Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, trong vòng chưa đầy 2 thập niên qua, số lượng nghiên cứu của các học giả nước này được đăng tải trên ấn bản chuyên ngành nước ngoài đã tăng gấp 17 lần. Đây là kết quả chính sách thưởng tiền hào phóng của các trường đại học nước này nhằm nâng cao vị thế khoa học trên trường quốc tế. Tuy vậy, hệ thống này đặt ra lo ngại về chất lượng sản phẩm khoa học ra đời ngày càng ồ ạt.
Học giả triệu phú
Mới đây Phó giáo sư Trần Tất Khôn tại Trường Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Khoa học và Kỹ thuật Nam Kinh công bố một nghiên cứu về thực trạng khoa học ở Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Báo cáo chỉ ra rằng từ năm 1999 – 2016, số tiền thưởng cho mỗi bài báo khoa học đăng trên tạp chí nước ngoài đã tăng hơn 5 lần, lên mức 165.000 USD, gấp 20 lần lương 8.000 USD của một giáo sư đại học trong cả năm. Kỷ lục cũng vừa được xác lập hôm 30.6 khi nghiên cứu của Giáo sư Trần Học Vĩ cùng cộng sự tại Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên được đăng trên tạp chí khoa học Cell (Mỹ). Nhóm học giả được trường thưởng 2 triệu USD, gấp đôi phần thưởng cho chủ nhân giải Nobel danh giá.
Chính sách thưởng tiền vốn được các trường đại học đưa ra để khuyến khích học giả đẩy mạnh nghiên cứu ra sân chơi nước ngoài. Chương trình được Đại học Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô triển khai đầu tiên vào năm 1990 với 25 USD cho mỗi bài. Kết quả là Đại học Nam Kinh liên tục dẫn đầu cả nước về số lượng bài báo khoa học được xuất bản. Các trường đại học và viện nghiên cứu khác cũng theo xu hướng này rồi tự thiết lập hệ thống thưởng của riêng mình. Bài được đăng trên tạp chí càng uy tín và danh tiếng thì mức thưởng càng cao.
Cám dỗ của đồng tiền
Nhà thần kinh học Nhiêu Nghị tại Đại học Bắc Kinh cho biết nhiều người vẫn tin rằng năng lực của một nhà khoa học được đánh giá bằng số lượng bài báo được đăng trên Cell hay Nature and Science, nhưng đó là sự cổ súy không tốt. “Việc tung hô quá mức một số chuyên san khoa học mà phớt lờ nội dung nghiên cứu sớm muộn gì cũng dẫn tới khủng hoảng”, ông Nhiêu bình luận.
Mức nợ cao của Trung Quốc có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến bất cứ nước nào trên thế giới.
Theo Hiệp hội Khoa học và công nghệ Trung Quốc, các học giả nước này mỗi năm “sản xuất” hơn 1 triệu bài báo, nhiều hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Một phần ba trong số đó được xuất bản trên ấn phẩm nước ngoài, nhưng phần lớn chất lượng thấp và rất ít được trích dẫn. Xưa nay chất lượng của bài nghiên cứu được phản ánh qua việc có được các học giả khác dẫn lại nhiều hay không, trong khi các bài báo khoa học của Trung Quốc có tỷ lệ trích dẫn dưới mức trung bình của thế giới, theo tờ Nhân Dân nhật báo.
Trong nghiên cứu của mình, Phó giáo sư Trần Tất Khôn chỉ ra rằng một số học giả Trung Quốc coi tiền thưởng là mục đích nghiên cứu chứ không phải nhằm khẳng định tri thức trong lĩnh vực họ theo đuổi. Ông lấy dẫn chứng về một nhà khoa học tại Đại học Hắc Long Giang đã đăng hơn 250 bài báo chỉ trên một tạp chí trong vòng 5 năm (2004 – 2009). Với số bài khủng như vậy, học giả này nhận phân nửa tổng số tiền thưởng của trường.
Sự thiếu trung thực và gian lận khoa học, thậm chí ăn cắp sản phẩm của người khác, cũng đang báo động trong giới hàn lâm Trung Quốc. Theo SCMP, trong năm 2016 có tới 1.234 công trình khoa học của các nhà nghiên cứu Trung Quốc phải đính chính nội dung. Hồi tháng 4, Springer Nature phải rút lại 107 bài nghiên cứu của các tác giả Trung Quốc sau khi phát hiện dấu hiệu gian lận. Họ cung cấp thông tin liên hệ giả mạo của bên phản biện thứ ba, thậm chí có người còn tự đánh giá bài của mình. Chính sách thưởng tiền mặt lớn này vô tình biến học giả Trung Quốc thành “cỗ máy sản xuất”, thậm chí đánh đổi chuẩn mực hàn lâm bằng những hành vi phi đạo đức và phản khoa học.