12/01/2025

‘Chống’ tiêm văcxin: Đừng để con sống phập phồng cả đời

Tham gia bàn câu chuyện về “Chống” tiêm văcxin có gây nguy hiểm?”, hai phụ huynh cho rằng họ đã chọn tiêm văcxin cho con vì đó là điều cần làm cho con mình và cả cộng đồng.

 

‘Chống’ tiêm văcxin: Đừng để con sống phập phồng cả đời

Tham gia bàn câu chuyện về “Chống” tiêm văcxin có gây nguy hiểm?”, hai phụ huynh cho rằng họ đã chọn tiêm văcxin cho con vì đó là điều cần làm cho con mình và cả cộng đồng.

 

 

 

'Chống' tiêm văcxin: Đừng để con sống phập phồng cả đời
Ông Viên Quang Mai, viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, xem vết tiêm chủng cho một trẻ em ở Ba Tơ, Quảng Ngãi – Ảnh: Lan Anh

Chúng tôi vẫn chọn tiêm văcxin 

Cách đây gần 20 năm, gia đình đồng nghiệp của chúng tôi gặp phải một tai nạn, hay nói cho đúng hơn là một tai hoạ. Đau đớn hơn nữa, tai hoạ đó lại đến từ việc mong muốn bảo vệ sức khỏe cho đứa con đầu, vốn được cả hai bên nội ngoại chăm sóc hết lòng.

Chuyện là sau khi tiêm một loại văcxin, cháu bị phản ứng nặng: sốt cao, co giật, động kinh và cuối cùng là di chứng chậm phát triển tinh thần vận động. Không ai có thể hình dung được hình hài đang nằm thoi thóp trên giường bệnh kia lại chính là đứa trẻ hiếu động, thông minh, khỏe mạnh.

Là bạn thân, chúng tôi thật sự đau xót trước tổn thất không gì bù đắp được của bạn đồng nghiệp. Bên cạnh đó, ai cũng hết sức lo lắng vì hầu hết đều đang có con nhỏ ở độ tuổi cần phải tiêm phòng.

 

Sau nhiều trăn trở nghĩ ngợi và bàn bạc suy tính, cuối cùng chúng tôi quyết định vẫn cho con đi tiêm phòng, không chỉ những bệnh nằm trong danh sách tiêm chủng mở rộng của chương trình quốc gia, mà còn cả những bệnh thường gặp khác. Khi người bạn đồng nghiệp có con thứ hai, gia đình bạn vẫn đưa cháu đi tiêm phòng đầy đủ.

Điều đó không có nghĩa là chúng tôi đem tính mạng của những người thân yêu ra cá cược trong một trò chơi may rủi của số phận. Không bậc cha mẹ nào lại có thể làm một việc phi nhân tính như thế, bất kể vì lý do gì.

Chúng tôi hiểu rất rõ rằng nguy cơ tai biến luôn hiện hữu khi sử dụng chế phẩm sinh phẩm, dù với một tỉ lệ thấp đến đâu chăng nữa thì vẫn đáng lo ngại. Và cũng không nên quy kết trách nhiệm về những tai biến này cho nhân viên y tế. Hầu hết tai biến đều liên quan ít nhiều đến chất lượng sinh phẩm và tùy thuộc phần lớn vào phản ứng từ hệ miễn dịch của từng cá nhân.

Tuy vậy, nếu cân nhắc kỹ, lợi ích từ việc tiêm văcxin để bảo vệ sức khỏe cho cả cá nhân lẫn cộng đồng vẫn lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ tai biến có thể xảy ra.

Cho đến nay, tất cả con cái của những bạn bè đồng lứa năm xưa của chúng tôi đều khỏe mạnh, chúng tôi hoàn toàn không có một băn khoăn gì về quyết định của mình khi ấy. Và chúng tôi sẽ vẫn quyết định tiêm chủng cho con cháu hoặc người thân khi cần thiết.

Các bậc phụ huynh trong hội anti văcxin có quyền chọn lựa và đưa ra quyết định cho gia đình mình nếu dựa trên những chứng cứ khoa học có sức thuyết phục, chứ không phải là những thông tin phi chính thống vốn đang lan tràn đầy trên môi trường mạng.

