29/11/2024

Làm gì để nông sản Việt không còn phải ‘giải cứu’?

Đây là câu hỏi đặt ra trong bối cảnh nhiều loại nông sản Việt thời gian qua thường xuyên phải kêu gọi các ngành, các cấp “giải cứu” nhưng thiệt hại vẫn rất lớn.

 

Làm gì để nông sản Việt không còn phải ‘giải cứu’?

Đây là câu hỏi đặt ra trong bối cảnh nhiều loại nông sản Việt thời gian qua thường xuyên phải kêu gọi các ngành, các cấp “giải cứu” nhưng thiệt hại vẫn rất lớn.



Sự phát triển của thuỷ sản là một bài học cho ngành nông nghiệpẢNH: CHÍ NHÂN

Mới đây, Bộ NN-PTNT cũng đã thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhằm tổ chức khâu sản xuất và thị trường, tránh tình trạng phải “giải cứu” nông sản, nhưng cách thức hoạt động và hiệu quả ra sao vẫn còn ở phía trước.
 

Làm gì để nông sản Việt không còn phải 'giải cứu'? - ảnh 1

       

Với kinh nghiệm làm trong lĩnh vực thủy sản, ngành có sức cạnh tranh tốt nhất trong bản đồ nông – lâm – thủy sản VN, TS Nguyễn Thị Hồng Minh (ảnh), nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản, có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên về những cách thức tổ chức, khai phá, phát triển thị trường để tạo sức cạnh tranh cho một mặt hàng thế mạnh.

