29/11/2024

Mạnh tay, heo đeo vòng truy xuất nguồn gốc tăng nhanh

Chỉ sau một ngày, tỉ lệ heo đeo vòng để truy xuất nguồn gốc đã tăng từ 35% lên 70% tại các cơ sở chăn nuôi, từ 21% lên 50% ở các lò giết mổ và 13% lên 37% tại chợ đầu mối.

 

Mạnh tay, heo đeo vòng truy xuất nguồn gốc tăng nhanh

 Chỉ sau một ngày, tỉ lệ heo đeo vòng để truy xuất nguồn gốc đã tăng từ 35% lên 70% tại các cơ sở chăn nuôi, từ 21% lên 50% ở các lò giết mổ và 13% lên 37% tại chợ đầu mối.

 

 

 

Mạnh tay, heo đeo vòng truy xuất nguồn gốc tăng nhanh
Đoàn kiểm tra do Sở Công thương TP.HCM chủ trì kiểm tra tại cơ sở giết mổ gia súc An Hạ, Củ Chi – Ảnh: HOÀNG VƯƠNG

Thương lái chủ động 
xin đeo vòng cho heo

Ước tính có 9.825 con heo được đưa về TP.HCM tiêu thụ trong ngày 1-8, tăng 180 con so với đêm trước.

Trong số đó có 3.614 con heo có đeo vòng nhận diện, đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc. Tỉ lệ heo không truy xuất được rơi vào kênh phân phối truyền thống khá cao.

Dù vậy, nếu so với ngày 31-7, số lượng heo có thông tin truy xuất đưa về tới hệ thống phân phối truyền thống đã tăng 341%.

 

Đặc biệt, tại hệ thống phân phối kênh hiện đại, toàn bộ 1.247 con heo có vòng nhận diện và đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc.

Theo đại diện ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, Tân Xuân, lượng heo sáng 1-8 đeo vòng truy xuất cải thiện rất nhiều so với đêm đầu tiên, tuy vậy vẫn có 3.320 con heo không truy xuất được.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, đánh giá tình hình ngày thứ 2 đã cải thiện đáng kể, nhiều thương lái đã chủ động đến Sở Công thương xin đăng ký thủ tục tham gia chương trình.

Trong hai ngày qua, đường dây nóng của chương trình nhận được hơn hàng trăm cuộc điện thoại quan tâm, xin đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc của các trang trại chăn nuôi, trong đó có nhiều trang trại đã được tổ đề án cấp mã code trước đây, tuy nhiên không chịu kích hoạt, bây giờ xin đăng ký lại.

Ông Hòa cho biết trước đây sở đã triển khai chương trình tới 1.300 trang trại, nhưng đến nay vẫn còn hơn 30% lượng heo chưa được truy xuất. Do đó, trong những ngày tới sẽ tiếp tục quyết liệt tăng cường kiểm tra các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ…

Quan trọng hơn, sẽ bám sát số liệu cập nhật được để phân tích kỹ các công đoạn đang làm giảm tỉ lệ heo truy xuất được nguồn gốc.

Heo đeo vòng là yêu cầu bắt buộc 

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, giám đốc Công ty TNHH dịch vụ An Hạ (cơ sở giết mổ gia súc An Hạ), cho biết đến ngày thứ 2 thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo vào chợ đầu mối, thương lái đã mua heo từ các trang trại tham gia chương trình truy xuất, có gắn vòng vào chân heo.

Tuy nhiên, tình trạng heo đeo vòng nhưng không có thông tin còn khá nhiều. Theo bà Thắm, heo vào chợ đầu mối hiện thường có thông tin truy xuất nguồn gốc. Còn heo bán đi các nơi khác, thương lái vẫn mua heo không có thông tin truy xuất…

Ông Vũ Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cho biết truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình sản xuất.

