Hiện cả nước có 58.624 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2016, có 17 ca tử vong (tăng 1 ca so với cùng kỳ). Các chuyên gia lo ngại, sốt xuất huyết diễn biến phức tạp.
Sốt xuất huyết vào đỉnh dịch 10 năm
Hiện cả nước có 58.624 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2016, có 17 ca tử vong (tăng 1 ca so với cùng kỳ). Các chuyên gia lo ngại, sốt xuất huyết diễn biến phức tạp.
Chiều 24.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ và sốt xuất huyết (SXH) với sự tham dự của đầu cầu Hà Nội, TP.HCM cùng một số tỉnh có ca bệnh SXH gia tăng như Bình Dương, Đồng Nai…
“Tôi rất sốt ruột nên triệu tập họp khẩn cấp để có giải pháp khẩn hạ hỏa, trước tiên là phòng các bệnh, không để dịch lan rộng, giảm tử vong tối đa”, Bộ trưởng y tế nói.
Dịch sốt xuất huyết hiện đã xuất hiện tại 61/63 tỉnh, thành. Số ca mắc và tử vong đều tăng so với cùng kỳ 2016.
Theo Bộ trưởng, SXH sẽ diễn biến phức tạp, do mùa mưa đến sớm, tạo điều kiện muỗi SXH sinh sản nhanh. Ở Hà Nội, người lớn mắc SXH nhiều, miền Nam thì trẻ em mắc nhiều. Bộ trưởng chỉ đạo Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư và BV các tuyến trên ở phía nam không được để quá tải.
Bệnh nhân đến phải được tiếp đón tử tế ngay từ đầu, phân loại nhanh mức độ bệnh để tập trung điều trị thích hợp nhằm tránh tai biến, giảm tử vong. “Tuần này BV tuyến trên tập huấn nhanh phác đồ điều trị SXH và các dịch bệnh mùa mưa lũ khác cho BV tuyến dưới ở cả 3 miền. Đảm bảo thuốc, nhân lực cho điều trị. Bên cạnh đó cần tuyên truyền người dân phòng bệnh, diệt lăng quăng, đưa trẻ đến BV gần nhất khi nghi ngờ mắc SXH…”, bà Tiến chỉ đạo.
Theo Bộ Y tế, ngoài SXH còn có nguy cơ gia tăng các bệnh do mưa bão gồm: bệnh đường ruột, đau mắt đỏ, da liễu, viêm não, màng não…
TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai chiếm 50% số ca phía nam
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, hiện tại TP đã phát hiện 10.652 trường hợp mắc SXH (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016), có 3 ca tử vong (cùng kỳ 1 ca). Còn Hà Nội từ đầu năm đến nay có 6.699 ca SXH, 1 ca tử vong.
Ở khu vực phía nam, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng từ đầu năm nay thời tiết TP.HCM có mưa trái mùa, nên muỗi SXH gia tăng. “Cứ 10 năm thì dịch SXH có đỉnh cao một lần, 2008 – 2009 đã xảy ra, thì năm 2017 – 2018 sẽ rơi vào đỉnh tiếp theo”, PGS-TS Lân nói.
Theo PGS-TS Lân, do tốc độ đô thị hóa nhanh nên 3 tỉnh là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai chiếm 50% số ca mắc SXH ở phía nam, nếu kiểm soát được SXH 3 tỉnh này thì sẽ giảm số mắc trong khu vực và cả nước. Ngoài ra, trước đây số ca mắc SXH với người trên 15 tuổi chiếm 20%, nay lên đến 47%. Tuy vậy, số ca bệnh nặng giảm, trước đây là 19%, nay dao động từ 4 – 6%, điều này cho thấy dự phòng và điều trị hiện khá tốt.
Dịch sốt xuất huyết đang tăng nhanh tại Hà Nội và một số tỉnh phía Nam. Nhiều ca bị rất nặng, trong đó có những trường hợp xuất huyết não, hỏng gan, không cứu được.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng tình hình này sẽ gây quá tải BV, nhất là ở BV Nhi đồng 1. Về giải pháp, bệnh nhi SXH ở BV Nhi đồng 1 sẽ chuyển bớt qua BV Nhi đồng TP, Sở Y tế TP sẽ có thông báo cho người dân biết khu vực quận huyện nào thì đưa bệnh nhi vào BV nào, tránh tập trung vào một vài BV. Sở Y tế phân tuyến điều trị cho BV quận huyện, BV đa khoa, nếu bệnh nặng thì mới chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP. Ngoài ra, BV Nhi đồng 1 sẽ liên tục thông tin cho người nhà biết tình trạng trẻ, để người nhà có thể ra các nhà trọ, khách sạn gần BV ở tạm thời. Đại diện BV Nhi đồng TP cũng cho biết hiện BV đã tiếp nhận, điều trị SXH với 50 giường bệnh, dự kiến ngày 1.8 sẽ đưa vào hoạt động thêm 70 giường.
Cũng để giảm tải bệnh nhân, TS-BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết BV cũng đã lọc bệnh rất kỹ. BV tăng ca làm việc từ 7 – 17 giờ kể cả thứ bảy, chủ nhật.