12/01/2025

Cơ quan thuế ‘ghiền’ kiểm tra vì muốn giúp doanh nghiệp?

Chính phủ quy định mỗi năm các doanh nghiệp chỉ cần “đón” đoàn kiểm tra một lần. Trên thực tế, nhiều cơ quan vẫn ghiền thanh tra, thậm chí còn cho rằng nếu không sẽ “ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp”.

 

Cơ quan thuế ‘ghiền’ kiểm tra vì muốn giúp doanh nghiệp?

Chính phủ quy định mỗi năm các doanh nghiệp chỉ cần “đón” đoàn kiểm tra một lần. Trên thực tế, nhiều cơ quan vẫn ghiền thanh tra, thậm chí còn cho rằng nếu không sẽ “ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp”.

 

 

 

 

Cơ quan thuế 'ghiền' kiểm tra vì muốn giúp doanh nghiệp?
Hầu hết doanh nghiệp đều mong muốn không phải đón nhiều đoàn thanh tra, dành thời gian cho hoạt động sản xuất – Ảnh: T.V.N.

Cơ quan thuế 
sợ trách nhiệm?

Cơ quan thuế cho rằng nếu không được sớm hướng dẫn rõ ràng quy định thanh tra, kiểm tra một lần mỗi năm, nhiều doanh nghiệp sẽ bị “ách” tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) do cơ quan thuế không dám kiểm tra vì sợ trùng lắp.

Một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết nhiều trường hợp doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế GTGT. Mỗi năm hoàn thuế 2-3 kỳ, cơ quan thuế đều phải kiểm tra.

Tuy nhiên, nếu thực hiện theo quy định không được kiểm tra doanh nghiệp quá một lần mỗi năm, cơ quan thuế không thể hoàn thuế GTGT được.

 

“Nếu làm chặt chẽ, cơ quan thuế bị mang tiếng phiền hà doanh nghiệp, nhưng nếu quá thoáng lại sợ không quản lý được”, vị này nói.

Cũng theo vị này, nếu có số thuế GTGT đầu vào âm từ 300 triệu đồng trở lên, doanh nghiệp sẽ được làm hồ sơ hoàn thuế theo quy định.

Nhiều doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra trước khi hoàn thuế và trong một năm doanh nghiệp gửi 3 hồ sơ hoàn thuế GTGT, cơ quan thuế chưa biết xử lý thế nào.

“Nếu chỉ kiểm tra trước khi hoàn thuế lần một, hai lần còn lại không kiểm tra sẽ rủi ro cực lớn, nhiều doanh nghiệp sẽ lợi dụng để chiếm dụng ngân sách. Khi đó trách nhiệm ai chịu?” – lãnh đạo một chi cục thuế nói.

Nhưng nếu tổ chức kiểm tra cả 3 lần trước khi hoàn thuế, cơ quan thuế lại vi phạm quy định chỉ được thanh tra, kiểm tra một lần/năm.

Theo cơ quan thuế, rủi ro ở đây là cơ quan thuế vì sợ vi phạm quy định nên không kiểm tra hai lần hoàn thuế còn lại, doanh nghiệp bị “giam” tiền hoàn thuế GTGT.

Ông Trần Ngọc Tâm – Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM – cho biết việc kiểm tra trước hoàn thuế GTGT là một bước trong quy trình hoàn thuế và là quyền lợi của doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế phải qua bước này mới được nhận tiền hoàn thuế.

“Do sợ bị trùng lắp, cơ quan thuế không dám kiểm tra thì khi nào doanh nghiệp mới được hoàn thuế?” – ông Tâm đặt câu hỏi.

Do đó, theo ông Tâm, cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp, cơ quan thuế sẽ không dám kiểm tra để hoàn thuế với những đơn vị đã bị cơ quan khác kiểm tra trước đó.

Doanh nghiệp phản ứng là hợp lý

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù Chính phủ có quy định mỗi năm doanh nghiệp chỉ phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra một lần nhưng thực tế vẫn chưa thực hiện được.