Chỉ xin có vài nhắn nhủ rất chân tình cùng các bạn: sự lựa chọn nào cũng có mặt trái của nó và đôi lúc chúng ta phải trả giá vì mặt trái đấy. Khổ thay, trong trường hợp này, con cái của chúng ta sẽ sống trong phập phồng suốt cả cuộc đời chỉ vì lựa chọn của chính chúng ta.

BS VÕ PHẠM TRỌNG NHÂN

Còn là trách nhiệm với cộng đồng

Con gái tôi đang du học bên Mỹ vừa gửi email báo là mới tiêm thêm 3 mũi văcxin hết 60 USD.

Từ nhỏ, tôi đã cho các con tiêm đầy đủ văcxin ngăn ngừa các chủng bệnh. Khi đi du học, các con tôi phải xuất trình giấy tờ chứng minh đã tiêm những loại văcxin nào. Những giấy tờ đó phải được dịch ra tiếng Anh và có dấu xác nhận của cơ quan dịch thuật. Nếu không có giấy tờ chứng minh đã tiêm văcxin thì sẽ phải tiêm chủng lại. Và chưa tiêm loại nào thì sẽ phải tiêm bổ sung. 

Lợi ích của văcxin là không thể phủ nhận được. Nhờ tiêm văcxin mà ngành y tế loại bỏ, ngăn ngừa và chống lây lan được một số bệnh nguy hiểm. Nếu “chống văcxin” thì ta lấy gì để phòng bệnh? Tiêm văcxin không chỉ là phòng bệnh cho bản thân, cho con em chúng ta, mà đó còn là trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

Chính vì vậy mà những nước phát triển như Mỹ không cho phép du học sinh nhập học nếu chưa tiêm chủng đủ các loại văcxin mà Mỹ quy định, trừ khi có giấy tờ chứng minh người đó bị dị ứng văcxin, đang điều trị ung thư hay bị suy giảm miễn dịch. 

Các vụ tai biến sau khi tiêm văcxin là có thật nhưng theo tôi, nếu không tiêm văcxin thì sẽ rất dễ xảy ra dịch bệnh và tỉ lệ trẻ tử vong vì lây nhiễm bệnh sẽ gia tăng trở lại. Việc làm cần thiết ở đây là các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ nguồn văcxin, nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng để tránh những trường hợp đáng tiếc.

PGS.TS Dương Thị Hồng (trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia):

Năm 2018: bắt đầu kiểm tra tiêm chủng…

Trong nghị định 104 về tiêm chủng có quy định kiểm tra tình trạng tiêm chủng của trẻ trước khi trẻ vào mầm non và tiểu học. Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện quy định này và hi vọng sẽ triển khai chính thức từ năm 2018, phối hợp cùng ngành giáo dục và có lộ trình thực hiện.

Việc kiểm tra như vậy đã được thực hiện ở nhiều nước tiên tiến và chúng tôi đã được học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế. Theo đó, kiểm tra sổ tiêm chủng xem cháu thiếu mũi văcxin nào thì đề nghị trạm y tế bổ sung cho cháu. Kiểm tra không phải để “chế tài”, mà để bổ sung mũi tiêm thiếu.

Có hai việc chúng tôi đã và đang chuẩn bị: xây dựng hướng dẫn chuẩn để hai ngành y tế và giáo dục thực hiện khi có trẻ thiếu mũi tiêm trước khi vào trường; chuẩn bị lượng văcxin và vật tư y tế bù cho các cháu thiếu mũi tiêm chủng. Hiện đã có một số nguồn tài trợ quốc tế hỗ trợ ban đầu về văcxin và vật tư bù cho các cháu thiếu mũi tiêm, sau khi có hướng dẫn chuẩn thì chúng tôi sẽ phối hợp với ngành giáo dục để triển khai bước đầu.

2-3 năm gần đây tỉ lệ tiêm chủng ở quy mô tỉnh đạt 95%, nhưng Chính phủ giao chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020 đạt trên 95% ở tuyến tỉnh, quan trọng hơn là tỉ lệ tiêm chủng ở quy mô huyện phải đạt trên 90%. Hiện nay có huyện đạt gần 100%, nhưng có huyện chỉ đạt trên 80%, thậm chí chỉ đạt trên 70%, có nguy cơ xảy ra dịch.

LAN ANH ghi

VI TRẦN (Bà Rịa – Vũng Tàu) – PHƯƠNG NGUYỄN ghi