Các chuyên gia cảnh báo kế hoạch của Philippines khai thác chung với Trung Quốc sẽ giúp Bắc Kinh bành trướng tại Biển Đông, trong khi Manila có thể mất cả chì lẫn chài.
Nguy hiểm của việc khai thác chung ở Biển Đông
Các chuyên gia cảnh báo kế hoạch của Philippines khai thác chung với Trung Quốc sẽ giúp Bắc Kinh bành trướng tại Biển Đông, trong khi Manila có thể mất cả chì lẫn chài.
Tình hình Biển Đông đang đứng trước bước ngoặt mới sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây đưa ra tuyên bố nước này và Trung Quốc sẽ tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí chung tại khu vực. Dù Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano hôm 26.7 trấn an rằng Manila sẽ tham vấn với ASEAN, nhưng giới quan sát cho rằng kế hoạch sẽ dễ dàng bị Trung Quốc lợi dụng cho tham vọng bành trướng và khiến tình hình an ninh khu vực thêm phức tạp.
Ác mộng an ninh quốc gia
Trả lời Thanh Niên, TS Malcolm Cook, chuyên gia cao cấp về chính trị khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu ISEAS – Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng việc Philippines đàm phán với chính phủ chứ không phải một công ty của Trung Quốc là điều rất đáng ngại. Theo ông, Tổng thống Duterte đang quay lại cách tiếp cận với Trung Quốc và Biển Đông trong thời Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo, nhưng Trung Quốc giờ đây đã trở nên hung hăng hơn trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. “Bất cứ thoả thuận thăm dò và sản xuất chung tại EEZ của Philippines cũng sẽ là thách thức đối với hiến pháp Philippines trong khi là cơ hội cho Trung Quốc bành trướng và tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông”, ông nhận định và cho biết kế hoạch sẽ không ích lợi gì cho cả Philippines lẫn các nước trong khu vực.
Ngay cả cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cũng cho rằng kế hoạch sẽ đe doạ an ninh và lợi ích của nước này. Đài GMA hôm qua dẫn lời ông Golez cảnh báo khả năng phía Trung Quốc sẽ gian lận trong hợp tác cũng như không có gì đảm bảo Bắc Kinh sẽ không cử lực lượng an ninh đến để bảo vệ lợi ích. “Chắc chắn họ sẽ đưa giàn khoan tỉ đô Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) khét tiếng đến đây, được hộ tống bởi các tàu hải cảnh lớn để bắt nạt láng giềng”, ông dự báo. Ở một góc độ khác, ông cho rằng trong trường hợp khai thác chung, tàu hải cảnh Trung Quốc sẽ có lý do cập cảng Philippines: “Đây sẽ là ác mộng an ninh quốc gia với cái giá phải trả đắt hơn nhiều so với doanh thu từ khai thác chung”, ông cảnh báo.
Sức ép của công luận có thể sẽ làm Trung Quốc cân nhắc việc tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài trong vụ kiện do Philippines khởi xướng.
Kẻ bắt nạt
Đặt tình huống “liên doanh” giữa Philippines và Trung Quốc xảy ra tranh chấp, ông Golez thắc mắc liệu Manila sẽ áp dụng luật pháp giải quyết như thế nào. “Tranh chấp thường xảy ra giữa các liên doanh và đó là lý do tại sao có điều khoản về phân xử. Liệu khi đó tranh chấp sẽ được phân xử bằng luật pháp hay bằng vũ lực?”, ông đặt nghi vấn.
Trong khi đó, Đài ABS-CBN dẫn lại nhận định trước đây của thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng thỏa thuận tại EEZ sẽ vi phạm hiến pháp 1987 quy định chính phủ phải bảo vệ và chỉ dùng tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế để phục vụ người dân trong nước.
Cựu Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia Jr. cảnh báo thỏa thuận khai thác chung với Trung Quốc sẽ gây rắc rối lớn vì nước này “luôn tỏ ra đòi hỏi”. Ông đặt câu hỏi đơn giản rằng vì sao phải chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc trong khi nước này có đồng ý thăm dò và khai thác chung ở lãnh thổ, vùng EEZ của mình hay không. Nhận định về bình luận của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi đến Manila hôm 25.7 rằng nước này là “láng giềng tốt và anh em tốt” của Philippines, ông nói: “Nếu họ thực sự có thành ý trở thành láng giềng tốt, tại sao họ không tự nguyện rút khỏi những khu vực họ đã chiếm của Philippines?”.
Trung Quốc đang sử dụng dân quân biển như một đơn vị tinh nhuệ phục vụ mưu đồ kiểm soát Biển Đông.
Tiến thoái lưỡng nan
Trong bài bình luận trên tờ The Diplomat hôm qua, cây bút chuyên về các vấn đề an ninh châu Á – Thái Bình Dương Prashanth Parameswaran cho rằng động thái của Philippines đã đặt nước này và cả khu vực vào tình huống hết sức nguy hiểm, cho dù Manila có trì hoãn hay đổi ý thì cũng đã muộn. Theo đó, Trung Quốc sẽ tạo ảo tưởng rằng tình hình Biển Đông đã lắng dịu và có cớ ngăn cản các nước phản đối hành động phi pháp của nước này ở Biển Đông.
Phân tích các hành động trước đây của Trung Quốc, tác giả cho rằng ngay cả khi thỏa thuận khai thác chung diễn tiến thuận lợi thì vẫn có khả năng nước này đột ngột trở mặt với “thói ép buộc”, sau khi kết thúc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào cuối năm nay hoặc Bắc Kinh sẽ viện cớ rằng có hành động khiêu khích của các bên. “Sau khi cáo buộc các thoả thuận khai thác chung không tiến hành được do Manila không sẵn sàng hợp tác, Trung Quốc lại âm thầm có các hành động ép buộc phi pháp ngay sau đó”, bài viết cảnh báo.
TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam – Singapore): Thực ra thông tin trên không quá mới, bởi trước đây hai bên từng có một số kế hoạch tương tự. Điển hình như Thoả thuận hợp tác khảo sát địa chấn trên biển (JMSU) giữa Manila, dưới thời Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo (cầm quyền từ 2001 – 2010). Tuy nhiên, thoả thuận vừa nêu bị bác bỏ bởi vi hiến. Đối với Trung Quốc, cách hợp tác như vậy phù hợp với chiến lược lâu dài mà nước này mong muốn là đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Về phía Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ đối mặt nhiều thách thức, nhất là khi JMSU từng gây ra nhiều tranh cãi. Bên cạnh đó, khi quan hệ “nồng ấm” với Trung Quốc, ông Duterte vẫn vấp phải phản đối từ quân đội, quốc hội Philippines. Và như các thông tin gần đây, Philippines sẽ tham vấn với các đối tác ở ASEAN mà tôi nghĩ là khó có thể nhận được đồng thuận.
Ông Murray Hiebert (Phó giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược – CSIS, Mỹ): Cho đến nay, những gì các quan chức Trung Quốc nói về hợp tác thăm dò và khai thác chung chỉ mới ở mức độ danh nghĩa. Tôi chưa thấy hai bên chính thức khởi động đàm phán hay tiến hành hợp tác. Trước đây, Trung Quốc cũng từng đề ra hợp tác các dự án tương tự nhưng chẳng đi đến đâu, bởi việc xác định quyền lợi chẳng hề dễ dàng.