“Các doanh nghiệp vẫn bị tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra khác nhau dù nội dung kiểm tra phần lớn đều trùng lắp”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng với ngành thuế, việc kiểm tra trước hoàn thuế GTGT chỉ là một loại hình nghiệp vụ, “hoàn toàn có thể chỉnh sửa được theo hướng có lợi cho doanh nghiệp về số lần phải kiểm, chứ không phải không thể làm được”.

Theo ông Tuấn, thay vì phải kiểm tra doanh nghiệp nhiều lần, trước hết cần áp dụng cơ chế “tầm soát”, phân loại doanh nghiệp hoạt động tuân thủ pháp luật với các doanh nghiệp hay vi phạm để lên kế hoạch kiểm tra “tổng lực” từ tất cả các ngành có liên quan một lần.

Việc sử dụng lại kết quả thanh tra, kiểm tra từ các lần kiểm tra (thậm chí kiểm tra chuyên ngành) của doanh nghiệp là cần thiết.

Ngoài ra, có thể áp dụng cơ chế “thanh lọc” từng thành phần doanh nghiệp, lĩnh vực ngành nghề hoạt động để tăng hoặc giảm số lần kiểm tra.

“Nếu doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực vô cùng nhạy cảm, khả năng vi phạm lớn, việc tăng cường kiểm tra không ai nói gì. Chứ doanh nghiệp mới thành lập hoặc làm ăn lâu năm chẳng vi phạm gì mà cứ bị kiểm tra liên tục, nhiều lần, rõ ràng có vấn đề từ phía các đoàn kiểm tra. Doanh nghiệp phản ứng là hợp lý” – ông Tuấn đúc kết.

Ông Phạm Ngọc Hưng (Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Cơ quan thuế 'ghiền' kiểm tra vì muốn giúp doanh nghiệp?
Ảnh: T.V.N.

 

Ai cũng biết họ thích kiểm tra để làm gì…

Để chấm dứt tình trạng doanh nghiệp phải tiếp quá nhiều đoàn kiểm tra mà “ai cũng biết vì sao họ cứ thích xuống kiểm tra để làm gì”, cần một quy định minh bạch về các tiêu chí khi nào bị thanh tra, kiểm tra, thành phần nào được phép lập đoàn kiểm tra, cần được nhiều bộ ngành có thẩm quyền rà soát, bổ sung hoặc huỷ bỏ nếu thấy vi phạm.

Thậm chí có thể lập đường dây nóng hoặc ban chỉ đạo về công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để kiểm tra về vấn đề thanh tra, kiểm tra hiện nay.

Doanh nghiệp nào có bức xúc về việc bị nhiều đoàn thanh kiểm tra đến hỏi thăm nhiều lần, nội dung kiểm tra thường xuyên bị trùng lắp, chồng chéo đều có thể gọi trực tiếp lên đường dây nóng, hoặc phản ảnh trực tiếp đến ban chỉ đạo nói trên.

Doanh nghiệp đang rất khó khăn mà cứ phải đón đoàn kiểm tra hoài thì lấy thời gian đâu để sản xuất kinh doanh, chưa kể đoàn kiểm tra nào đến mà không phải tốn chi phí tiếp đón.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn (Thứ trưởng Bộ Tài chính):

Cơ quan thuế 'ghiền' kiểm tra vì muốn giúp doanh nghiệp?
Ảnh: N.Khánh

 

Không phải ngồi ở doanh nghiệp để cố tình tìm lỗi

Cơ quan thuế phải dành 2/3 thời gian nghiên cứu hồ sơ, chỉ dành 1/3 thời gian để thanh tra, kiểm tra, chủ yếu để yêu cầu doanh nghiệp giải trình, cung cấp hồ sơ chứ không phải ngồi ở doanh nghiệp để tìm lỗi. Và không tìm được lại cố kéo dài thời gian thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp.

ÁNH HỒNG – TRẦN VŨ NGHI