PVN có nguy cơ bù lỗ 2 tỉ USD: Không thể rút ruột ngân sách
Với các dự án lọc hoá dầu càng khai thác thương mại càng lỗ và nhà nước phải bù lỗ theo cam kết, theo ý kiến nhiều chuyên gia, vấn đề này cần xem xét đàm phán lại.
PVN có nguy cơ bù lỗ 2 tỉ USD: Không thể rút ruột ngân sách
Với các dự án lọc hoá dầu càng khai thác thương mại càng lỗ và nhà nước phải bù lỗ theo cam kết, theo ý kiến nhiều chuyên gia, vấn đề này cần xem xét đàm phán lại.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch – Đầu tư), nhận xét với các dự án lọc hoá dầu đã và đang thực hiện như Dung Quất (Quảng Ngãi) hay Nghi Sơn (Thanh Hoá) thì Việt Nam đã ở thế “cưỡi trên lưng cọp”.
Ông nói: “Đây là sai lầm về tính toán khi không dự báo được nhu cầu, phát triển của thị trường đã đi khác xa thời điểm đầu tư dự án”.
TIN LIÊN QUAN
PVN có nguy cơ phải bù lỗ 2 tỉ USD
Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn dù chưa đi vào hoạt động nhưng dự kiến Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ phải bù lỗ tới 2 tỉ USD trong 10 năm.
Trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án đó, chắc chắn có nhiều vấn đề cần phải xem xét, rút kinh nghiệm cũng như truy cứu trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là phải tính toán làm thế nào để tăng hiệu quả, giảm bù lỗ… vì không thể dừng dự án.
“Chúng ta không thể lấy ngân sách để bù lỗ cho một dự án kinh doanh. Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) tự tính toán trong khuôn khổ hoạt động của mình để đưa ra hướng giải pháp như lấy tiền từ đâu bù lỗ, đồng thời có giải pháp gia tăng hiệu quả cho cả hai dự án lọc hoá dầu nói trên trong dài hạn. Bởi trách nhiệm của Chính phủ là đã đồng ý và có đưa ra những ưu đãi khi đầu tư thì hiệu quả việc kinh doanh này PVN phải chịu trách nhiệm”, TS Lưu Bích Hồ nêu ý kiến.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cần có cuộc đàm phán thêm với các nhà đầu tư. Theo bà, chất lượng sản phẩm của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn không đáp ứng đúng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) mà doanh nghiệp đã cam kết trước đó.
Theo Quyết định 49/2011 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình khí thải, từ đầu năm 2017 áp dụng tiêu chuẩn mức 4 (Euro 4) và sau đó là mức 5 (Euro 5). Tuy nhiên, đây là chuẩn theo nhà đầu tư là cao và từ năm 2015, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có văn bản gửi Bộ Công thương khẳng định sản phẩm của nhà máy không đáp ứng TCVN.
“Như vậy, sản phẩm của nhà đầu tư đã không đạt cam kết với Chính phủ Việt Nam trước đó, nhà nước cũng không việc gì phải giữ cam kết với họ. Hoặc phải phạt hoặc đàm phán để có thương lượng bù lại cho phần lỗ kia. Vấn đề ở đây là trong khi nhà đầu tư đòi nới lỏng tiêu chuẩn, song song đó lại đòi bù lỗ là chuyện không thể có”, bà Lan nêu quan điểm.
“Không thể làm công nghiệp hoá dầu theo kiểu này nữa”
Thực tế, các dự án lọc hoá dầu được đầu tư với số vốn rất lớn. Chẳng hạn dự án Dung Quất khi đưa vào sử dụng bị chậm đến 9 năm so với tính toán, khiến vốn đầu tư từ 2,5 tỉ USD đã tăng lên 3,05 tỉ USD, tăng gần gấp đôi so với thời điểm dự án được Quốc hội thông qua năm 1997.
Hiện nhà máy đang tiến hành dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng quy mô với tổng vốn đầu tư mở rộng gần 2 tỉ USD, nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 5 tỉ USD. Ngoài ra, một số dự án 10 năm qua vẫn còn trên giấy như dự án Lọc hoá dầu Vũng Rô (Phú Yên) được cấp phép từ 2008 nay vẫn là bãi đất hoang, dự án Lọc hoá dầu Nhơn Hội (Bình Định) chính địa phương ngưng dự án và nhà đầu tư trước đó cũng tuyên bố rút lui…
TIN LIÊN QUAN
PVN có nguy cơ bù lỗ 2 tỉ USD: Công nghiệp hoá dầu chưa ổn
Các nhà máy lọc dầu được đầu tư hàng tỉ USD với tham vọng thay thế xăng dầu nhập khẩu, nhưng gần 10 năm qua VN vẫn loay hoay bù lỗ và lượng xăng dầu nhập khẩu hằng năm tăng đều.
Đặc biệt, tuy Việt Nam đang xuất khẩu dầu thô, song ngoài Dung Quất, những dự án lọc dầu khác đang triển khai hoặc còn trên giấy đều sử dụng 100% nguyên liệu là dầu nhập khẩu. TS Lưu Bích Hồ băn khoăn: “Dựa vào nguyên liệu nhập khẩu thì Việt Nam làm hoá dầu để làm gì? Hơn nữa, hai dự án Dung Quất và Nghi Sơn ngoài sản phẩm xăng dầu đều chưa có các sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp khác như hoá chất, nguyên liệu nhựa… Đặc biệt khi sử dụng dầu thô trong nước thì Dung Quất đã khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu thì khi dùng nguyên liệu ngoại làm sao cạnh tranh được”.
Do đó, chuyên gia này khẳng định ít nhất trong vòng 10 năm tới, Việt Nam cương quyết không thể làm công nghiệp hoá dầu theo kiểu này nữa.
Nguyên Nga – Mai Phương