11/01/2025

Du học bằng sáng chế

Không sở hữu thành tích học tập “khủng”, không có kinh nghiệm “săn” học bổng nhưng bằng nỗ lực đam mê sáng chế, hai chàng trai 9X đời cuối đã giành được suất du học vào mùa thu này tại Thái Lan và Hoa Kỳ.

Du học bằng sáng chế

Không sở hữu thành tích học tập “khủng”, không có kinh nghiệm “săn” học bổng nhưng bằng nỗ lực đam mê sáng chế, hai chàng trai 9X đời cuối đã giành được suất du học vào mùa thu này tại Thái Lan và Hoa Kỳ.

 

 

 

Du học bằng sáng chế

Nguyễn Hoàng Ngân: “Chưa biết thì học, em tìm hiểu kỹ hơn kiến thức vật lý trong sách giáo khoa, nhưng phần lớn tự học với ông thầy Google” – Ảnh: T.HÂN

Đó là Hoàng Phạm Gia Khang, lớp 12 tin Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM, với học bổng toàn phần hơn 230 triệu đồng/năm từ ĐH Công nghệ KMUTT (Thái Lan) và Nguyễn Hoàng Ngân – cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM – tác giả của xe lăn vượt địa hình đoạt giải ba cuộc thi quốc tế Intel Isef 2016.

Học bổng bốn năm dành cho Ngân trị giá 6,3 tỉ đồng (khoảng 280.000 USD) từ Pitzer College (Hoa Kỳ).

Chinh chiến hơn 10 cuộc thi

Không có duyên với giải thưởng nhưng Gia Khang vẫn miệt mài chinh chiến tại các kỳ thi, sự kiện liên quan khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Xuất phát điểm là “hai bàn tay trắng” khi tham gia hội thi Tin học trẻ TP vào hè năm lớp 9, Khang được đặc cách tập huấn về lập trình phần cứng để dự vòng thi cấp quốc gia.

Từ đó, Khang xác định đam mê theo đuổi lĩnh vực lập trình phần cứng theo hướng tự động hóa và IoTs (vạn vật kết nối Internet). Săn tìm các sự kiện dành cho người đam mê sáng chế, Khang mạnh dạn đăng ký, xách balô và lên xe buýt đến bất kỳ đâu để học hỏi.

Mỗi cuộc thi Khang lựa chọn là một cơ hội để cậu học sinh lớp 10 ngày đó khám phá thế giới: Young Makers Challenge, hội thi Tin học trẻ, cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia, Sáng tạo thanh thiếu nhi TP.HCM, Makerthon, trại hè công nghệ…

Du học bằng sáng chế

Hoàng Phạm Gia Khang: “Tôi thích những cuộc thi có mục tiêu rõ ràng, hướng đến sản phẩm cụ thể, không nhằm cạnh tranh trên bảng điểm thành tích” – Ảnh: T.HÂN

Chưa một lần chạm tay đến giải nhất, nhưng Khang tích góp bài học qua mỗi lần “tay trắng”, bồi đắp mảng kiến thức mới, mài giũa kỹ năng cụ thể để bắt đầu nghiên cứu, sáng chế.

Khang nói thêm: “Một số cuộc thi cho phép học sinh, sinh viên và người đi làm cùng thử sức. Các nhóm vừa tranh tài sáng tạo vừa giúp đỡ, trao đổi kiến thức vì không ai bận tâm thắng thua.

Ở TOM (một cuộc thi sáng chế xuất phát từ Israel), nhóm tôi được giao đề bài giúp một bé khuyết tật vận động bằng công nghệ. Tôi học hỏi trực tiếp trong quá trình làm việc trên sản phẩm với các anh chị, bạn bè chuyên nhiều lĩnh vực khác nhau”.

Sau ba năm đeo đuổi hàng chục ý tưởng về IoTs, tự động hóa, Gia Khang đã thể hiện xuất sắc tại trại hè dành cho học sinh THPT quốc tế ở Thái Lan, nhận được suất học bổng toàn phần trị giá 348.000 baht/năm (tương đương 233 triệu đồng) và được duy trì nếu thành tích học tập ổn định.

