Tính đến hôm qua, có 3 chuyên gia phản ứng về việc bỗng dưng có tên trong danh sách thành viên Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải ở biển Vĩnh Tân (Bình Thuận).
Hồ sơ nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải: Mạo danh nhiều nhà khoa học
Tính đến hôm qua, có 3 chuyên gia phản ứng về việc bỗng dưng có tên trong danh sách thành viên Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải ở biển Vĩnh Tân (Bình Thuận).
Tính đến hôm qua, có 3 chuyên gia là TS Nguyễn Tác An, thạc sĩ Bảo Trâm, thạc sĩ Lê Thị Vân Linh phản ứng về việc bỗng dưng có tên trong danh sách thành viên Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải ở biển Vĩnh Tân (Bình Thuận). Hội Nghề cá VN cũng vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng thực hiện khẩn cấp giấy phép cho nhận chìm này.
Phạm luật, phạm cả đạo đức
Bộ TN-MT cho khảo sát lại
Ngày 21.7, lãnh đạo Bộ TN-MT cho biết: Đang cho kiểm tra lại kết quả tư vấn của đơn vị tư vấn đánh giá tác động từ việc nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải từ Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Cụ thể, sẽ kiểm tra lại việc khảo sát, đánh giá khu vực nhận chìm của đơn vị tư vấn; khảo sát lại đáy biển xem đúng là toàn cát như báo cáo của đơn vị tư vấn không… Trong tuần tới, Bộ sẽ tổ chức trao đổi, đối thoại thông tin ngay sau khi có kết quả khảo sát từ Viện Hải dương học ở Nha Trang.
Chuyên gia độc lập, TS Tô Văn Trường tiết lộ: Việc “mượn tên” vẫn có nhưng thông thường “khổ chủ” được thông báo “xin phép” ngay từ đầu. Nhưng đây là lần đầu tiên có chuyện 3 chuyên gia lên tiếng công khai việc bị “mạo danh” trong một báo cáo có tính chất khoa học như vậy. Sự thiếu trung thực này không những vi phạm luật mà còn phản ánh về mặt đạo đức, không thể chấp nhận được.
Cũng theo TS Trường, liên quan đến dự án nạo vét và đổ thải bùn nạo vét của Công ty điện lực Vĩnh Tân 1, có 2 hội đồng thẩm định: Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM (do Tổng cục Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức) và Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm (Tổng cục Biển và Hải đảo chịu trách nhiệm). Chủ đầu tư phải làm 2 báo cáo riêng rẽ đưa ra
2 hội đồng này. Sự thiếu trung thực đang nói đến liên quan đến báo cáo thứ hai. Theo TS Trường, nếu làm đến cùng vấn đề này thì có lẽ cũng nên xem có ai bị “mượn tên” trong danh sách chuyên gia tham gia thực hiện báo cáo ĐTM của dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 không. “Nếu hồ sơ gian dối thì tất yếu là kết quả thẩm định và cấp giấy phép dựa trên hồ sơ này phải bị hủy bỏ”, TS Trường khẳng định.
Cùng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Toàn Thiện, đại biểu HĐND, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận, nói: “Đó là bộ hồ sơ gian dối. Anh tự ý đưa tên người ta vào để làm “đẹp” bộ hồ sơ, để hợp thức hóa. Việc đó cũng có nghĩa là bộ hồ sơ đó không có giá trị về mặt khoa học. Chính vì vậy nên thu hồi giấy phép xả thải, hủy hồ sơ xin cấp phép và truy cứu trách nhiệm những cá nhân, tập thể liên quan”.
“Việc mượn tên đó là kiểu làm ăn rất kém cỏi. Từ bộ hồ sơ gian dối đến việc cấp phép cho bộ hồ sơ đó”, GS-TSKH Lê Huy Bá, chuyên gia độc lập hàng đầu về hóa học, nhận định.
Hội nghề cá VN đề nghị dừng khẩn cấp
Trao đổi với Thanh Niên chiều 21.7, TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá VN, cho biết văn bản kiến nghị Chính phủ dừng khẩn cấp việc thực hiện giấy phép của Bộ TN -MT đã cấp cho Công ty điện lực Vĩnh Tân 1 cho phép nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển Bình Thuận đã được gửi đi từ ngày 14.7. Văn bản này được gửi đồng thời đến Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT.
Hội Nghề cá VN cho rằng vùng biển Bình Thuận là nơi cung cấp tôm hùm giống tự nhiên cho các tỉnh có nghề nuôi tôm hùm là Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận và Ninh Thuận, mang lại doanh thu hàng ngàn tỉ đồng và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Bình Thuận cũng là một trong những tỉnh có vùng nước chất lượng tốt, với khoảng 1/3 trại giống tôm nước lợ, sản xuất tôm cho cả nước để thực hiện chủ trương của Chính phủ là đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 10 tỉ USD.
