Do quy chế quy định các nguyện vọng bình đẳng như nhau nên thí sinh cần tận dụng để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích nhất.
Đừng chủ quan với trường lấy điểm xét tuyển bằng sàn
Thí sinh cần lựa chọn nguyện vọng mình mong muốn nhất đưa lên đầu, dù điểm chỉ khoảng mức trúng tuyển năm ngoái, đó chính là tận dụng tối đa nguyện vọng để chớp cơ hội
NGUYỄN HỮU TÚ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp, năm nay nhiều trường thông báo điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ điểm sàn của Bộ GD-ĐT mặc dù những năm trước điểm chuẩn của các trường này khá cao. Vì thế, cần nhất là thí sinh (TS) không nên chủ quan khi thấy điểm mình phù hợp với điểm sàn rồi vội vàng đăng ký mà bỏ qua những nguyện vọng (NV) phù hợp hơn. “Các em phải so với điểm của mình với điểm chuẩn năm ngoái để biết mình ở mức độ nào, khả năng đỗ trượt ra sao. Hơn nữa, vì điểm sàn năm nay cao hơn năm ngoái nên các TS khi ước tính điểm chuẩn, nên cộng thêm từ 0,5 – 1 điểm so với năm ngoái, từ đó quyết định có tiếp tục theo đuổi NV mình đã đăng ký hay chuyển sang ngành khác”, ông Tuấn khuyên.
Chọn ngành yêu thích hay chỉ cần đỗ ĐH ?
Ông Tuấn cũng lưu ý TS nên tách bạch 2 mục tiêu: chỉ cần đậu ĐH là được hay theo đuổi ngành học mà mình yêu thích. Với mục tiêu thứ hai, những TS có điểm khá cũng không nên câu nệ rồi chỉ chăm chăm tìm trường có điểm chuẩn “tương xứng”. TS có thể chọn trường có điểm chuẩn thấp hơn nhiều so với mức điểm của mình nhưng quan trọng là ngành mình muốn học.
Nếu theo mục tiêu thứ hai, TS điểm không cao lắm cần có chiến lược khôn ngoan, không nên đổ xô vào những thương hiệu lớn. Chẳng hạn các ngành kế toán, quản trị kinh doanh hiện nay có khá nhiều trường đào tạo và rất đa dạng mức điểm chuẩn. Những ngành này, trường tốp đầu có khi trên 23 điểm mới đỗ, trường tốp trung chỉ cần 19 – 20, nhưng cũng có trường chỉ cần 17 – 18 điểm. Những TS thích ngành kế toán chẳng hạn, thấy mình chỉ được 20 điểm thôi thì khoan vội hoảng hốt lo mình không đỗ.
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, nếu đến thời điểm này TS thấy cần thiết phải điều chỉnh NV thì nên xác định rõ hướng đi của mình: Muốn chọn trường hay chọn ngành. Nếu TS yêu thích ngành kế toán kiểm toán, hoặc công nghệ thông tin thì nên đăng ký NV vào nhiều trường, sắp xếp thứ tự NV từ cao xuống thấp. Còn nếu chọn trường (vì yêu chuộng tiếng tăm của trường, vì thích môi trường học tập…) thì có thể ghi nhiều NV vào cùng một trường, theo thứ tự ưu tiên từ ngành mình thích nhất trở xuống.
Ngoài ra, bà Thuỷ cho rằng vào thời điểm này không ai có thể khẳng định chắc chắn mức điểm vào trường sẽ là bao nhiêu. “Chúng tôi chỉ có thể khuyên TS rằng cần dựa vào mức điểm trúng tuyển năm ngoái, từ đó suy đoán mức điểm chuẩn năm nay theo hướng bằng hoặc cao hơn, bởi chắc chắn sẽ không thể thấp hơn. Qua điểm chuẩn các năm cho thấy điểm trúng tuyển của ngoại thương tương đối ổn định. Nếu các bạn có mức điểm thi bằng hoặc cao hơn thì hãy mạnh dạn nộp vào. Còn nếu điểm chỉ tương đương mức mà nhà trường thông báo nhận hồ sơ thì không nên mạo hiểm đăng ký, vì đó là NV không an toàn”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Hôm qua 15.7, ngày đầu tiên thí sinh chính thức điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH.
Tìm hiểu những ngành lân cận
Theo ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, điểm khối B năm nay có phổ điểm cao hơn năm ngoái đáng kể, vì thế điểm chuẩn vào các trường khối B nói chung sẽ tăng. Nhưng nếu hiểu rõ cách xét tuyển năm nay thì sẽ thấy việc một TS được phép đăng ký nhiều NV, và các NV đều bình đẳng là một ưu thế mà TS cần tận dụng tối đa. “Các TS được điền rất nhiều NV, khi việc trượt các NV phía trên không ảnh hưởng gì đến những NV phía dưới. Nhưng nếu đỗ NV phía trên thì sẽ không còn cơ hội đỗ NV phía dưới. Chính vì thế các em cần lựa chọn NV mình mong muốn nhất đưa lên đầu, dù điểm chỉ khoảng mức trúng tuyển năm ngoái, đó chính là tận dụng tối đa NV để chớp cơ hội”, ông Tú nói.
Cũng theo ông Tú, nhiều TS đôi khi hơi quá chú trọng vào một ngành nóng mà quên khai thác các thế mạnh của các ngành xung quanh. Ông Tú lưu ý: “Chẳng hạn Trường ĐH Y Hà Nội có 9 mã ngành và 10 chương trình đào tạo. Điểm chuẩn ở mỗi chương trình đào tạo, mỗi mã ngành sẽ rất khác nhau. Vì vậy, TS cần lưu ý để không quá hoang mang, vội vàng. Chẳng hạn TS chỉ ấn tượng với mức điểm chuẩn ngành y đa khoa năm ngoái là 27 điểm mà quên rằng y đa khoa cũng của Trường ĐH Y Hà Nội nhưng học ở Thanh Hoá năm ngoái chỉ 24 điểm thôi. Hoặc đa số TS chỉ muốn học y đa khoa hoặc răng hàm mặt, trong khi còn có nhiều mã ngành khác rất hay, nhu cầu xã hội lớn, vì thế triển vọng việc làm tốt”.