10/01/2025

Nhiều ‘ông lớn’ ghiền xin Nhà nước hỗ trợ

Chủ trương không dùng tiền ngân sách hỗ trợ tái khởi động 12 dự án “trùm mền” của ngành công thương đang bị thách thức khi nhiều dự án tiếp tục xin tăng vốn hoặc muốn Chính phủ hỗ trợ thêm.

 

Nhiều ‘ông lớn’ ghiền xin Nhà nước hỗ trợ

Chủ trương không dùng tiền ngân sách hỗ trợ tái khởi động 12 dự án “trùm mền” của ngành công thương đang bị thách thức khi nhiều dự án tiếp tục xin tăng vốn hoặc muốn Chính phủ hỗ trợ thêm.

 

 

 

Nhiều 'ông lớn' ghiền xin Nhà nước hỗ trợ
Nhà máy đóng tàu Dung Quất dù được hỗ trợ hàng ngàn tỉ đồng nhưng nay vẫn khó khăn – Ảnh: TRẦN MAI

Lãnh đạo Chính phủ đã khẳng định không tiếp tục rót tiền ngân sách để cứu các dự án thua lỗ, song để hoạt động trở lại, không ít “ông lớn” nhà nước vẫn khó khăn, thậm chí đang lún thêm vào khó khăn.

Nhiều dự án rơi vào kiện tụng

Trong 12 dự án, nhà máy thua lỗ, yếu kém của ngành công thương hiện chỉ có 6 nhà máy hoạt động trở lại, trong đó có nhà máy sản xuất đạm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), nhà máy đóng tàu Dung Quất, nhà máy sản xuất thép Việt – Trung…

Còn lại 6 dự án vẫn thi công dở dang, ngừng hoạt động.

 

Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, một số dự án có thể vướng vào kiện tụng.

Chẳng hạn như Nhà máy đạm Hà Bắc đã phải thuê đơn vị thẩm định, tư vấn xác định chi phí của một số vướng mắc tiềm ẩn tranh chấp pháp lý.

Trong khi đó nhà máy DAP 2 – Lào Cai chưa thống nhất được với nhà thầu về xử lý tiến độ, thời gian bảo hành…

Hay tại dự án nhiên liệu sinh học ở Quảng Ngãi, với hệ thống xử lý nước thải.

Ở dự án tại Quảng Ngãi này, các cổ đông và chủ đầu tư khẳng định trách nhiệm khắc phục thuộc nhà thầu là Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí.

Tuy nhiên, nhưng đơn vị này không đồng ý và đề nghị đưa ra Trọng tài quốc tế Singapore…

Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex) cũng vừa bị tòa án Hải Phòng phán quyết thua kiện trong vụ việc tranh chấp với Khu công nghiệp Đình Vũ (do PVTex chưa trả tiền điện, nước… gần 73 tỉ đồng).

PVTex sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế như phong tỏa tài khoản, tạm dừng chuyển nhượng quyền sở hữu…

Liên tục xin hỗ trợ…

Để giúp các dự án khởi động trở lại, đã có không ít các chính sách được đưa ra và thực tế nhiều đề xuất của doanh nghiệp (DN) đã được chấp nhận.

Chẳng hạn, với các nhà máy sản xuất phân bón của Vinachem, đề xuất giảm mức trích khấu hao ba năm 2017 – 2019 đối với ba dự án đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP 2 – Lào Cai đã được chấp thuận.

Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng phương án kinh doanh, làm việc với các ngân hàng để được 
xem xét miễn giảm lãi suất…

Đáng chú ý, tại cuộc họp triển khai xử lý tồn tại, yếu kém của một số dự án thuộc ngành công thương vừa qua, nhiều ông lớn tiếp tục đưa ra các đề nghị hỗ trợ.

Ông Nguyễn Đình Phúc, tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, cho biết vốn điều lệ chỉ còn 1.840 tỉ đồng, rất khó để hoạt động bình thường nên đã xin Bộ Công thương tăng vốn 
và được bộ đồng ý.

Hoặc với PVTex, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, phụ trách hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí (PVN), cho biết cần phải rót thêm 256,3 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo chủ trương không được sử dụng thêm vốn nhà nước, bao gồm cả vốn của doanh nghiệp nhà nước, ông Sơn cho biết đang gặp khó khăn.

Ông Sơn cảnh báo rằng trong trường hợp PVTex phá sản, PVN có nguy cơ mất trắng 
khoảng 5.600 tỉ đồng.

Với những nhà máy khác đang dự kiến tái khởi động, PVN đưa ra một loạt kiến nghị hỗ trợ.

Chẳng hạn, để Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước hoạt động trở lại, PVN xin được tăng vốn điều lệ, nhà máy được giảm 50% trích khấu hao trong 5 năm, các ngân hàng “tái cấu trúc” khoản nợ…

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết với những dự án vừa hoạt động trở lại, từ tháng 2-2017 đến nay Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay tăng thêm gần 360 tỉ đồng, với tổng dư nợ cho 
vay trên 21.000 tỉ.

Doanh nghiệp phải tự vận động

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Hải – Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính – xác nhận dự án Đạm Ninh Bình không đủ để trả nợ cho khoản vay 125 triệu USD.

Vinachem có đề nghị Bộ Tài chính làm việc với China Eximbank để giãn thời gian trả nợ. Bộ đã trao đổi nhưng China Eximbank không chấp thuận.

Sau khi phân tích dòng tiền không chỉ của Đạm Ninh Bình mà cả Vinachem, Bộ Tài chính nhận ra Vinachem vẫn có dòng tiền đủ để trả nợ.

“Khi Vinachem chứng minh không có khả năng trả nợ… Chính phủ mới có thể đứng ra trả 
nợ thay”, ông Hải cho biết.

Một số chuyên gia cho rằng việc tháo gỡ để dự án khó khăn phục hồi là cần thiết nhưng cần minh bạch, theo đúng cơ chế thị trường.

Theo ông Phạm Đức Trung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đã có chủ trương ngân sách không cấp thêm tiền để cứu 12 dự án khó khăn của ngành công thương, do vậy bản thân doanh nghiệp phải tự xoay xở.

Ông Trung nhấn mạnh sự hỗ trợ là bất hợp lý, không công bằng với các doanh nghiệp khác, ngay cả khi đó là hỗ trợ gián tiếp như giảm thuế, gia hạn thuế, thời 
gian trả nợ…

Chính phủ trả thay, doanh nghiệp phải hoàn trả

Ông Hoàng Hải công nhận khi Chính phủ đi vay rồi về cho vay lại, rủi ro là có. Trường hợp doanh nghiệp không trả nợ đúng hạn sẽ giải trình với Chính phủ.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính mới trả nợ thay. Nhưng sau khi doanh nghiệp phục hồi, theo ông Hải, doanh nghiệp sẽ buộc phải nhận lại nợ để trả.

Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, làm ăn thua lỗ nặng nề thì về nguyên tắc, Chính phủ phải trả nợ thay vì đây là khoản vay nước ngoài.

Điển hình là Chính phủ đã phải trả nợ thay Vinashin.

NGỌC AN – LÊ THANH