‘Giữ chân’ ngoại tệ
Vừa nỗ lực để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối, đẩy mạnh xuất khẩu thu ngoại tệ thì mỗi năm, người Việt vừa chi 3 tỉ USD mua nhà tại Mỹ…
‘Giữ chân’ ngoại tệ
Vừa nỗ lực để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối, đẩy mạnh xuất khẩu thu ngoại tệ thì mỗi năm, người Việt vừa chi 3 tỉ USD mua nhà tại Mỹ…
Làm thế nào để giữ hàng tỉ USD ở lại đầu tư, sinh sôi nảy nở trong nước là bài toán mà nhà quản lý phải tính đến.
Phải giữ chân được doanh nghiệp
Theo Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ, năm 2016 số tiền người Việt bỏ ra mua nhà ở Mỹ lên đến 3 tỉ USD, gấp 3 lần so với năm trước đó. Thực tế từ năm 2007, VN đã là một trong những nước đứng đầu có người mua nhà ở Mỹ. Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhận định, 3 tỉ USD mới là thống kê ở nước Mỹ, chưa kể lượng tiền người Việt đổ vào mua nhà ở Úc, New Zealand, Canada…
|
Đây là dấu hiệu cụ thể và rõ ràng chỉ ra môi trường kinh doanh VN chưa làm người ta yên tâm và hài lòng về lâu dài. Nên khi kiếm được ít vốn “lận lưng”, thay vì tiếp tục phát triển cơ nghiệp họ chọn cách an toàn hơn là sang nước ngoài mua nhà, sinh sống. “Các cơ quan quản lý không nên xem nhẹ dấu hiệu này, mà cần xem xét sự lựa chọn này một cách nghiêm túc. Nếu không, chúng ta không chỉ mất lượng lớn ngoại tệ, mà còn mất kinh nghiệm kinh doanh. Bởi khi người nước ngoài tiếp quản thị trường, các mối quan hệ làm ăn… lâu dần lực lượng doanh nghiệp (DN) tư nhân bị teo tóp, kiệt quệ, không lớn nổi”, ông phân tích.
Theo TS Lê Đăng Doanh, để giữ nguồn lực ở lại, môi trường đầu tư, kinh doanh phải thuận lợi, minh bạch. Chính phủ đang cho thấy tư tưởng cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt hỗ trợ DN vừa và nhỏ một cách quyết liệt.
Tuy nhiên, trên thực tế, DN phản ánh những văn bản này có tiến bộ nhưng còn rất chậm, khoảng cách giữa chính sách và thực thi, thực trạng nhũng nhiễu còn rất xa. “Cần hoàn thiện thể chế về công khai, minh bạch trong quản lý hành chính. Phải bảo vệ tài sản và vui mừng trước sự giàu có hợp pháp của DN và người dân, đảm bảo các quyền và lợi ích. Đồng thời kiến tạo nên môi trường chào đón và tiếp nhận những sáng tạo đổi mới thì mới giữ chân được DN”, ông nhấn mạnh và đề xuất VN cần cải thiện dịch vụ chữa bệnh, nâng cao đào tạo, mời trường nước ngoài vào mở chi nhánh tại VN với chương trình giáo dục tương tự như trụ sở chính… sẽ giảm được số ngoại tệ chảy ra nước ngoài.
TIN LIÊN QUAN
Người Việt chuyển ngầm hàng tỉ USD mua nhà ở Mỹ
Chỉ trong một năm, người VN đã chi ra hơn 3 tỉ USD mua nhà tại Mỹ. Nhưng ước tính của các chuyên gia, số ngoại tệ chảy ngầm ra nước ngoài còn lớn hơn rất nhiều, ở mức 8 – 9 tỉ USD, tăng dần qua từng năm.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội lớn mạnh
Theo các chuyên gia, có rất nhiều yếu tố cần làm để giữ dòng tiền ở lại, trong đó việc tạo ra các cơ hội đầu tư là quan trọng. Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTP tại TP.HCM, người thường xuyên tiếp cận những DN còn rất trẻ, năng động, nhiều ý tưởng, hừng hực lửa dấn thân vào thị trường nhưng vấn đề nổi cộm mà ông An cảm nhận ở họ là niềm tin vào độ ổn định của chính sách chưa được đảm bảo.
DN đầu tư thì bao giờ cũng quan sát động thái để tìm kiếm cơ hội. Ví dụ khi DN nhà nước cổ phần hóa, DN tư nhân xem đó là cơ hội và họ sẽ quan sát xem cổ phần hóa tới đâu, họ có được dự phần hay cơ hội đó dành cho “sân sau” của quan chức. Hoặc khi DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào, chính sách có tạo cơ hội cho DN tiếp cận chuỗi gia công sản xuất đó hay không… “Nghĩa là họ mong muốn được đối xử bình đẳng, công bằng trên thị trường, được tham gia cạnh tranh minh bạch”, ông Phạm Bình An nói.
Dẫn báo cáo của VCCI, chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt, từng làm việc cho Liên Hiệp Quốc, cảnh báo tình trạng tham nhũng gia tăng, môi trường kinh doanh vẫn là nỗi ám ảnh với DN. Có 66% DN phải trả lót tay, chi phí logistics quá cao cộng thêm nhiều chi phí khác khiến họ cạn kiệt nguồn lực; DN càng lớn càng bị thanh tra nhiều, nên nhiều DN không muốn lớn. Tình trạng này phải được chấm dứt để DN yên tâm phát triển.
Ông Phạm Bình An nhấn mạnh: “Ngoại tệ chảy vào hay chảy ra phụ thuộc vào niềm tin, vào cơ hội làm ăn, đầu tư của DN. Chắc chắn người nào cũng sẵn sàng tham gia khi có cơ hội lớn tại quê nhà hơn là mua nhà ở nước ngoài”.
Hồng Sương