Toà án Xanh quốc gia Ấn Độ ban hành lệnh cấm đổ rác và xả thải xuống sông Hằng trong nỗ lực bảo vệ dòng sông linh thiêng này.
Ấn Độ cấm xả thải xuống sông Hằng
Toà án Xanh quốc gia Ấn Độ ban hành lệnh cấm đổ rác và xả thải xuống sông Hằng trong nỗ lực bảo vệ dòng sông linh thiêng này.
Tòa án Xanh quốc gia Ấn Độ (NGT) hôm qua ban hành lệnh cấm đổ rác và xả mọi loại chất thải trong khu vực 500 m tính từ bờ sông Hằng và các nhánh phụ lưu đoạn từ TP.Haridwar (bang Uttarakhand) đến TP.Unnao (bang Uttar Pradesh) dài 500 km. Bên cạnh đó, những dự án và hoạt động phát triển công nghiệp nằm trong khu vực cách 100 m tính từ bờ sông cũng bị cấm nhằm tạo ra một “vùng đệm xanh” dọc theo con sông, theo tờ Hindustan Times. NGT là tòa án đặc biệt được thành lập theo đạo luật năm 2010 nhằm giải quyết các vụ việc, vấn đề nóng bỏng liên quan đến môi trường.
Theo báo mạng IBTimes, quân đội Ấn Độ vừa triển khai thêm 2.500 binh sĩ đến khu vực Sikkim ở ngã ba biên giới với Bhutan và Trung Quốc để tăng cường khả năng ứng phó trong trường hợp nổ ra xung đột.
Sông Hằng, một trong những con sông nổi tiếng nhất thế giới, bắt nguồn từ dãy Himalaya, chảy theo hướng đông nam rồi đổ ra vịnh Bengal. Ở đầu nguồn, nước rất trong nhưng khi chảy qua nhiều thành phố, những vùng công nghiệp…, dòng sông gắn liền với sự phát triển và đời sống tâm linh của Ấn Độ trở nên ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, hóa chất. Theo Reuters, có đến 4.800 triệu lít nước thải được đổ trực tiếp xuống dòng sông này mỗi ngày nhưng chưa đầy 1/4 trong số đó qua khâu xử lý. Nhiều đoạn, nước sông chuyển sang màu đỏ đục và có lớp váng bọt nổi lềnh bềnh.
Trong phán quyết dài 543 trang, NGT còn cấm vứt chất thải rắn, rác điện tử, chất thải y tế ra những bãi bồi hoặc thẳng xuống sông. Những trường hợp vi phạm có thể bị phạt cao nhất là 100.000 rupee (khoảng 35 triệu đồng). Bên cạnh đó, tòa án còn yêu cầu chính quyền bang Uttar Pradesh nạo vét 86 cống thoát nước chính dẫn ra sông Hằng. Hàng trăm xưởng sản xuất da thuộc dọc bờ sông tại TP.Kanpur (bang Uttar Pradesh) sẽ phải di dời đến những địa điểm thích hợp hơn trong vòng 6 tuần. Đồng thời, toàn bộ đường cống dẫn nước sẽ được quy hoạch lại và dẫn đến những cơ sở xử lý trước khi đổ ra sông. Quá trình này được quy định phải hoàn tất trong 2 năm. Ngoài ra, chính quyền 2 bang Uttarakhand và Uttar Pradesh được yêu cầu ban hành những hướng dẫn rõ ràng về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân dọc 2 bên bờ sông để bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường. Các uỷ ban thực thi và giám sát sẽ được thành lập với đại diện từ nhiều bộ ngành để đưa ra kế hoạch hành động trong vòng 2 tuần tới.
Phán quyết quy mô lớn của NGT được đưa ra sau nhiều nỗ lực thất bại trong việc hồi sinh dòng sông linh thiêng. Từ năm 1986, các đời chính phủ Ấn Độ đã chi hàng trăm triệu USD nhằm làm sạch sông Hằng và những nhánh phụ nhưng chất lượng nước vẫn chưa thực sự cải thiện. Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi từng cam kết xây dựng thêm các cơ sở xử lý nước thải và di dời hơn 400 xưởng thuộc da khỏi khu vực gần sông, nhưng kế hoạch này bị đánh giá là chậm tiến độ nghiêm trọng.