10/01/2025

Chính trường Pakistan sẽ bất ổn sau khi thủ tướng bị phế truất?

Với sự ra đi của thủ tướng Nawaz Sharif, chính trường Pakistan đang đứng trước một tương lai bất định và thử thách bảo vệ các giá trị dân chủ trong hệ thống lãnh đạo.

 

Chính trường Pakistan sẽ bất ổn sau khi thủ tướng bị phế truất?

 Với sự ra đi của thủ tướng Nawaz Sharif, chính trường Pakistan đang đứng trước một tương lai bất định và thử thách bảo vệ các giá trị dân chủ trong hệ thống lãnh đạo.

 

 

 

Chính trường Pakistan sẽ bất ổn sau khi thủ tướng bị phế truất?
Những thành viên đối lập tại thành phố Karachi vui mừng sau phán quyết của tòa phế truất thủ tướng Nawaz Sharif – Ảnh: Reuters

“Ngày hôm nay chỉ mới là khởi đầu. Những kẻ tham nhũng cỡ bự khác cũng sẽ phải trả giá. Tôi muốn nói với quốc gia rằng việc hạ bệ Sharif là chiến thắng quan trọng cho quốc gia

Chính trị gia Imran Khan (cựu ngôi sao bóng chày, thủ lĩnh đảng đối lập ở Pakistan)

“Có phải chỉ mỗi gia đình tôi đáng bị buộc tội? Có phải tất cả những người còn lại ở quốc gia này là trung thực và ngay thẳng?

Ông Nawaz Sharif (cựu thủ tướng Pakistan, anh trai của Shahbaz Sharif)

Cuối tuần qua, cựu thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã đề cử em trai Shahbaz Sharif, hiện là tỉnh trưởng tỉnh Punjab, cho chức thủ tướng sau khi ông bị Tòa án tối cao đình chỉ chức vụ hôm 28-7 vì cáo buộc tham nhũng.

Giới quan sát hi vọng cuộc chuyển giao quyền lực này sẽ diễn ra suôn sẻ để tránh những hệ lụy không mong đợi, đặc biệt giữa những đồn đoán về việc quân đội Pakistan gây ảnh hưởng trong vụ án ông Sharif…

Cáo buộc tham nhũng

Phán quyết ngày 28-7 của Toà án tối cao Pakistan khép lại trận chiến chính trị kéo dài hơn một năm với các phiên toà dài đăng đẵng và cuộc điều tra quyết liệt các bí mật tài chính của gia đình Sharif.

 

Cáo buộc đối với ông Sharif và ba người con bắt đầu từ vụ rò rỉ “Tài liệu Panama” năm 2016.

Các tài liệu cho thấy gia đình ông Sharif sở hữu nhiều căn hộ đắt tiền ở thủ đô London của Anh thông qua các công ty bình phong ở nước ngoài.

Vị thủ tướng 67 tuổi bị yêu cầu phải cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc số tiền dùng để mua các bất động sản này.

Hiến pháp Pakistan cho phép tòa án tước bỏ tư cách một nghị sĩ quốc hội nếu người đó bị phát hiện không trung thực.

Các thẩm phán giải thích hành động điều tra hình sự gia đình Sharif xuất phát từ việc ông này cố tình che giấu tài sản.

Cuộc điều tra kết luận gia đình Sharif “sống vương giả” vượt quá thu nhập chính thức hiện có, trong khi các giấy tờ tài chính cung cấp trước toà bị cho là ngụy tạo hoặc không đủ sức thuyết phục.

Ở một góc độ khác, giới quan sát bình luận quân đội Pakistan giữ một vai trò quan trọng trong vụ án Sharif.

Thế lực này từng quyết định số phận của không ít các nhà lãnh đạo Pakistan trước đây, do đó dư luận ngờ rằng phán quyết của Toà án tối cao nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ đằng sau, cụ thể là các viên tướng đầy quyền lực của quân đội.

