10/01/2025

Đại học ‘tranh nhau’ tuyển thẳng

Theo quy định, học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, giải khoa học kỹ thuật quốc gia mới được tuyển thẳng, nhưng nay có trường tuyển thẳng học sinh tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, học sinh trường chuyên…

 

Đại học ‘tranh nhau’ tuyển thẳng

 Theo quy định, học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, giải khoa học kỹ thuật quốc gia mới được tuyển thẳng, nhưng nay có trường tuyển thẳng học sinh tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, học sinh trường chuyên…

 

 

 

 

Đại học 'tranh nhau' tuyển thẳng
Phụ huynh và thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tuyển thẳng vốn là “cửa hẹp” dành cho những học sinh xuất sắc theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT, nên số thí sinh được tuyển diện này thường rất ít. 

Thế nhưng nhiều trường ĐH đã đưa ra quy định riêng để mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng, nhằm thu hút thêm học sinh giỏi vào trường.

Từ học sinh 
thi Olympia đến học sinh trường chuyên

Chuẩn bị mùa tuyển sinh 2017, Trường ĐH Kinh tế quốc dân công bố đề án tuyển sinh với thông tin “độc đáo”: tuyển thẳng học sinh tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của VTV từ vòng thi tuần trở đi. Nhưng sau khi thông tin này phát ra và gây “ồn ào” một thời gian, trường đã bị Bộ GD-ĐT nhắc nhở.

Sau đó, trường phải thay đổi đề án: từ xét tuyển thẳng đối tượng nói trên chuyển sang coi đây là một trong những phương thức xét tuyển kết hợp (với điều kiện đi kèm thí sinh đạt 18 điểm trở lên tổng điểm 3 môn xét tuyển).

Tuy nhiên, dù thay đổi về mặt hình thức văn bản cho đúng quy phạm chung, nhưng bản chất của việc xét tuyển thẳng đối tượng này không thay đổi.

Mới đây nhất, trong danh sách trúng tuyển vào trường được công bố trước khi xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia cũng có tên thí sinh đã tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.

Trong khi đó, các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM xét tuyển hệ ĐH chính quy diện xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và diện ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Trong đó, diện ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH này gồm: học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu các trường ĐH tại các tỉnh, thành trên toàn quốc; học sinh các trường THPT thuộc nhóm trường có điểm trung bình kết quả thi THPT quốc gia cao nhất năm 2015, 2016 (116 trường THPT thuộc diện này).

Diện xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT gồm các thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, giải khoa học 
kỹ thuật quốc gia.

Theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường thành viên được dành 15-20% chỉ tiêu của trường để tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.

Trong khi đó, ngoài các đối tượng được xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, năm nay Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM còn ưu tiên xét tuyển thẳng các đối tượng học sinh thuộc năm diện.

Theo đó, học sinh lớp chuyên (toán học, vật lý, hóa học, tiếng Anh, sinh học, tin học) tại các trường THPT chuyên và năng khiếu, có chứng chỉ IELTS quốc tế 4.5 – 6.5 trở lên hoặc tương đương; học sinh 200 trường tốp đầu trong cả nước… sẽ được ưu tiên xét tuyển thẳng.

“Không giành chỉ tiêu của thí sinh khác”

Lý giải về việc mở rộng diện tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho rằng việc tuyển sinh cần có đa dạng phương thức xét tuyển để tuyển được nguồn đầu vào tốt.

“Hiện trường đang nhắm đến học sinh giỏi các trường tốp của các tỉnh. Kết quả học tập theo học bạ thể hiện cả quá trình học tập của học sinh. Đối với diện ưu tiên xét tuyển của trường, có những ngành thí sinh phải đạt trên 27 điểm mới trúng tuyển…” – ông Dũng cho biết thêm.

TS Lê Chí Thông – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) – cho biết các thí sinh thuộc diện ưu tiên xét tuyển cạnh tranh nhau rất dữ dội với nhiều điều kiện xét tuyển khó.

“Tôi không cho rằng các thí sinh này giành mất chỉ tiêu của các thí sinh khác tham gia xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Vì thực tế tất cả thí sinh trúng tuyển theo diện ưu tiên xét tuyển cũng có điểm thi THPT quốc gia khá cao.

Hơn nữa, có gần 50% thí sinh trúng tuyển diện ưu tiên xét tuyển từ chối nhập học, mà dùng kết quả thi THPT quốc gia để đăng ký xét tuyển” – ông Thông nói.

Còn theo TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), số thí sinh trúng tuyển diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của trường xác nhận nhập học chỉ có 142 thí sinh, chưa đến 5% so với tổng chỉ tiêu của trường (trong đó 17 thí sinh diện tuyển thẳng và 125 thí sinh diện ưu tiên xét tuyển).

Ông Hạ cho rằng việc ưu tiên xét tuyển học sinh các trường chuyên là phù hợp, vì chất lượng của học sinh các trường này khá tốt. Hơn nữa, việc ưu tiên xét tuyển dựa trên kết quả học tập ba năm THPT của thí sinh, đánh giá cả một quá trình học tập.

Tiêu chí xét tuyển cũng quy định rõ là học sinh giỏi ba năm liền và hạnh kiểm loại tốt. Bên cạnh đó, điểm thi THPT quốc gia của những thí sinh này cũng khá cao – từ 24 điểm trở lên, tương ứng với kết quả quá trình học 
tập của học sinh.

“Như vậy, nếu những thí sinh này không sử dụng quyền ưu tiên xét tuyển thì các em vẫn có cơ hội trúng tuyển ĐH như thí sinh bình thường khác” – ông Hạ khẳng định.

Tuyển thẳng cả ngàn học sinh

Học viện Tài chính phân bổ chỉ tiêu theo tỉ lệ 50/50 giữa phương thức xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển thẳng học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập THPT theo đề án riêng.

Hồ sơ xét tuyển thẳng theo kết quả học tập là hơn 5.000 hồ sơ, với nhiều hồ sơ “khủng” từ thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, tham dự và đoạt giải các kỳ thi quốc tế. Nhưng khi “chốt” nhập học, trường vẫn “hụt” 400 chỉ tiêu từ phương thức xét tuyển thẳng học sinh giỏi, buộc phải bù đắp sang chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia.

Dù vậy, số lượng tuyển thẳng học sinh giỏi của học viện cũng đã lên đến cả ngàn em.

“Đúng với tinh thần Luật giáo dục ĐH”

Ngày 27-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – khẳng định việc các trường tuyển sinh như vậy là đúng với tinh thần Luật giáo dục ĐH.

Trong điều 34 của luật có quy định rõ phương thức tuyển sinh của các trường ĐH gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Trong đó, cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

“Vẫn đảm bảo công bằng cho thí sinh”

Theo PGS.TS Trần Lê Quan - phó hiệu trưởng ĐH Khoa học 
tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, việc áp dụng hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM là để thu hút thêm học sinh giỏi của các trường chuyên.

Những học sinh giỏi này đều thực sự rất giỏi, nên xứng đáng được ưu tiên xét tuyển. Hình thức xét tuyển này vẫn đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh tham gia xét tuyển vào trường.

TRẦN HUỲNH – NGỌC HÀ