29/11/2024

Ý lo ngại mafia trỗi dậy

Các công tố viên Ý lo ngại hàng loạt tên trùm, phần tử mafia mãn hạn tù sẽ tái hợp sau nhiều năm “im hơi lặng tiếng”.

 

Ý lo ngại mafia trỗi dậy

Các công tố viên Ý lo ngại hàng loạt tên trùm, phần tử mafia mãn hạn tù sẽ tái hợp sau nhiều năm “im hơi lặng tiếng”.



Cảnh sát phong toả hiện trường vụ trùm mafia Giuseppe Dainotti bị bắn chết ở PalermoREUTERS

Hoạt động của các băng nhóm mafia, nhất là ở vùng Sicily, trong những năm gần đây có phần giảm do chiến dịch truy quét liên tục của cảnh sát. Tuy nhiên, vụ án trùm mafia Giuseppe Dainotti bị bắn chết giữa ban ngày mới đây khiến giới chức Ý lo ngại về thời điểm đã được lựa chọn cẩn thận để đưa ra thông điệp rằng mafia sẽ trỗi dậy.
Cosa Nostra tái xuất
Vào ngày 22.5, hai người đàn ông chạy xe máy áp sát, bắn chết Dainotti trong lúc ông ta đang đạp xe tập thể dục trên con đường vắng vẻ ở Palermo, thủ phủ của Sicily. Dainotti (67 tuổi), từng là thủ lĩnh băng Cosa Nostra khét tiếng, được tại ngoại hồi năm 2014 sau khi ngồi tù gần hai thập niên, theo Reuters.
Bình luận về vụ án, công tố viên trưởng của Palermo, ông Francesco Lo Voi lưu ý Dainotti bị sát hại chỉ một ngày trước ngày tưởng niệm 25 năm thẩm phán chống mafia hàng đầu nước Ý Giovanni Falcone (1939 – 1992) bị ám sát. Ông Falcone cùng vợ và 3 cận vệ thiệt mạng trong vụ đánh bom ở Palermo vào ngày 23.5.1992. “Thời điểm gây án được lựa chọn kỹ lưỡng như để gửi thông điệp về sự tồn tại của mafia”, Reuters dẫn lời ông Lo Voi nói trong buổi họp báo.
Hiện vẫn chưa rõ động cơ, nhưng cảnh sát tình nghi đây là vụ thanh trừng đầu tiên kể từ năm 2010 ở Palermo. “Mafia ngày nay đang tìm kiếm lãnh đạo mới vào thời điểm nhiều thủ lĩnh cũ ra tù. Mối nguy hiểm là những tên trùm tại ngoại sẽ cố kêu gọi đàn em lập lại băng nhóm và thanh trừng lẫn nhau để tranh giành quyền lực và địa bàn”, Cảnh sát trưởng Palermo, ông Renato Cortese cho hay.
Từng là băng mafia khét tiếng ở Sicily và cả trên thế giới, Cosa Nostra trong vòng 20 năm qua bị teo tóp về số lượng thành viên do nhiều tay trùm lần lượt ăn cơm tù. Kể từ đó, ‘Ndrangheta lên ngôi và trở thành băng nhóm tội phạm có tổ chức nguy hiểm nhất nước Ý. Dù vậy, không ai ở Palermo tin rằng Cosa Nostra đang chết dần chết mòn. Mới đây, vào đêm 10.7, một số đối tượng đã đập phá bức tượng thẩm phán Falcone đặt trong một trường học và đốt biểu ngữ về ông tại Palermo. Trên Twitter, Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni chỉ trích đây là hành động phá hoại “hèn nhát” và cảnh sát vẫn chưa bắt được nghi phạm nào. Truyền thông Ý cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự trở lại của Cosa Nostra do ông Falcone từng hạ quyết tâm chống lại băng đảng này.
Ngựa quen đường cũ
Reuters dẫn lời các công tố viên Ý cho biết Cosa Nostra đang nỗ lực gầy dựng lực lượng hùng hậu như xưa, khởi đầu bằng cách tổ chức lại đường dây buôn bán ma tuý. “Trước đây, mafia kiếm nhiều tiền nhờ vào hoạt động bảo kê doanh nghiệp, nhưng do nền kinh tế khó khăn, chúng chuyển sang thói quen cũ, buôn ma t và vươn vòi đến những quốc gia lân cận ở châu Âu”, một công tố viên chống mafia giấu tên cho hay.
Chính phủ nhiều đời thủ tướng ở Ý đã tăng cường các biện pháp và ban hành hàng loạt đạo luật chống tội phạm có tổ chức kể từ vụ ám sát thẩm phán Falcone và Paolo Borsellino (bị ám sát trong cùng năm 1992). Kết quả là hàng trăm tên trùm cùng đàn em bị bắt trong vòng 25 năm qua. Trong đó có Salvatore “Toto” Riina, được mệnh danh là “trùm của những tên trùm”, người đã ra lệnh cho thuộc hạ ám sát thẩm phán Falcone và Borsellino. Ông trùm mafia Riina (86 tuổi) đang lâm bệnh nặng và có thể chết trong tù. Giới chức Ý lo ngại cái chết của Riina sẽ kích ngòi cuộc chiến tranh giành quyền lực đẫm máu của mafia.
Hôm 4.7, cảnh sát huy động lực lượng 1.000 người tiến hành chiến dịch truy quét mafia, bắt giữ gần 120 thành viên của băng ‘Ndrangheta ở vùng Calabria, theo trang tin The Local. Dù vậy, sau hơn ba lần thoát chết trước âm mưu ám sát của mafia, Thống đốc Sicily, ông Rosario Crocetta kết luận một cách bi quan: “Chúng ta không thể chiến thắng tuyệt đối bọn tội phạm có tổ chức, cũng giống như không bao giờ đánh bại được quỷ dữ”.

 

Phúc Duy