10/01/2025

Người Việt có dễ thích ứng với cái mới?

Ngày 24-7, Nhật Bản bắt đầu ngày làm việc từ xa (telework). Nhật cũng là quốc gia có nhiều phát kiến trên thế giới, thường đi đầu trong mọi xu hướng. Vì sao người Nhật thường sáng tạo cái mới, dễ chấp nhận cái mới hơn người Việt?

 DIỄN ĐÀN CHỦ NHẬT:

Người Việt có dễ thích ứng với cái mới?

 Ngày 24-7, Nhật Bản bắt đầu ngày làm việc từ xa (telework). Nhật cũng là quốc gia có nhiều phát kiến trên thế giới, thường đi đầu trong mọi xu hướng. Vì sao người Nhật thường sáng tạo cái mới, dễ chấp nhận cái mới hơn người Việt?

 

 

 

Người Việt có dễ thích ứng với cái mới?
Làm việc từ xa là xu hướng mới của giới trẻ trong lĩnh vực sáng tạo, công nghệ – Ảnh: HỮU THUẬN
Người Việt có dễ thích ứng với cái mới?

* Ông Nguyễn Trí Dũng (Việt kiều Nhật – Gám đốc Công ty Minh Trân):

Thay đổi phải dựa trên sự bền vững của xã hội

Từ một đất nước hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài nhưng tư duy đổi mới kịp thời đã giúp người Nhật khẳng định nhanh chóng vị thế của mình trên thế giới.

Nhật Bản cũng là quốc gia châu Á bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó.

 

Cũng như vậy, đi lên từ đống đổ nát của hậu Chiến tranh thế giới thứ 2, nước Nhật đã trở thành nền kinh tế lớn của thế giới.

Nhật Bản là quốc gia luôn dẫn đầu về công nghệ, nhưng lại thận trọng với Uber. Chính phủ nước này cho rằng tiêu chí an toàn cho khách vận chuyển là quan trọng nhất.

Nhật Bản không đồng ý cho Uber vào vì họ đã xây dựng được một tiêu chuẩn cao cho ngành taxi.

Sự thay đổi tiếp nhận cái mới của Nhật Bản trải qua nhiều thời kỳ để đảm bảo phát triển và an toàn xã hội. Với động lực đó, sau những thay đổi của thời cuộc, xã hội Nhật Bản vẫn giữ nề nếp và nhận được sự tuân thủ từ người dân.

Tôi cho rằng một đất nước dù muốn tiếp nhận hay bước vào cuộc cách mạng nào cũng cần nền tảng khoa học, kỹ thuật phát triển, trong đó phải xuất phát từ truyền thống dân tộc.

Con người chỉ có sức mạnh khi họ đoàn kết và cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng để đoàn kết mọi người.

Nhật Bản luôn chống chọi với thiên tai. Tài nguyên thiên nhiên cũng ít. Họ hiểu nếu không vận dụng năng lượng một cách hợp lý thì không thể phát triển.

Nhật Bản cũng bị áp lực phải thay đổi cơ bản một số vấn đề nhưng họ lúc nào cũng đối diện với vấn đề truyền thống và hiện đại để tìm ra giải pháp tốt nhất.

Người Việt có dễ thích ứng với cái mới?

* Anh Phan Đình Anh Khoa (cựu du học sinh Nhật Bản, TP.HCM):

Xây dựng chuẩn mực, không ngại thay đổi

Ở Nhật Bản, trước một vấn đề, chỉ có thể 90% đúng, 10% sai hoặc ngược lại chứ không tồn tại những tỉ lệ tương đối như 50% hay 60% chia mỗi luồng ý kiến.

Cách ứng xử này của người Nhật được hình thành từ nền giáo dục căn bản tốt, họ xây dựng được chuẩn mực trong hành vi, lối sống và tinh thần kỷ luật.

Các doanh nghiệp rất cẩn thận khi đưa ra một quyết định, một chính sách mới nhưng khi đã quyết định thì họ triển khai rất nhanh, rất quyết liệt nhờ tinh thần đồng nhất, nghĩ đến cái chung và hướng đến cái tốt bền vững.