Kinh tế tư nhân làm động lực
Từ chỗ ít quốc gia biết tới, VN đã lọt vào top 5 nước xuất khẩu thuỷ sản của thế giới. Hàng thuỷ sản của VN gần như đi khắp thế giới và đặc biệt vào được tất cả các thị trường khó tính như: Nhật, EU, Mỹ… Vì sao thủy sản lại có được kết quả này thưa bà?
Có một số nguyên nhân nổi bật. Thứ nhất, sớm coi tư nhân là động lực phát triển. Sự lớn mạnh của thuỷ sản ngày nay hoàn toàn trên nền tảng sự phát triển của kinh tế tư nhân chứ không dựa vào kinh tế quốc doanh hay doanh nghiệp nước ngoài. Thứ hai, xác định rõ muốn xuất khẩu phải đáp ứng nhu cầu, các tiêu chuẩn, chuẩn mực của thị trường. Thứ ba, là đổi mới công tác phát triển thị trường.
Những việc này được thực hiện với sự hỗ trợ tích cực từ dự án SEAQUIP do chính phủ Đan Mạch tài trợ. Họ mở nhiều khoá đào tạo về các tiêu chuẩn và nhận được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp. Mặt khác, SEAQUIP đã giúp hỗ trợ thành lập Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (VASEP). Thông qua VASEP giúp tổ chức các đoàn tham gia Hội chợ thuỷ sản thế giới, làm trang web và các bản tin thị trường. SEAQUIP cũng hỗ trợ tích cực việc tổ chức thành lập cơ quan thẩm quyền về kiểm soát an toàn vệ sinh thủy sản NAFIQACEN và nâng cao năng lực cho tổ chức này (tiền thân của NAFIQAD nay thuộc Bộ NN-PTNT).
Tại sao thủy sản lại “một mình một đường” trong khi hồi đó hầu hết các ngành khác đều lấy kinh tế quốc doanh là chủ đạo?
Thủy sản VN những năm 1980 cùng tình trạng như các ngành hàng nông sản khác, vô cùng lạc hậu cả về cơ sở vật chất, công nghệ và hoàn toàn mù mờ về thị trường. Một ngành quá yếu kém nhưng cũng là ngành mà người ta không đói khi không có sản phẩm của nó nên được “thả lỏng”, không nhận được sự quan tâm cũng như các cơ chế hỗ trợ mà phải tự cân đối, tự thu chi. Trong bối cảnh đó, thủy sản nhận được sự trợ giúp rất quan trọng của dự án SEAQUIP ở cả ba hướng: đáp ứng tiêu chuẩn, đổi mới hoạt động phát triển thị trường và tổ chức thể chế. Cứ thế, dựa vào đó mà phát triển thôi.
Không ít người cho rằng thuỷ sản đổi mới dễ hơn các ngành khác, nhưng thuỷ sản, hay cà phê, trà, trái cây… đều lớn lên trên chung một môi trường, đều có chung một xuất phát điểm là nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu… Nên những bài học của thuỷ sản tôi cho rằng sẽ rất có ích cho những ngành hàng khác.
Hiệp hội là chỗ dựa cho nông sản Việt
Thế mạnh của VN là nông nghiệp, nhưng nông sản của chúng ta lại thường xuyên rơi vào tình trạng phải giải cứu. Theo bà, làm thế nào để hạn chế tình trạng này?
Thị trường và bán hàng là khâu cốt tử của bất cứ sản phẩm nào. Sản phẩm công nghệ cao, tốt đến mấy cũng không thể tồn tại nếu không bán được. Yếu tố này càng quan trọng với thực phẩm vì nó liên quan mật thiết đến sức khoẻ, tập quán, thói quen của nhiều cộng đồng người dùng khác nhau; đặc biệt nó liên quan đến nông dân và nông thôn là cộng đồng luôn được chính phủ các nước bảo hộ. Để xây dựng thị trường và bán hàng nhất thiết phải dựa trên nỗ lực cộng đồng dưới các hình thức tổ chức như hội, hiệp hội, câu lạc bộ nhằm liên kết và tập hợp nguồn lực của các nhà sản xuất, thương mại cả theo chiều ngang và chiều dọc.
Ở VN, hội, hiệp hội càng cần thiết khi mà hầu hết các nhà sản xuất ở quy mô nhỏ, yếu về năng lực và thiếu về kinh nghiệm trước sự xâm nhập ngày càng nhiều của các đại gia nông nghiệp và bán lẻ thế giới. Hội cũng là tổ chức bảo vệ lợi ích của nông dân, những người yếu thế trước các đại gia thương mại. Vì vậy, mỗi ngành hàng phải tổ chức và phát huy tốt vai trò của các tổ chức này nếu muốn phát triển.
Gần đây, nhiều người đề cập đến khái niệm “chuỗi giá trị và sản xuất” và cho rằng nông sản Việt cũng phải tạo hay tham gia được các chuỗi này, quan điểm của bà thế nào?
Chuỗi là thể hiện sự kế tiếp trải dài của nhiều mắt xích, mắt xích đó có thể là một hình thể vật chất hoặc một tổ chức. Nhưng nếu một sản phẩm nông nghiệp có nhiều chuỗi thì làm sao để xây dựng tiêu chuẩn chung, thương hiệu chung cũng như quảng bá cho thương hiệu chung đó? Làm sao để phân biệt chuỗi này với chuỗi kia? Và nếu có vài chục liên kết chuỗi trong một sản phẩm thì lấy gì để đảm bảo là các chuỗi không dùng chiêu giảm giá để cạnh tranh giành khách hàng, lấy gì để đảm bảo quyền và lợi ích của nông dân trước các đại gia thương mại nắm quyền lực thị trường?
Theo tôi, tổ chức theo chuỗi cũng tốt nhưng sớm hay muộn vẫn cần các chuỗi này liên kết trong tổ chức hội ngành hàng, nếu muốn đưa nông nghiệp VN bứt phá được nút thắt thị trường, phải xây dựng uy tín thị trường để phát triển bền vững.
Cụ thể theo bà, cần phải làm gì để đưa nông nghiệp phát triển?
Đổi mới nhận thức, phải thấy rằng hội là thể chế khách quan, thiết yếu trong nền kinh tế thị trường, là đối tác quan trọng của quản lý nhà nước. Hội sẽ thực hiện những việc về thị trường vượt quá khả năng của từng doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước không thể làm thay vì không phải chức năng, làm thay sẽ là phi thị trường. Ủng hộ và tạo điều kiện cho các hội ngành hàng phát triển. Hỗ trợ việc xây dựng quỹ phát triển thị trường, giao cho các hội thống kê nội bộ, nghiên cứu và phát triển thị trường, tổ chức các hoạt động liên quan đến thị trường. Kiểm soát để đảm bảo các hội hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và mang lại lợi ích cho sự phát triển.
Các chính sách hỗ trợ vay vốn rất cần thiết nhưng cần coi việc chứng minh thị trường tiêu thụ và sự tham gia hội ngành hàng là một điều kiện cần để cho vay.

 

Chí Nhân (thực hiện)