Nhiều nhà đầu tư ngoại, quỹ đầu tư ngoại đã ngỏ ý muốn mua lại một số đường cao tốc, nhưng tới nay vẫn chưa cuộc “hôn phối” nào thành công do vướng nhiều rào cản.
Bán cao tốc lấy tiền làm cao tốc
Nhiều nhà đầu tư ngoại, quỹ đầu tư ngoại đã ngỏ ý muốn mua lại một số đường cao tốc, nhưng tới nay vẫn chưa cuộc “hôn phối” nào thành công do vướng nhiều rào cản.
2 năm vẫn chưa bán được
Cuối năm 2014, nhà đầu tư Ấn Độ đã ngỏ ý muốn được Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (Vidifi) nhượng quyền khai thác đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (tổng mức đầu tư hơn 2 tỉ USD). Nhà đầu tư Ấn Độ đã đặt cọc 2 triệu USD và cử nhiều đoàn sang làm việc với Vidifi trong hơn 1 năm, nhưng cuối cùng bỏ cuộc vì theo đuổi quá lâu, trong khi cơ chế chính sách vẫn chưa như kỳ vọng.
Hiện tại, một số quỹ đầu tư của Mỹ cũng tiếp cận với dự án. Lãnh đạo Vidifi cho biết “rất muốn bán dự án”, nhưng nếu không cụ thể hóa được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho dự án này (theo Quyết định 746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2015) thì rất có thể các nhà đầu tư này lại ra đi như nhà đầu tư Ấn Độ. Cụ thể, theo Quyết định 746, nhà nước tham gia, hỗ trợ 3.699 tỉ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư và khoản vay chuyển đổi hỗ trợ trực tiếp 300 triệu USD (tổng khoảng 10.000 tỉ đồng). Vidifi từng đề nghị Chính phủ cho phép tái cơ cấu khoản vay 300 triệu USD, gồm 200 triệu USD vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức sang hình thức nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án.
“Nhà đầu tư ngoại chỉ tham gia khi chắc chắn được phần cấp vốn trong nước, một khi chưa có cam kết chính thức của Chính phủ về khoản 10.000 tỉ đồng này thì rất khó nhượng quyền dự án thành công”, lãnh đạo Vidifi nói. Vidifi hiện đã có báo cáo đề xuất cấp vốn gửi Chính phủ, đề nghị bố trí nguồn vốn hỗ trợ cũng như có quyết định chính thức về các khoản chuyển đổi hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 746, và vẫn đang chờ ý kiến từ phía Chính phủ.
Cần cơ chế đảm bảo rủi ro
Các dự án cao tốc trong nước đều sử dụng vốn vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ, vì thế khi nhượng quyền khai thác, nhà đầu tư mua lại một phần dự án và nhận luôn một phần khoản nợ
Thứ trưởng Bộ GTVTNguyễn Ngọc Đông
Mới đây, Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) đã trình Đề án nhượng quyền khai thác (O&M) dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình. Theo VEC, với mục tiêu đến năm 2020 đầu tư xây dựng hơn 1.000 km đường cao tốc, trong bối cảnh nợ công tăng cao, việc huy động vốn khó khăn, thì nhượng quyền khai thác có thời hạn là phương thức huy động vốn hiệu quả. Tuy nhiên, việc nhượng quyền này chưa có tiền lệ tại VN, vì thế VEC đề nghị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ thí điểm giao VEC đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, năng lực trong vận hành, khai thác đường cao tốc. VEC và nhà đầu tư sẽ thành lập công ty để quản lý, vận hành dự án trên cơ sở vốn góp lần lượt là 29 – 71%. VEC đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, gồm cả bảo lãnh doanh thu tối thiểu, rủi ro về chuyển đổi ngoại tệ, tỷ giá.
Theo tính toán, nếu thời gian nhượng quyền kéo dài 30 năm, lợi nhuận kỳ vọng 14%, lãi vay ngân hàng 8,5%, giá trị nhượng quyền của cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình khoảng 9.171 tỉ đồng. Số tiền thu được, ngoài phần vốn góp, sẽ được VEC đầu tư vào 2 đoạn tuyến đường cao tốc bắc – nam là Ninh Bình – QL45 và QL45 – Nghi Sơn.
Sau cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, VEC sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án nhượng quyền khai thác cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây báo cáo Bộ GTVT trình Chính phủ. Nguồn vốn thu được từ nhượng quyền dự án này sẽ được đầu tư tiếp dự án cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu. Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV VEC, cho biết: “Nếu đề án được phê duyệt, có những cơ chế cụ thể, đặc biệt là bảo lãnh rủi ro, khi đó mới có thể đặt lên bàn làm việc với các nhà đầu tư”.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, hiện cũng có thêm nhà đầu tư Nhật ngỏ ý quan tâm dự án cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận, các dự án cao tốc đang được khai thác đều có sức hấp dẫn lớn nhờ lưu lượng khai thác tăng dần đều theo các năm, nhưng việc chuyển nhượng cho nhà đầu tư ngoại đang gặp khó vì cơ chế chưa ổn định.
“Các dự án cao tốc trong nước đều sử dụng vốn vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ, vì thế khi nhượng quyền khai thác, nhà đầu tư mua lại một phần dự án và nhận luôn một phần khoản nợ. Nhà đầu tư khi tham gia dự án sẽ phải cân nhắc khả năng sinh lợi và phương án trả nợ dự án. Về nguyên lý là mua cả nợ, vì thế khi chính thức nhượng quyền, bên bán phải có ý kiến đề nghị với Chính phủ để Chính phủ có ý kiến, thoả thuận với các nhà tài trợ thay đổi bên nhận nợ”, ông Đông cho biết. Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ đã kiến nghị Chính phủ xem xét chế độ bảo lãnh rủi ro cho một số dự án, có như thế nhà đầu tư mới yên tâm thực hiện.
Theo một chuyên gia trong ngành, việc nhượng quyền khai thác (O&M) như cách VEC hướng tới sẽ đảm bảo lợi ích cao hơn việc chỉ đơn thuần là nhượng quyền thu phí. Nhà đầu tư khi tham gia không chỉ thu phí mà phải đảm bảo vận hành, bảo trì, sửa chữa tuyến đường, ràng buộc trách nhiệm hơn.