29/11/2024

“Giữ chân” ngoại tệ: Rủi ro canh bạc chuyển tiền ra nước ngoài

Người Việt chuyển tiền mua nhà ở Mỹ, ngược lại hàng chục tỉ USD vốn nước ngoài cũng dồn dập chảy vào tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường bất động sản Việt Nam.

 

“Giữ chân” ngoại tệ: Rủi ro canh bạc chuyển tiền ra nước ngoài

 

Người Việt chuyển tiền mua nhà ở Mỹ, ngược lại hàng chục tỉ USD vốn nước ngoài cũng dồn dập chảy vào tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường bất động sản Việt Nam.




Nhiều người chọn đầu tư vào thị trường bất động sản trong nướcẢNH: ĐÌNH SƠN

Những cách “phù phép” chuyển tiền
 
 
“Giữ chân” ngoại tệ: Rủi ro canh bạc chuyển tiền ra nước ngoài - ảnh 1
Việc đầu tư đã toàn cầu hoá đối với một số nơi, nên khó có thể nói lựa chọn nào là tốt hơn: mang tiền sang Mỹ mua nhà hay đầu tư nhà đất tại một thị trường đang phát triển nóng như VN
“Giữ chân” ngoại tệ: Rủi ro canh bạc chuyển tiền ra nước ngoài - ảnh 2
 
TS Đinh Thế Hiển
 

Theo quy định về ngoại hối của VN hiện nay, người Việt ra nước ngoài chỉ được phép mang không quá 5.000 USD/người khi xuất cảnh, nhưng nhiều người vẫn “phù phép” được cách chuyển nhiều tiền để mua nhà ở Mỹ.

Chị Thanh M., ở Nha Trang, qua người quen giới thiệu, mai mối, đã chuyển trước hơn 4 tỉ đồng cho một người được chỉ định tại VN. Phía bên kia, “đối tác” chưa từng gặp mặt nói đang kinh doanh tại chợ Phước Lộc Thọ (bang California), quy số tiền trên tương đương hơn 175.000 USD, gộp vào khoản tiền 150.000 USD trước đó chị M. nhờ trung gian chuyển nhiều lần với phí 0,5 – 1% để mua một căn nhà ở TP.Houston, bang Texas. “Nhà ở Texas rẻ hơn, khoảng 200.000 – 300.000 USD đã có một căn tốt rồi. Giờ thì đã xong, nhưng khi giao dịch tôi cứ phập phồng, nếu lỡ người chuyển bị phát hiện hay một mắt xích “xù” thì tiền mất tật mang là chắc!”, chị cho biết.
Giám đốc một doanh nghiệp (DN) cho biết ông cũng đã mua nhà cho các con học tập, sinh sống ở Mỹ từ 5 – 10 năm nay. Nhà ở vùng hơi xa khuất của bang California, giá một căn khoảng 300.000 USD. Còn nhà ở vùng sầm uất giá lên cả 1 triệu USD/căn. Ông có nhiều người bạn mua nhà ở Mỹ và thực hiện hoán đổi, chuyển tiền ra khỏi VN nhiều lần. “Có dịch vụ kết nối giữa người muốn chuyển tiền về VN đổi lại người Việt trong nước muốn chuyển tiền ra. Dịch vụ “ăn” mỗi đầu 0,5 – 2% tùy tiền nhiều hay ít. Hoặc hoán đổi lượng kiều hối từ Mỹ chuyển về VN, rồi “ngược dòng” theo những người đi nước ngoài…”, ông nói. Dù vậy ông thừa nhận, rủi ro mất tiền là có nhưng đây là “canh bạc” mà nhiều người tham gia, bởi khi mua nhà là mong muốn định cư ở nước ngoài rất lớn.
Bất động sản nội hút hàng tỉ USD
 
 
Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm có 8.200 DN xây dựng mới được thành lập, số lượng DN thuộc khối kinh doanh BĐS là 2.300. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy hoạt động kinh doanh của lĩnh vực BĐS tăng 3,86% so cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây
 

Theo chuyên gia bất động sản (BĐS) Đặng Hùng Võ, khó đánh giá được việc đầu tư mua nhà ở Mỹ của nhiều người, bởi họ mua nhà gắn với lợi thế định cư, học tập, làm việc. Tuy nhiên, nếu có 3 tỉ USD chảy ra thì cũng có tới 19,2 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào thị trường trong nước 6 tháng đầu năm, tăng gần 55% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó BĐS đứng thứ 5 trong các ngành nghề hút vốn ngoại. Ông Võ phân tích, có nhiều lý do khiến thị trường BĐS VN hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Thứ nhất, quá trình đô thị hóa tại VN đang dưới mức trung bình, trong khi thế giới là 50% thì VN còn dưới 40%, nên nhà đầu tư có đất dụng võ. Thứ hai, với tiềm lực tài chính, khả năng công nghệ và tính chuyên nghiệp cao, nhà đầu tư có thể gặt hái lợi nhuận cao hơn. Thứ ba, khung pháp lý cho thị trường này đã mở khá rộng, cá nhân nước ngoài cũng có thể bỏ tiền đầu tư. Thứ tư, phân khúc du lịch nghỉ dưỡng là “miếng bánh” mở rộng thị phần. “Trong tương lai, khả năng tăng giá ở các địa phương như Phú Quốc, Đà Nẵng… tiếp tục lực hút các nhà đầu tư. Đây là những lý do giữ chân nhà đầu tư”, ông phân tích.

Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Đất Lành, ví von nếu nhiều người mua nhà ở Mỹ như “của để dành”, thì hầu hết người mua nhà đất trong nước đều có tâm lý đầu tư, đầu cơ. Vì vậy, nếu ở Mỹ giá nhà tăng khoảng 5 – 7% là cao, thì thị trường nhà đất VN có những lúc biến động mạnh đến 30 – 50%. Nhưng đây không phải lý do chính khiến nhà đầu tư ngoại đổ tiền vào, mà vì họ thấy được khả năng sinh lời bền vững, tương lai phát triển tốt, dẫn đến hàng loạt thương vụ liên kết, mua lại DN trong nước nở rộ thời gian qua. Ông nói: “Đường băng cho thị trường BĐS đã có, giờ là thời điểm cất cánh của nhiều DN”.
TS Đinh Thế Hiển cũng đồng ý và cho rằng về nguyên tắc, khi đầu tư vào những nơi có sự biến động tương đối mạnh thì rủi ro luôn cao, nhưng bù lại lợi nhuận cũng cao hơn nhiều so với đầu tư vào thị trường đã ổn định và an toàn. “Việc đầu tư đã toàn cầu hoá đối với một số nơi, nên khó có thể nói lựa chọn nào là tốt hơn: mang tiền sang Mỹ mua nhà hay đầu tư nhà đất tại một thị trường đang phát triển nóng như VN, vì mỗi nơi có những lợi thế khác nhau. Dù môi trường quản lý đô thị chưa tốt, cơ sở hạ tầng còn ùn tắc, nhưng với ưu điểm là đô thị đầy sức sống, năng động, thì nhiều người đang chọn VN”, ông phân tích.

 

Hồng Sương