10/01/2025

VN sẽ cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Kháng sinh bị lạm dụng trong nhiều hệ thống chăn nuôi VN không chỉ dẫn tới sự kháng thuốc của vi khuẩn mà còn để lại tồn dư kháng sinh trong thực phẩm cho người đang là rủi ro lớn đối với sức khoẻ cộng đồng.

 

VN sẽ cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Kháng sinh bị lạm dụng trong nhiều hệ thống chăn nuôi VN không chỉ dẫn tới sự kháng thuốc của vi khuẩn mà còn để lại tồn dư kháng sinh trong thực phẩm cho người đang là rủi ro lớn đối với sức khoẻ cộng đồng.




Cần quản lý sử dụng và phòng chống kháng sinh trong chăn nuôi vì sức khỏe cộng đồng /// Ảnh: Ngọc Dương

Cần quản lý sử dụng và phòng chống kháng sinh trong chăn nuôi vì sức khỏe cộng đồngẢNH: NGỌC DƯƠNG

Đó là những cảnh báo đáng lo ngại được các chuyên gia, cơ quan quản lý chia sẻ tại hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, do Bộ NN-PTNT phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Tổ chức Nông nghiệp và lương thực của LHQ (FAO) tổ chức chiều 2.8, tại Hà Nội.
Bà Hoàng Hương Giang, Phó trưởng phòng Quản lý thức ăn chăn nuôi (TACN) – Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết theo lộ trình cam kết, VN sẽ cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi từ năm 2020, nhưng đối với loại kháng sinh sử dụng trong TACN thì áp dụng ngay từ năm 2018. Danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong TACN từ 43 loại trước đây nay cắt giảm chỉ còn 15 loại và cũng chỉ được phép sử dụng đến ngày 31.12.2017.
Cao gấp 6 lần châu Âu
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết theo khảo sát mới đây của cục này đối với 208 trang trại chăn nuôi gia cầm ở Tiền Giang, cho thấy mức sử dụng kháng sinh rất cao. Cụ thể, lượng kháng sinh trên đầu gia cầm ở đây cao gấp 6 lần so với mức ghi nhận được ở một số nước châu Âu. Trong đó, 84% kháng sinh được sử dụng với mục đích phòng bệnh.
Không chỉ vậy, việc sử dụng TACN có trộn sẵn thuốc kháng sinh cũng chiếm tỷ lệ cao. Trong mỗi chu kỳ chăn nuôi, 72% số trang trại đều sử dụng ít nhất một loại kháng sinh để phòng bệnh và trị bệnh hoặc kích thích tăng trưởng. Trong ngành chăn nuôi heo, kháng sinh cũng bị lạm dụng khi ghi nhận có 286,6 mg hoạt chất kháng sinh/kg heo hơi.
Theo Cục Thú y, các nghiên cứu gần đây về vi khuẩn kháng thuốc trên động vật và sản phẩm động vật cũng đã được thực hiện trên 202 chủng Campylobacter spp phân lập từ 343 trang trại chăn nuôi heo và gia cầm ở ĐBSCL, ghi nhận tỷ lệ kháng thuốc như sau: 100% kháng Erythromycin; 99% kháng Sulfamethoxazole – Trimethoprim; 92% kháng Nalidixic acid và Ofloxacin và 20,8% kháng Ciprofloxacin. Ngoài ra, trong số 895 chủng Escherichiacoli phân lập được từ 208 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ ở ĐBSCL cũng cho thấy, tỷ lệ kháng Gentamicin là 20%, kháng Ciprofloxacin là 32,5%. Hiện tượng kháng thuốc Ciprofloxacin chắc chắn liên quan đến việc sử dụng Quinolone tại các trang tại chăn nuôi.

Cũng theo kết quả khảo sát, kháng kháng sinh của vi khuẩn Salmonella spp được phân lập từ 318 mẫu thịt heo, gà từ các chợ bán lẻ miền Bắc cho thấy vi khuẩn này kháng Tetracyline là 58,5%; Sulphonamides là 58,1%; Streptomycin là 47,3%; Ampicillin là 39,8%, Chloramphen-icol là 37,3%; Trimethoprim là 34,0% và Nalidixic acid 27,8%. Kết quả nghiên cứu kháng kháng sinh trên thực phẩm thuỷ sản cũng cho thấy có 18% chủng Escherichiacoli phân lập được từ 60 mẫu tôm từ một chợ ở TP.Nha Trang (Khánh Hoà) có enzyme ESBL, 55% chủng này kháng với nhiều loại thuốc.
Bà Thủy cho rằng tình trạng người dân dễ dàng mua thuốc kháng sinh mà không cần đơn thuốc của bác sĩ thú y đã làm tăng thêm gánh nặng, gây khó khăn trong công tác quản lý, dẫn tới tình trạng lạm dụng trong chăn nuôi.
Không đủ hàng xuất khẩu vì kháng sinh
TS Thái Quốc Hiếu, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Tiền Giang, cho rằng cuộc khảo sát phối hợp với Cục Thú y nêu trên thì nạn sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là mối lo nhất hiện nay, trực tiếp dẫn tới nhiều thiệt hại, cản trở sự phát triển của địa phương. Ông Hiếu dẫn chứng, thông qua Công ty rau quả Tiền Giang, mỗi tháng các đối tác từ thị trường Nhật Bản, Singapore nhập khẩu từ VN 10 container trứng chim cút, tương đương trên 10 triệu quả. Nhưng thực tế thì không có tháng nào đủ số lượng để xuất khẩu, vì qua kiểm soát thực tế, nhiều vùng chăn nuôi vệ tinh sử dụng nhiều kháng sinh, trứng còn tồn dư kháng sinh thì không thể xuất khẩu.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhấn mạnh với số lượng lớn thịt gia cầm và thịt heo người VN tiêu dùng hằng ngày thì tồn dư kháng sinh có thể là rủi ro lớn đối với sức khoẻ cộng đồng và có tiềm năng trở thành bệnh mới nổi lây truyền sang người hoặc những bệnh mới nổi lây truyền qua thực phẩm.

 

Phan Hậu