Mạnh tay, heo đeo vòng truy xuất nguồn gốc tăng nhanh

Chủ trang trại cần hiểu việc truy xuất nguồn gốc chính là để bảo vệ chính họ… Khi có chuyện xảy ra đối với mặt hàng thịt, chính những thông tin trong hệ thống truy xuất sẽ bảo vệ người làm ăn chân chính

Ông Vũ Mạnh Hùng – Ảnh: T. MẠNH

Ông Hùng công nhận việc cung cấp các thông tin để truy xuất nguồn gốc không có gì là khó khăn phức tạp. Những chủ trang trại cần hiểu việc truy xuất nguồn gốc chính là để bảo vệ chính họ khi minh bạch thông tin cho nhà sản xuất và khách hàng.

Khi có chuyện xảy ra đối với mặt hàng thịt, chính những thông tin trong hệ thống truy xuất sẽ bảo vệ người làm ăn chân chính, giúp sản phẩm của họ vẫn được lưu thông trên thị trường, người tiêu dùng tiếp tục tín nhiệm.

Nếu không, sản phẩm của người làm tốt cũng dễ bị đánh đồng khi đưa ra thị trường.

Theo ông Hùng, yêu cầu truy xuất nguồn gốc đã được rất nhiều nước đưa ra khi nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam.

Vì vậy, việc thực hiện các công việc truy xuất nguồn gốc không chỉ nâng cao năng lực sản xuất của người chăn nuôi cho thị trường trong nước, mà còn đáp ứng các yêu cầu để đưa thịt Việt Nam ra thị trường thế giới.

“Hiện chúng tôi đang triển khai chương trình chăn nuôi gà xuất khẩu đi Nhật, châu Âu và truy xuất nguồn gốc là bắt buộc” – ông Hùng cho biết.

Ông Phan Minh Báu, phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, cũng cho biết đã tiếp nhận phản ánh từ báo chí về việc nhiều lô heo từ Đồng Nai chưa cập nhật thông tin truy xuất nguồn gốc khi vào TP.HCM.

Ông cho hay đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại thông tin. Sở NN&PTNT Đồng Nai cũng đang làm việc lại với Hiệp hội Chăn nuôi và chủ trang trại trên địa bàn tỉnh để nắm thực tế việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc trên đàn heo, sắp tới là gia cầm và trứng.

“Chúng tôi đã triển khai nhiều đợt làm việc và tập huấn cùng với Sở Công thương TP.HCM cho bà con nông dân. Về chủ trương truy xuất nguồn gốc, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và sẽ rà soát lại các khâu thực hiện…” – ông Báu cam kết.

Nhiều tỉnh không kiểm tra, kích hoạt vòng truy xuất

Theo số liệu rạng sáng 1-8, tỉ lệ heo đeo vòng tại các trại chăn nuôi khoảng 70%, nhưng trong quá trình vận chuyển, qua các trạm thú y, tỉ lệ này giảm chỉ còn 50%. Theo đại diện Sở Công thương TP.HCM, như vậy 20% lượng heo có đeo vòng giảm đi này chủ yếu do cơ quan thú y tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh khác như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre… không thực hiện kiểm tra, kích hoạt vòng niêm phong xe.

Vi phạm cam kết, không được đưa hàng vào chợ

Theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, khi mọi việc vào nề nếp, các chủ trang trại sẽ tự nhận thức muốn bán được hàng cho thương lái phải đeo vòng cho heo. Tương tự, heo muốn vào được chợ đầu mối thì thương lái cũng phải kích hoạt thông tin vòng.

Hiện tổ đề án đang tập trung bố trí lực lượng, cử từng nhân viên túc trực tại các điểm có tỉ lệ heo chưa kích hoạt cao, đồng thời tăng cường hỗ trợ chợ đầu mối. Ông Hòa khẳng định những xe chở heo vào chợ chưa kích hoạt thông tin phải lập biên bản cam kết, nếu lặp lại sẽ không cho vào chợ đầu mối.

TRẦN MẠNH – NHƯ BÌNH