11/01/2025

Cạnh tranh trên thị trường du lịch trực tuyến

Du lịch trực tuyến tại VN đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút các doanh nghiệp ngoại, hình thành cuộc chiến giành thị phần ngày càng khốc liệt giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

 

Cạnh tranh trên thị trường du lịch trực tuyến

Du lịch trực tuyến tại VN đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút các doanh nghiệp ngoại, hình thành cuộc chiến giành thị phần ngày càng khốc liệt giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.




Du lịch trực tuyến đang trở thành hấp lực với các doanh nghiệp trong và ngoài nướcẢNH: NGỌC DƯƠNG

Doanh nghiệp ngoại: mạnh quảng cáo


Cạnh tranh trên thị trường du lịch trực tuyến - ảnh 1
Để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, chúng ta cần xác định chiến lược không chạy theo ngân sách bởi không thể đối đầu với các công ty nước ngoài có tài chính hùng mạnh. Phải chọn phương án “đánh du kích”, liên kết giữa các doanh nghiệp nội
Cạnh tranh trên thị trường du lịch trực tuyến - ảnh 2

Ông Huỳnh Minh Vũ, Giám đốc công nghệ của OTA Gotadi

Theo báo cáo của Google’s Consumer Barometer năm 2016, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ở VN chỉ bằng 72% so với thị trường Mỹ, nhưng tỷ lệ người Việt dùng điện thoại thông minh để tìm kiếm khách sạn lên đến 48%, gấp gần 3 lần người Mỹ (18%). Tỷ lệ tìm kiếm thông tin du lịch tại điểm đến của người Việt là 42%, trong khi người Mỹ chỉ chiếm 25%. Google và Temasek (cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore) cũng đưa ra dự đoán thị trường du lịch trực tuyến ở Đông Nam Á sẽ đạt doanh thu 90 tỉ USD vào năm 2020; trong đó VN chiếm khoảng 10%, tương đương 9 tỉ USD. Đáng chú ý, 85% dòng tiền sẽ được chảy vào dịch vụ đặt phòng khách sạn và vé máy bay, tạo nên sức hút mãnh liệt với các doanh nghiệp (DN) ngoại. Bằng chứng là ở VN, 2 trang mạng bán phòng trực tuyến là Agoda.com và Booking.com đang dẫn đầu thị trường với lần lượt hơn 7.600 và 6.000 khách sạn đối tác. VN cũng trở thành quốc gia có số người ghé thăm ứng dụng đặt phòng trực tuyến Traveloka đông thứ 3 thế giới, mặc dù ứng dụng này mới chỉ chính thức ra mắt người dùng VN từ tháng 3.2016.

 

Một chuyên gia du lịch nhận xét: Ngoài những tiện ích “được lòng” dân du lịch như nhanh chóng, tiện lợi, giá rẻ, các đại lý du lịch trực tuyến (OTA – Online Travel Agent) quy mô toàn cầu khi vào VN còn có nhiều lợi thế là được đầu tư lớn về công nghệ kỹ thuật, công tác quảng bá hình ảnh. “Nhờ có nguồn lực tài chính dồi dào, các công ty này có thể chủ động số lượng phòng bán ra trong những dịp cao điểm bằng cách “thu gom” một số lượng phòng các khách sạn có vị trí đẹp, dịch vụ tốt trong năm. Từ đó, tối ưu hoá được chi phí quảng cáo và thu hút người sử dụng với giá tốt. Đồng thời số lượng khách hàng không nhỏ cũng là lợi thế của các công ty này khi liên kết với các chủ DN cung ứng sản phẩm, thu về mức hoa hồng cao”, chuyên gia này nói.
Theo bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc tiếp thị Công ty du lịch Vietravel, các trang mạng như Agoda.com, Booking.com chỉ tập trung vào mảng khách sạn, không bao gồm tour trọn gói nên chất lượng toàn bộ tour không thể bằng các công ty trong nước. “Các trang mạng tại VN làm tương đối đều, từ khâu vé đến đặt phòng khách sạn, lên chương trình tour nên chất lượng sản phẩm tốt hơn”, bà đánh giá. Tuy nhiên, theo bà Hương, các DN ngoại có công nghệ tốt, ngân sách nhiều cho các hoạt động tiếp thị quảng bá. Đây cũng chính là lợi thế của các DN ngoại.
Doanh nghiệp nội: Liên kết là sức mạnh
Nhìn ở góc ngược lại, ông Huỳnh Minh Vũ, Giám đốc công nghệ của OTA Gotadi, lại cho rằng chính việc bỏ ra quá nhiều ngân sách cho các hoạt động tiếp thị, quảng bá khiến giá phòng đặt tại Agoda hay Booking luôn cao hơn giá đưa ra của các DN trong nước. “Trong lĩnh vực khách sạn, các công ty du lịch đều lấy nguồn từ những đại lý bán sỉ phòng khách sạn nên “giá gốc” ngang nhau. Các DN nước ngoài phải kèm thêm vào giá phòng chi phí tiếp thị, quảng cáo; trong khi các chi phí này của DN VN thấp hơn nên chúng tôi dùng khoản này để đưa ra nhiều gói khuyến mãi, đảm bảo giá phòng rẻ nhất cho khách hàng. Nếu biết tận dụng, chúng ta có thể biến bất lợi thành lợi thế”, ông Vũ khẳng định.
“Để cạnh tranh với DN nước ngoài, chúng ta cần xác định chiến lược không chạy theo ngân sách bởi không thể đối đầu với các công ty nước ngoài có tài chính hùng mạnh. Phải chọn phương án “đánh du kích”, liên kết giữa các DN nội, làm chủ công nghệ, tận dụng lợi thế am hiểu thị trường để đem đến những sản phẩm phù hợp, thu hút người Việt”, ông Vũ nhấn mạnh và thông tin thêm, các công ty trong nước hiện nay rất tích cực liên kết với nhau để tận dụng khách hàng, kết nối sản phẩm.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị – truyền thông Công ty Fiditour, nhận định các công ty lữ hành nội địa vẫn có ưu thế nhất định như được hỗ trợ về luật kinh doanh, am hiểu tâm lý khách hàng, có nhiều kênh liên kết để khai thác khách hàng nội địa… Điều cần làm lúc này là đẩy mạnh liên kết ngành và đa ngành, lữ hành liên kết với lưu trú, vận chuyển, ngân hàng, công nghệ thông tin… để tạo nên những dịch vụ ưu việt hơn so với các dịch vụ trên thị trường hiện tại. Cùng với đó, đầu tư mạnh cho hoạt động tiếp thị trực tuyến để tạo nên các kênh truyền thông đa chiều, tương tác tốt với khách hàng. Bà Thu nói thêm, nhân sự được đào tạo chuyên môn ở lĩnh vực này đang khá khan hiếm, các DN phải tuyển dụng và mất nhiều thời gian đào tạo. Đồng thời các chế tài hỗ trợ cũng còn hạn chế, cụ thể bộ luật Du lịch mới được áp dụng cũng thiếu các quy định pháp luật áp dụng với lĩnh vực thương mại trực tuyến. “Nhà nước cũng cần quan tâm và có thêm nhiều chính sách hỗ trợ DN, để DN nội có đủ điều kiện cạnh tranh trong cuộc chiến giữ sân nhà”, bà Thu đề xuất.

 

Hà Mai