28/11/2024

Chi 1.300 tỉ đồng xuất khẩu lao động kỹ thuật cao?

Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến cho đề án đưa 54.000 lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, nhiều nội dung của đề án này còn thiếu sức thuyết phục.

 

Chi 1.300 tỉ đồng xuất khẩu lao động kỹ thuật cao?

Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến cho đề án đưa 54.000 lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, nhiều nội dung của đề án này còn thiếu sức thuyết phục.



Nhiều ý kiến lo ngại xuất khẩu lao động ảnh hưởng nguồn lao động kỹ thuật chất lượng cao trong nước 	 /// Ảnh: T.Hằng

Nhiều ý kiến lo ngại xuất khẩu lao động ảnh hưởng nguồn lao động kỹ thuật chất lượng cao trong nướcẢNH: T.HẰNG

Không phải là đối tượng thất nghiệp ?
 
 
Chi 1.300 tỉ đồng xuất khẩu lao động kỹ thuật cao? - ảnh 1
Tiền hỗ trợ của Chính phủ cần dựa trên nhu cầu thực, để tránh tiêu tiền theo kiểu cứ có tiền ngân sách là có nhu cầu dự án
Chi 1.300 tỉ đồng xuất khẩu lao động kỹ thuật cao? - ảnh 2
 
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh,
nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT)
 

Mặc dù tên đề án là đưa lao động (LĐ) có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, nhưng lại chỉ đưa ra mục tiêu: đưa 54.000 LĐ tốt nghiệp ĐH, CĐ, trung cấp chưa tìm được việc làm đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), khiến nhiều người cho rằng đây là đề án hỗ trợ cho những người có trình độ cao bị thất nghiệp!

Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), giải thích: “Đề án không phải là đưa tất cả cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đi XKLĐ và cũng không đào tạo lại những LĐ ngành xã hội, sư phạm, ngoại ngữ, kinh tế… thất nghiệp để đi XKLĐ. Nhu cầu tuyển dụng LĐ phụ thuộc rất lớn vào các nước tiếp nhận. Do vậy, đề án này chỉ dành ưu tiên cho LĐ trong ngành kỹ thuật, dịch vụ”.
Các chuyên gia cho rằng hiện nguồn LĐ kỹ thuật chất lượng cao trong nước còn chưa đáp ứng đủ thì XKLĐ đối tượng này làm gì. Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội, cho rằng: “Hiện nay tỷ lệ thất nghiệp cao chủ yếu rơi vào sinh viên tốt nghiệp khối ngành xã hội và kinh tế. Ngay như ở trường tôi, tỷ lệ sinh viên khối ngành kỹ thuật ra trường có việc làm chiếm 80%, thậm chí có những em năm thứ 2 – 3 đã có doanh nghiệp (DN) đăng ký nhận. Nếu bây giờ XKLĐ nữa thì trong nước càng thiếu hụt nhân lực”.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách LĐ ra nước ngoài, cũng bày tỏ rằng LĐ ra nước ngoài làm việc sẽ được nâng cao tay nghề, sau này về đóng góp cho đất nước, nhưng nếu chúng ta đưa hàng vạn LĐ kỹ thuật cao đi nước ngoài sẽ tạo ra hiệu ứng thiếu hụt LĐ trong nước và gây khó khăn cho các DN trong nước.
Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch – Đầu tư), lại lo ngại về trình độ tay nghề của LĐ VN. Theo tiến sĩ Hồ, trên thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, trong khi LĐ của chúng ta chỉ ở mức 2.0. “Những kỹ sư giỏi ở VN, các tập đoàn nước ngoài đều đã “săn” từ khi còn trong trường ĐH. Còn lại LĐ trong nước không dùng được, không đạt chất lượng thì làm sao có thể XKLĐ?”.
Chi 1.300 tỉ đồng để làm gì?
Trước những băn khoăn về việc tại sao phải dự kiến chi 1.300 tỉ đồng để thực hiện đề án này, ông Tống Hải Nam khẳng định số tiền thực hiện đề án dự kiến là 1.300 tỉ đồng nhưng không phải tất cả đều lấy từ ngân sách và cũng không phải để chi cho đào tạo lại cử nhân thất nghiệp.
“Ngân sách nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho các chính sách và cơ chế. Chúng tôi tính toán kinh phí này dành để mở thị trường, phát triển thị trường, hỗ trợ các trường nghề nhập module, chuyển giao kỹ thuật từ nước ngoài, hỗ trợ LĐ vay vốn đi XKLĐ… Nếu DN và trường nghề tham gia vào đề án này sẽ được vay vốn ưu đãi để xây dựng cơ sở vật chất”, ông Hải Nam nói.
Tuy nhiên theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nếu đề án hướng tới việc đào tạo LĐ kỹ thuật chất lượng cao để XKLĐ (mà không phải đối tượng là những người được đào tạo trình độ cao hiện đang thất nghiệp – NV) thì mới đây Chính phủ đã có đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20.6.2017 về phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp – việc làm và an toàn lao động 2016 – 2020. Mục tiêu đến năm 2020 ghi rõ: Đề án góp phần thực hiện mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp cho khoảng 1,35 triệu người (trong đó khoảng 5% đạt ở các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập.
Đặc biệt, để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường nghề theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23.5.2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Quyết định của Thủ tướng chỉ rõ: “Hỗ trợ đào tạo trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ và ngành nghề đặc thù cho khoảng 8.800 LĐ để đưa khoảng 6.200 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.
Chưa kể, thời gian qua, nhà nước đã đầu tư nhiều tỉ đồng để nhập khẩu chương trình đào tạo nghề nước ngoài, đào tạo giáo viên, đầu tư trang thiết bị ở các cấp độ. Các DN tuyển dụng LĐ ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức cũng bỏ tiền ra để hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng cho LĐ VN… “Tiền hỗ trợ của Chính phủ cần dựa trên nhu cầu thực, để tránh tiêu tiền theo kiểu cứ có tiền ngân sách là có nhu cầu dự án. Bộ LĐ-TB-XH cần có sự rà soát, tránh lãng phí do đầu tư “kép” và phải có giải pháp khai thác hiệu quả đồng vốn này để khỏi thất thoát… kép”, ông Vinh đề nghị.
Theo ông Vinh, thực tế thị trường LĐ cho thấy khi chất lượng LĐ tốt, giá cả hợp lý thì không cần tô vẽ để quảng bá, DN nước ngoài và trong nước cũng tranh nhau tuyển dụng mà chẳng cần có sự hỗ trợ vốn từ nhà nước. Do vậy, đề án cần hạn chế tối đa nguồn ngân sách công, mà phải huy động DN trong nước và nước ngoài, cũng như người LĐ chia sẻ gánh nặng tài chính, đảm bảo công bằng xã hội cho cả những người chưa có cơ hội ra nước ngoài làm việc.
Dự thảo đề án đưa LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2025, có tổng kinh phí thực hiện hơn 1.300 tỉ đồng.
Giai đoạn 1 (năm 2018 – 2020) dự kiến đưa 14.700 LĐ đi Đức trong các ngành điều dưỡng, hộ lý, kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ vật lý, sinh học; 1.500 LĐ là điều dưỡng, kỹ sư công nghệ thông tin, cơ khí sang Nhật Bản; 1.800 LĐ là kỹ sư các ngành cơ khí, hàn, công nghệ thông tin, điện tử và nhóm nghề dịch vụ gồm đầu bếp, khách sạn nhà hàng là 150 người sang Hàn Quốc.
Giai đoạn 2 (năm 2021 – 2025), tiếp tục đưa hơn 39.000 LĐ đi làm việc tại 3 nước trên và mở rộng sang các ngành kỹ sư công nghệ sinh học, cơ khí chính xác, thuyền viên hàng hải. Ngoài ra, mở rộng thêm các thị trường như ASEAN, UAE ở các ngành dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, phục vụ khách sạn – nhà hàng, cơ khí, xây dựng.


 

Thu Hằng