Những người Nga chết bí ẩn
Trong vòng 5 tháng qua đã có 8 nhân vật nổi bật người Nga chết vì nhiều lý do khác nhau khiến truyền thông, đặc biệt là truyền thông Mỹ, đặt ra nhiều nghi vấn.
Những người Nga chết bí ẩn
Trong vòng 5 tháng qua đã có 8 nhân vật nổi bật người Nga chết vì nhiều lý do khác nhau khiến truyền thông, đặc biệt là truyền thông Mỹ, đặt ra nhiều nghi vấn.
Các điều tra viên bên cạnh thi thể Denis Voronenkov tại Kiev (Ukraine) – Ảnh: Reuters |
Điểm chung giữa các nạn nhân này là họ đều là những nhà ngoại giao hoặc cựu tình báo.
Những nạn nhân “nổi bật”
Ngày 23-3-2017, Denis Voronenkov bước ra khỏi khách sạn Premier Palace (Ukraine) để đến gặp Ilya Ponomarev, cựu quan chức Nga đang sống lưu vong ở Ukraine.
Nhưng cuộc gặp không bao giờ diễn ra vì Voronenkov gục ngã sau ba phát súng. Hung thủ chết trên đường đến bệnh viện với một tấm hộ chiếu Ukraine, được tạm xác định là Pavel Parshov, từng có tiền án lừa đảo và rửa tiền.
Cái chết của Voronenkov, cựu thành viên Đuma quốc gia Nga và là người chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin, trở thành “cảm hứng” cho một loạt bài điều tra của báo chí Mỹ được tung ra sau thời điểm ấy.
Ngày 16-7, trang tin BuzzFeed (Mỹ) công bố hai phần đầu tiên của loạt điều tra kéo dài hai năm, trong đó nêu rõ việc tình báo Mỹ gửi cho Chính phủ Anh những bằng chứng liên kết giữa cái chết của 14 người Nga và Anh tại Vương quốc Anh với chính quyền Nga.
BuzzFeed cho biết loạt điều tra này dựa trên số lượng lớn tài liệu, băng ghi âm cuộc gọi và nghe lén cũng như các cuộc phỏng vấn tình báo Anh, Pháp, Mỹ và các quan chức thực thi pháp luật.
Trước đó trong tháng 5, báo USA Today cũng có bài viết về “38 người Nga nổi bật” đã bị giết hoặc chết bất thường kể từ năm 2014. Hai trong số các bài điều tra của báo chí Mỹ vừa nêu cho thấy có hàng chục “người Nga nổi bật” đã chết bất thường hoặc bị mưu sát kể từ năm 2003 tới nay.
Một số chi tiết được nêu trong các báo cáo cho thấy sự liên quan, hoặc mối nghi ngờ cho rằng Chính phủ Nga có thể đứng sau những cái chết này.
Đơn cử là trường hợp của Alexander Litvinenko, cựu thành viên Tổng cục An ninh liên bang Nga (FBS – tức cơ quan tình báo Nga). Ông Litvinenko chết năm 2006 với dấu vết của chất phóng xạ polonium 210 lưu lại, trong khi đây là chất “chỉ được sản xuất ở Nga”, theo BuzzFeed.
Nga bác bỏ
Trong dòng sự kiện này, CNN hôm 17-7 cũng đưa ra một bài tổng hợp khác về những cái chết ấy. Tính từ thời điểm bầu cử Mỹ tháng 11-2016 tới thời điểm cái chết của Voronenko, tức trong 5 tháng, đã có 8 “người Nga nổi bật” bị giết hoặc chết để lại nghi vấn.
Điểm chung là họ đều là những nhà ngoại giao hoặc cựu tình báo. Trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin và đại sứ Nga tại Ấn Độ Alexander Kadakin đã chết ở các độ tuổi 64 và 67 vì trụy tim và bệnh.
Trước đó hồi tháng 12-2016, đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov bị bắn chết ngay trước mặt nhiều người ở Ankara.
Thực tế không có nhiều cơ sở, ngoại trừ thuyết âm mưu, để xâu chuỗi những cái chết này. Lâu nay, Nga vẫn bác bỏ mọi lập luận từ báo chí Mỹ và phương Tây cho rằng Điện Kremlin đóng vai trò gì đó trong những cái chết của các nhân vật quan trọng người Nga.
Thế nhưng trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn liên tục đối diện cáo buộc bắt tay với người Nga, truyền thông ở xứ cờ hoa không ngần ngại xuất bản những bài viết kiểu “đặt nghi vấn”.
Báo New Yorker ngày 19-6 lật lại trường hợp của cựu quan chức Chính phủ Mỹ và là chuyên gia về quan hệ với Nga – ông Paul Joyal. Năm 2007, ông Joyal từng trả lời NBC rằng Alexander Litvinenko đã bị giết theo sự chỉ đạo của Tổng thống Nga Putin. Bốn ngày sau khi chương trình phát sóng, căn nhà của Joyal bị tấn công, nhưng ông này may mắn thoát chết.Nhật Đăng
Luật chơi thay đổi? Câu hỏi đặt ra là liệu người Nga đang giết người trên đất Mỹ? Paul Goble, một chuyên gia khác về Nga, cho rằng trong thời chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô thường ám sát các gián điệp của nhau tại nước mình, nhưng tồn tại “luật chơi” là không giết người trên lãnh thổ đối phương. Nhưng hàng loạt vụ việc xảy ra gần đây, bao gồm Mikhail Lesin – cựu cố vấn cho Tổng thống Putin – chết ở Washington năm 2015, chứng tỏ “quy tắc xưa” có thể đã bị xóa bỏ, theo Goble. |