không có nhiều tầng lớp. Thậm chí đặc khu còn được tự do thuê lực lượng chức năng, chuyên gia nước ngoài để phục vụ hoạt động nội bộ. Các hoạt động về giấy tờ, cấp phép đầu tư được giải quyết nhanh gọn và đơn giản. “Dự thảo mô hình đặc khu kinh tế còn đang trong quá trình xem xét, thảo luận nhưng quan trọng nhất là phải theo hướng mở rộng hơn, tự do thương mại, minh bạch cũng như tương thích với các quy định quốc tế. Điều đó mới đủ hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia”, TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
TS Lê Viết Thái cho rằng nhà nước cần đầu tư hạ tầng, môi trường xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động tại đặc khu kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Kế hoạch – Đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự luật và trình các uỷ ban của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đúng thời hạn để có thể trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 10 tới.

 

Mai Phương