Hội Nghề cá VN cũng chỉ rõ một số vấn đề phải làm rõ trong giấy phép đã cấp của Bộ TN- MT. Cụ thể, bùn thải cửa sông ngoài thành phần chính là bùn hữu cơ, cát còn là trầm tích lắng đọng của các hoá chất độc do chất thải nhà máy, bệnh viện, canh tác nông nghiệp gồm kim loại nặng, thuốc trừ sâu và các loại chất độc khác. “Trước khi cấp phép, Bộ TN-MT có yêu cầu chủ đầu tư đánh giá nội dung này chưa?”, văn bản nêu nghi vấn. Giấy phép Bộ TM- MT yêu cầu chủ đầu tư nhận bùn nạo vét cửa sông xuống biển và cho rằng lượng bùn nhận xuống biển hàng triệu mét khối sẽ không ảnh hưởng đến vùng biển bảo tồn Hòn Cau. Nhưng theo Hội Nghề cá VN, bùn thải gồm bùn lỏng và cát, sỏi khi đổ xuống biển sẽ lắng xuống đáy trong một số ngày, phần bùn lỏng sẽ nhiều tháng, thậm chí nhiều năm không thể lắng đọng xuống đáy. Trong điều kiện sóng, gió, bão, thuỷ triều thì chỉ trong vài ngày lượng bùn này sẽ được đưa đi bồi đắp làm chết sinh vật đáy, mất nơi trú ngụ của thuỷ sản bố mẹ, nhanh chóng làm thay đổi môi trường sinh thái của khu bảo tồn biển Hòn Cau. “Trong báo cáo ĐTM nói là nhận bùn xuống đáy biển chỉ là cách nói kiểu lách luật”, văn bản nêu rõ.
Hội Nghề cá VN bày tỏ lo ngại, cửa sông khu vực miền Trung nói chung, Bình Thuận nói riêng chủ yếu được kiến tạo từ cát, khi nạo vét xong, cát hai bên bờ tiếp tục sạt xuống dẫn tới sạt lở. Luật Biển thế giới vẫn cho phép đổ chất thải ra biển, nhưng thông thường phải mang ra vùng biển chung, cách xa bờ. Còn nơi được cấp phép đổ bùn thải theo giấy phép của Bộ TN-MT là vùng ven biển Bình Thuận, đây là bãi cá, là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, là nguồn sống của hàng vạn ngư dân, của các trại giống tôm và ngư dân khai thác nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tầng đáy.
Cần đánh giá lại tổng thể
Theo thông tin mà đại diện Bộ TN-MT cung cấp tại cuộc đối thoại trực tuyến với báo chí ngày 15.7, đơn vị thực hiện ĐTM đã nhiều lần gửi văn bản lấy ý kiến các bộ ngành, UBND tỉnh Bình Thuận, Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận…, các đơn vị chuyên môn có liên quan của tỉnh Bình Thuận. Chủ đầu tư cũng gửi văn bản đến MTTQ và UBND xã Vĩnh Tân. Bình luận về việc này, luật sư Nguyễn Toàn Thiện nhấn mạnh: Đối tượng bị tác động khi hoạt động xả thải diễn ra không chỉ xã Vĩnh Tân mà cả vùng biển nam Trung bộ. Nhưng ngay các hiệp hội ngành nghề tại địa phương cũng không được tham vấn mà chỉ lấy ý kiến MTTQ hay UBND xã Vĩnh Tân là không đúng.
GS Lê Huy Bá phân tích, hiện ở VN có xu hướng chẻ nhỏ các dự án và chỉ cần thực hiện ĐTM cho từng dự án. Những ĐTM nhỏ lẻ kiểu như thế không thể hiện được sự tác động đáng kể đến môi trường. Đây cũng là một sai lầm về mặt chiến lược và tiêu cực trong vấn đề bảo vệ môi trường. Chỉ cần một dự án nhận chìm bùn thải ra biển đã tác động đến cả vùng biển nam Trung bộ. Chính vì vậy cần dừng cả Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân để đánh giá xem được, mất về môi trường, xã hội, kinh tế, sinh kế người dân. Sau khi có đánh giá môi trường chiến lược mới tính tới ĐTM của từng dự án cụ thể. “Có một bờ biển đẹp là rất quý giá để phát triển du lịch cũng như các ngành kinh tế biển khác. Sẽ có một con đường khác để phát triển mà không đánh đổi môi trường như thế này”, GS Bá nói.
Kế thừa dự án nên không kiểm tra được
Trong cả hai hồ sơ dự án ký vào tháng 2.2017 để trình các thành viên hội đồng thẩm định và tháng 4.2017 để làm thủ tục trình Bộ TN-MT cấp phép nhận chìm đều do ông Hà Quốc Quân ký tên, đóng dấu với tư cách là đơn vị tư vấn đều bị một số nhà khoa học “tố” không liên quan dự án này.
Phản hồi về vấn đề này, ông Hà Quốc Quân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam, đơn vị tư vấn cho dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét từ Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ra vùng biển Vĩnh Tân (H.Tuy Phong, Bình Thuận) cho biết, gói thầu tư vấn cho dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét từ Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển Bình Thuận trước đây do Trung tâm quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía nam và Trung tâm dịch vụ tài nguyên môi trường biển mà giám đốc là ông Hà Minh Toàn làm tư vấn. Khoảng tháng 11.2016, công ty của ông Quân nhận tiếp tục thực hiện dự án tư vấn này và kế thừa những tài liệu có sẵn từ trước của dự án nên không rõ chuyện mạo danh và cũng chưa từng gặp những nhà khoa học này. Cũng theo ông Quân, chủ nhiệm dự án tư vấn là ông Phạm Hồng Hạnh chịu trách nhiệm về hồ sơ và trình Bộ TN-MT, còn ông chỉ là người quản lý chung.