11/01/2025

Bảo hiểm thất nghiệp cho giới trẻ Singapore

Mô hình các bạn trẻ tham gia hỗ trợ, bảo hiểm lẫn nhau vượt qua khó khăn trong lúc thất nghiệp đang thu hút sự chú ý tại Singapore nhờ tính cộng đồng cao.

 

Bảo hiểm thất nghiệp cho giới trẻ Singapore

Mô hình các bạn trẻ tham gia hỗ trợ, bảo hiểm lẫn nhau vượt qua khó khăn trong lúc thất nghiệp đang thu hút sự chú ý tại Singapore nhờ tính cộng đồng cao.




Thanh niên Singapore theo dõi thông báo tuyển dụng tại một hội chợ việc làm /// Ảnh: Chụp màn hình Business Times

Thanh niên Singapore theo dõi thông báo tuyển dụng tại một hội chợ việc làmẢNH: CHỤP MÀN HÌNH BUSINESS TIMES

Không giống những hãng bảo hiểm truyền thống, nhà đồng sáng lập Công ty Bandboo, anh Ashley Kee cho biết đây là mô hình tập trung vào gây dựng “cộng đồng kỹ thuật số cho phép người dùng hỗ trợ lẫn nhau” trong giai đoạn thất nghiệp, hay còn gọi là hình thức bảo hiểm ngang hàng. Anh Kee cùng 3 cộng sự thành lập Bandboo với kỳ vọng sẽ thu hút nhiều người tham gia và mở rộng ra thị trường Đông Nam Á, dù lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn khá mới mẻ tại khu vực này.
Theo Đài Channel NewsAsia, Bandboo nhắm vào đối tượng khách hàng dưới 40 tuổi có nguy cơ thất nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đầy biến động đang ảnh hưởng đến thị trường lao động ở Singapore. Nếu công ty đột ngột cắt giảm biên chế, nhiều người trẻ bị sốc và sống chật vật do họ đang phải gánh vác nhiều chi phí hằng tháng, chẳng hạn trả tiền vay mua nhà, nuôi nấng con cái và phụng dưỡng cha mẹ già, theo anh Kee.
Tham gia Bandboo, khách hàng sẽ đóng phí thành viên 9,99 SGD (166.500 đồng) và hằng tháng nộp 35 SGD trong vòng 1 năm. Thành viên nếu thất nghiệp sẽ được hỗ trợ số tiền tối đa là 18.000 SGD, được chia nhỏ để nhận trong vòng 5 tháng. Tuy nhiên, Bandboo đưa ra một số quy định ràng buộc như thành viên không thể tuyên bố thất nghiệp trong 6 tháng đầu tham gia bảo hiểm, phải được tuyển dụng ít nhất 250 ngày trước khi bị sa thải và phải có xác nhận tình trạng không việc làm từ Bộ Nhân lực (MOM).
Tiền hỗ trợ thất nghiệp được lấy từ quỹ đóng bảo hiểm của tất cả thành viên. Sau 1 năm, những người không thất nghiệp sẽ được hoàn trả đầy đủ tiền họ đã đóng hoặc tiếp tục tham gia. “Chẳng hạn, nếu chúng tôi thu 10 triệu SGD tiền đóng bảo hiểm và chi 2 triệu SGD hỗ trợ khách hàng thất nghiệp, thì 80% quỹ vẫn còn nguyên. Vì thế, chúng tôi có thể dùng để trả lại cho thành viên hết hạn hợp đồng”, Kee giải thích.
 

Bandboo hoạt động theo mô hình ngang hàng (peer-to-peer hay P2P) nên tất cả mọi giao dịch, từ đóng phí thành viên, tiền hằng tháng cho đến hỗ trợ thất nghiệp đều được ghi nhận công khai đến tất cả những người tham gia trên website của Bandboo, nhờ vào công nghệ blockchain (chuỗi khối). Các nhà sáng lập tự nhận đây là hãng đầu tiên sử dụng công nghệ này. “Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin tất cả giao dịch và tạo ra một hệ thống đồng bộ hóa nhằm đảm bảo minh bạch tài chính với khách hàng. Không ai có thể thay đổi dữ liệu, kể cả chúng tôi”, nhà đồng sáng lập Bandboo, Ng Zhong Qin lưu ý.
Theo Channel NewsAsia, mô hình của Bandboo đang rất được giới trẻ và các chuyên gia về tài chính, xã hội quan tâm nhờ tính cộng đồng và hỗ trợ lẫn nhau. Nhà sáng lập Ashley Kee tự tin đến tháng 8 có thể gầy dựng được cộng đồng tối thiểu 1.000 thành viên. “Nhiều người thắc mắc vì chưa bao giờ nghe đến bảo hiểm thất nghiệp ở Singapore. Chúng tôi cố gắng giải đáp hết mọi câu hỏi và tin rằng sẽ có thêm nhiều người đăng ký làm thành viên”, anh chia sẻ. Nếu đạt chỉ tiêu, Bandboo lên kế hoạch thu hút đầu tư và đối tác, mở rộng sang các thị trường mới như Malaysia và Indonesia.
Về lo ngại Bandboo không có đủ tiền hỗ trợ nếu một lượng lớn thành viên thất nghiệp cùng lúc, các nhà sáng lập trấn an: “Nếu tình huống này xảy ra, chúng tôi sẽ điều chỉnh lại mức hỗ trợ hoặc kéo giãn thời gian chi tiền hỗ trợ thất nghiệp”.

 

Phúc Duy