Bản thân ông Sharif, vốn được mệnh danh là “sư tử vùng Punjab”, cũng chỉ trích cuộc điều tra là “một âm mưu chính trị”, nhấn mạnh rằng trong suốt ba nhiệm kỳ thủ tướng (đều không trọn vẹn), ông chưa từng bị dính bất cứ xìcăngđan tham nhũng nào.

Nhà cựu lãnh đạo bày tỏ ông chẳng thiết tha chuyện quay trở lại cầm quyền sau vụ này, nhưng vẫn sẽ đấu tranh đến cùng “vì công lý và lẽ phải”.

“Lương tâm tôi trong sạch” – ông Sharif tuyên bố hôm 29-7.

Chính trường Pakistan sẽ bất ổn sau khi thủ tướng bị phế truất?
Chính trị gia Imran Khan (cựu ngôi sao bóng chày, thủ lĩnh đảng đối lập ở Pakistan)

Một giai đoạn bấp bênh

Trong khi Pakistan đang chuẩn bị ăn mừng lễ quốc khánh lần thứ 70 vào tháng 8 tới, đất nước này phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới.

Kể từ ngày lập quốc năm 1947 đến nay, Pakistan chưa từng chứng kiến ông/bà thủ tướng nào hoàn thành nổi nhiệm kỳ 5 năm.

Ông Sharif bị hạ bệ khi chỉ còn chưa đầy một năm nữa là đến kỳ tổng tuyển cử, và đây là lần thứ ba nhiệm kỳ thủ tướng của ông bị gián đoạn.

Khi ông Sharif trở lại văn phòng thủ tướng năm 2013, ông là một nhân vật được nhiều người ủng hộ nhờ quan điểm chống lại sức ảnh hưởng của quân đội trên chính trường Pakistan.

Ông hành động một cách nhanh chóng để xác lập quyền kiểm soát dân sự trong nhiều lĩnh vực do quân đội chi phối, đặc biệt là chính sách đối ngoại.

Thái độ cởi mở của ông Sharif với Ấn Độ đã khiến nhiều ông tướng bảo thủ khó chịu, gần đây những tin tức về cuộc tranh cãi giữa các quan chức chính phủ và giới quân đội về trách nhiệm thất bại trong cuộc chiến với các nhóm Hồi giáo cực đoan càng thổi bùng căng thẳng.

Ông Sharif đã phải sa thải bộ trưởng truyền thông và hai cố vấn cấp cao để xoa dịu tình hình.

Một số nhà quan sát dự báo Pakistan có thể trải qua khoảng thời gian bất ổn phía trước.

“Cho đến ngày diễn ra cuộc bầu cử, tình hình trước mắt sẽ dẫn đến một giai đoạn bất ổn chính trị. Thật khó để hình dung tất cả thành viên gia đình Sharif cùng sa cơ sau hơn ba thập kỷ sống sót trong nền chính trị tàn khốc của Pakistan” – bà Amber Rahim Shamsi, nhà báo uy tín của Pakistan, nhận xét.

Tuy nhiên, Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) cầm quyền vẫn còn nuôi hi vọng dựa trên một số thành quả cựu thủ tướng Sharif đã làm được trong thời gian tại nhiệm.

“Chúng tôi sẽ quay lại. Chúng tôi sẽ tiến về phía trước bằng trí khôn, không phải cảm xúc” – ông Khawaja Saad Rafique, một thủ lĩnh đảng này, khẳng định.

Chính trường Pakistan sẽ bất ổn sau khi thủ tướng bị phế truất?
Ông Nawaz Sharif (cựu thủ tướng Pakistan, anh trai của Shahbaz Sharif )

Sau khi bị phế truất, ông Nawaz Sharif tuyên bố từ chức và chỉ định ông Shahid Khaqan Abbasi, một bộ trưởng thân cận, làm thủ tướng lâm thời trong thời gian 45 ngày. Đây là thời gian để người em Shahbaz, 65 tuổi, giải quyết chuyển giao quyền lực ở Punjab để lên nắm quyền tại Islamabad.

PHÚC LONG