28/11/2024

Rủ nhau mua sắm ở… nhà kho

Mô hình nhà kho ký gửi “Mua của người chán, bán cho người cần” đang ngày càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn để kinh doanh.

 

Rủ nhau mua sắm ở… nhà kho

 Mô hình nhà kho ký gửi “Mua của người chán, bán cho người cần” đang ngày càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn để kinh doanh.

 

 

 

Rủ nhau mua sắm ở... nhà kho
Các bạn trẻ lựa đồ ở nhà kho – Ảnh: M.PHƯỢNG

Mô hình này đáp ứng được sở thích mua sắm của giới trẻ hiện nay: “tậu” được váy áo, giày dép, phụ kiện… “chất, độc, không đụng hàng” với giá chỉ từ vài chục ngàn đồng/món.

Tiền ít vẫn mua sắm… “tẹt ga”

9h sáng, dù mới mở cửa nhưng tại một nhà kho ký gửi trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10, TP.HCM) đã có người ghé lựa đồ. Là nhà kho nhưng nơi này được trang trí đẹp đẽ không thua shop thời trang nào.

Ướm thử chiếc áo kiểu, Kim Ngọc (20 tuổi) cho biết: “Đến đây mình thoải mái thử đồ. Đồ đẹp và còn mới chứ không phải đồ si, đồ thùng. Có bữa mình mua được hai cái đầm, một quần jean mà chưa hết 200.000 đồng” – Ngọc nói.

 

Không chỉ các bạn trẻ, chị Thuý (33 tuổi, Q.Phú Nhuận) cũng thường xuyên đến nhà kho ký gửi để mua sắm. Chị cho biết ngoài quần áo, đôi khi còn chọn được giỏ xách, giày dép ưng ý.

Dù chọn vị trí là lầu 1 của một căn nhà trong hẻm, phía dưới là một shop thời trang nhưng kho ký gửi L. (Q.10) đã có lượng khách ổn định sau 3 tháng mở cửa.

Ở đây, trang phục được phân loại thành áo, quần, váy đầm… và treo ngay ngắn trên các giá treo. Cùng đó có góc bày phụ kiện như kính mát, mũ, giày dép, giỏ xách, mỹ phẩm, gấu bông…

“Mình nhận ký gửi quần áo còn mới từ 90% – thiên về quần áo có thương hiệu. Phụ kiện thì không bị gỉ sét, mỹ phẩm phải còn mới, có nguồn gốc rõ ràng, còn code” – Ái Châu, chủ nhà kho ký gửi L., cho biết.

Tương tự, nhà kho ký gửi G. trên đường Trần Quý Cáp (Q.Bình Thạnh) vừa mở được bốn tháng nay cũng thu hút đông người đến mua sắm.

Ngoài các mặt hàng cho phái nữ, ở đây còn có cả đồ em bé. Nguyễn Thị Hải Yến (30 tuổi) – chủ nhà kho – cho biết ở đây nhận ký gửi đồ mới từ 80%.

Với nhiều khách, đi mua đồ ở nhà kho ký gửi như một niềm vui lúc rảnh rỗi. “Có khách đến lựa đồ cả 1-2 tiếng đồng hồ, mua cả chục món nhưng chỉ mất 500.000-600.000 đồng nên họ thích lắm” – chị Yến kể.

Ba bên cùng có lợi

Đó là câu slogan của một nhà kho ký gửi tại Q.1, cũng chính là tiêu chí hoạt động của mô hình nhà kho ký gửi: người ký gửi – nhà kho – người mua đều được lợi.

Chị Nguyễn Thị Hải Yến chia sẻ ý tưởng về mô hình này đến từ chính nhu cầu của chị: “Tủ quần áo đã chật cứng, do đó mình muốn “giải phóng” bớt để sắm thêm đồ mới. Từ việc chụp hình và bán quần áo cũ của mình trên Facebook, mình mở nhà kho ký gửi này”.

Chị Yến chia sẻ vì yêu thích thời trang nên nhiều tâm huyết cho đứa con tinh thần này. Kinh doanh nhà kho phải đầu tư rất nhiều công sức cho mô hình này thì mới mong thành công.

“Bán được đồ mới đã khó, bán được đồ cũ còn khó hơn. Để bán một chiếc áo 50.000 đồng cần rất nhiều tâm huyết, công đoạn: nhận hàng ký gửi của khách, ghi sổ sách, ủi đồ, bấm mạc, phối kiểu cho bắt mắt, chụp hình đưa lên Facebook, trả lời tư vấn online cho khách…” – chị Yến cho biết.

Hiện nay, người mua thường rất bận rộn nên sẽ coi trên mạng, thấy mẫu mã đẹp thì họ mới đến thử. Chị Yến kể ngày đầu khi mới mở nhà kho, có khi chị thức đến 2h-3h sáng để làm hàng.

Nhận thấy xu hướng của người trẻ, đang làm marketing, Ái Châu quyết định nghỉ ngang để về mở một nhà kho ký gửi.

Ban đầu Châu còn khó khăn trong việc tìm nguồn hàng ký gửi, thu hút khách hàng đến mua sắm, đến nay lượng khách hàng ký gửi cũng như khách mua hàng đã dần ổn định. 

Ở các nhà kho ký gửi, việc định giá món hàng do người ký gửi quyết định, nhưng nhà kho sẽ tư vấn thêm để đưa ra giá hợp lý nhất, dễ bán.

Không mất thêm phí

Từng nhà kho sẽ quy định thời gian nhận đồ ký gửi của khách là bao lâu (có nơi 1 tháng, có nơi 2 tháng). Sau thời gian đó, nhà kho sẽ quyết toán với khách những món hàng ký gửi đã bán được, những món chưa bán.

“Hết thời gian ký gửi, nếu không bán được thì khách sẽ lấy đồ ký gửi về mà không mất bất kỳ khoản phí nào” – chủ một nhà kho ký gửi cho biết.

Tuy nhiên, chị này nói những món đồ ký gửi thường là các món đồ khách không có nhu cầu mặc lại, nếu không bán được, khách thường nhờ nhà kho bán 5.000-10.000 đồng/món hoặc để ủng hộ người dân vùng lũ.

MINH PHƯỢNG