Để hỗ trợ thế hệ học sinh đang bắt đầu sáng chế, đổi mới sáng tạo, Khang đã khởi xướng lập Hội những nhà sáng chế Trường phổ thông Năng khiếu (WIMP) hoạt động online và offline.

“Nhóm công khai chia sẻ các sự kiện, lớp học công nghệ, lập trình, đăng clip thí nghiệm, giới thiệu sách, dịch tài liệu tiếng nước ngoài cho cộng đồng tham khảo. Đây cũng là xưởng làm việc của nhóm để chăm chút một số ý tưởng nghiêm túc đầu tư” – Khang tự hào giới thiệu về “đứa con” của mình.

Du học trở thành 
cú hích

“Em lười lắm! – Nguyễn Hoàng Ngân, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thú nhận – Mục tiêu du học chỉ được xác định vào cuối năm lớp 12, quá muộn so với nhiều bạn bè. Khi đó em hoàn toàn chưa chuẩn bị về tiếng Anh và kinh nghiệm “săn” học bổng.

Dù rất thích nhưng du học là ước mơ xa vời và hỗn độn. May mắn đã đến khi em bắt đầu chế tạo xe lăn vượt địa hình. Em tự động viên nếu mình làm tốt, đây sẽ là lợi thế khi cạnh tranh học bổng”.

Với động lực đó, Ngân dành phần lớn thời gian năm lớp 12 để mày mò cơ khí, sử dụng phần mềm giả lập chuyên nghiệp, nghiên cứu tài liệu tiếng Anh để rút ngắn khoảng cách đầu tư công nghệ so với 1.700 thí sinh khác trên toàn thế giới. Du học đã trở thành cú hích cho chàng trai sáng dạ tự nhận “cực kỳ lười biếng” này.

Ngân chia sẻ: “Em đánh liều dành hết thời gian cho thiết kế, không học thêm, không mang bài tập về nhà, chỉ học đủ thi tốt nghiệp. Cô giáo đã rất lo lắng. Nhưng với tính tự lập từ nhỏ, em xác định cơ hội và rủi ro trong mỗi quyết định của mình.

Nếu thành công em du học, ngược lại phải tức tốc ôn thi đại học trong một tháng. Nhiều người đã thử con đường này và thất bại vì thời gian làm việc quá ngắn. Mặc dù lười biếng nhưng em đã thích điều gì thì nhất định làm tới cùng”.

Thành quả những tháng trui rèn là thiết kế xe lăn vượt địa hình TN98 đã đưa Ngân từ Đồng Nai đến Arizona (Hoa Kỳ) và gây ấn tượng với Trường Pitzer College – nơi vừa trao cho Ngân suất học bổng bốn năm trị giá 210.000 USD (khoảng 4,7 tỉ đồng).

Bí quyết từ bài luận

Một bí quyết quan trọng trong hồ sơ ứng tuyển học bổng của Ngân là bài luận. Được sự tư vấn của bạn bè có kinh nghiệm du học, Ngân đã thể hiện khá ổn năng lực bản thân bằng văn phong tiếng Anh.

“Bài luận yêu cầu sự trung thực. Ứng cử viên sẵn sàng thể hiện điểm tốt nhất của bản thân lẫn hạn chế hiện có – Ngân chia sẻ – Không phải có khuyết điểm là bị trừ điểm. Có khuyết điểm mà không nhận ra mới bị trừ điểm.

Em yếu nhất là tiếng Anh. Vì vậy em đã nghỉ một năm để chuẩn bị ngoại ngữ và bài thi cần thiết. Mặc dù TOEFL chỉ 90/120 nhưng bù lại kết quả SAT của em được 1.450/1.600. Điểm số học tập tốt và từng hoạt động xã hội là điểm thuyết phục của em trong hồ sơ lần này”.

TƯỜNG HÂN