Đó là những đặc tính, cách thức, ưu điểm mà một dân tộc muốn phát triển không thể không có.

Công ty tôi vừa giúp triển khai gian hàng triển lãm cho một hãng xe.

Không hẹn, không dặn nhưng những nhân viên trong doanh nghiệp này khi đến gian hàng đều đội mũ bảo hộ lao động, tay cầm theo tài liệu, dù khu vực này không có nguy cơ xảy ra tai nạn cũng như tài liệu có thể tải về từ chiếc điện thoại cầm tay.

Họ được đào tạo: đó là những nguyên tắc an toàn lao động cơ bản, tác phong làm việc trong các hãng xe.

Nhờ nền tảng giáo dục tốt nên cách tiếp nhận những thay đổi của họ cũng rất chọn lọc, để làm sao các giá trị khác trong xã hội không bị đảo lộn.

Nhưng quan trọng hơn để định hướng được suy nghĩ số đông và xây dựng tinh thần thống nhất, làm việc tập thể cao, các cá nhân trong cộng đồng phải luôn nghĩ đến người khác, ý thức được nghĩa vụ của họ đối với sự phát triển.

Người Nhật khi ai đó bị cảm thì đều đeo khẩu trang, cách suy nghĩ này do họ không muốn người khác lây cảm từ mình.

Tương tự như vậy, sự thay đổi của bất kỳ cái gì cũng cần được nhìn ở khía cạnh tất cả đều tốt hơn chứ không nên giẫm đạp nhau. Một xã hội đồng nhất thì phát triển nhanh hơn và khó bị phá vỡ hơn.

Người Việt có dễ thích ứng với cái mới?

* Ông Trương Tấn Bình (Giám đốc kinh doanh, Công ty Goldsun Focus Media):

Tốt với thế giới chưa hẳn tốt ở Việt Nam

Trong xu thế hội nhập với tốc độ ánh sáng như hiện nay thì mọi xu hướng trên thế giới đều có tác động không nhỏ đến Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Tuy nhiên, liệu có phải mọi xu hướng đều phù hợp với thế giới này? Chắc chắn là không hoàn toàn.

Chúng ta nghe nhiều về thuật ngữ “Work from home” hay “Telework” đang rất phổ biến tại các quốc gia phát triển trên thế giới.

Ngay tại châu Á thì Nhật Bản cũng đang phát động “Ngày làm việc tại nhà” rầm rộ.

Vì sao xu hướng này rất được quan tâm? Theo tôi, nó xuất phát từ rất nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến: hiệu quả công việc, điều kiện thực hiện, loại hình công việc và cuối cùng là yếu tố tích cực cho xã hội.

Theo quan sát thì xu hướng này không dễ áp dụng đại trà tại Việt Nam. Có rất nhiều nguyên nhân, như ý thức tự giác người lao động chưa cao.

Tính chuyên nghiệp chưa được chú trọng và môi trường công ty doanh nghiệp là thước đo cho sự thành công của người lao động.

Trao đổi với nhiều chủ doanh nghiệp, phần lớn đều không ủng hộ xu hướng này vì theo họ ngay cả khi lắp đặt camera, máy chấm công vân tay… việc quản lý nhân sự tại Việt Nam vẫn khó khăn.

Vì vậy, để người lao động tự giác làm việc tại nhà là điều không thể làm một sớm một chiều.

Một góc nhìn khác, hiệu quả công việc mang lại cho cá nhân, cho doanh nghiệp và cho xã hội là có thể lượng hóa được từ chính việc giải tỏa áp lực cho người lao động.

Từ hiệu quả công việc của cá nhân sẽ đóng góp thiết thực cho chính tổ chức doanh nghiệp sử dụng lao động do người lao động có khả năng tái sản xuất sức lao động tốt hơn, hưng phấn với công việc và đóng góp vào quá trình tạo ra của cải vật chất có hiệu quả cao cho xã hội.

NHƯ BÌNH ghi