Tranh cãi khái niệm hàng Việt
Các chuỗi bán lẻ ngoại ngày càng mở rộng quy mô tại VN, mang theo hàng hoá nước sở tại “chảy” khắp các ngõ ngách thị trường nội địa.
Tranh cãi khái niệm hàng Việt
Các chuỗi bán lẻ ngoại ngày càng mở rộng quy mô tại VN, mang theo hàng hoá nước sở tại “chảy” khắp các ngõ ngách thị trường nội địa. Thế nhưng thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho thấy, hàng Việt vẫn đang chiếm từ 70 – 80% trong các kênh bán lẻ hiện đại khiến các tranh luận xoay quanh chủ đề “thế nào là hàng Việt” đã được khơi lại.
Con số làm đẹp báo cáo
Theo quan điểm của Bộ Công thương lâu nay, hàng hoá của doanh nghiệp (DN) trong nước hay DN đầu tư nước ngoài nếu được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ VN đều được tính trong “rổ” hàng VN. Như vậy, sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia như: Samsung, Unilever, P&G, Pepsi, Coca Cola… hay một số thương hiệu Việt đã bán cho DN ngoại như Kinh Đô, X-Man, Bibica… đều được coi là hàng Việt.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng VN chất lượng cao, nói thẳng con số tỷ lệ hàng Việt chỉ giúp làm đẹp báo cáo nhưng là nhầm lẫn trong khái niệm về hàng Việt. Đưa ra tiêu chí hàng Việt có hai khía cạnh cần xem xét. Thứ nhất là một thương hiệu quốc tế, được sản xuất tại VN, sử dụng mọi nhân công, thậm chí cả nguyên vật liệu của VN, đăng ký là hàng VN chất lượng cao nhưng đó vẫn là một thương hiệu quốc tế. Bởi nếu một ngày đẹp trời, họ “nhổ neo” rời VN, đến đóng xưởng tại một đất nước khác, không lẽ chúng ta lại coi như… sụt giảm hàng Việt trong siêu thị? Thứ hai, như thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô, lâu nay là hàng VN chất lượng cao. Sau khi được bán cho đối tác ngoại, họ chủ động không đăng ký là hàng VN chất lượng cao nữa, tức họ đã hiểu thương hiệu Kinh Đô nay đã là thương hiệu ngoại. Thế nhưng, khi thống kê báo cáo từ các sở công thương, UBND các tỉnh thành, chúng ta đều xếp chung những nhãn hàng có xuất xứ tại VN vào cái “rổ” hàng Việt và lấy đó làm thành tích rằng cuộc vận động người Việt xài hàng Việt có hiệu quả. DN không ủng hộ cũng không bài bác, nhưng về lâu dài gây thiệt hại lớn cho DN thuần Việt và cho cả những nhà làm chính sách.
Bà Vũ Kim Hạnh phân tích, nếu nói cùng xuất xứ trong nước đều là hàng Việt sẽ thiệt thòi cho chính DN nội đang nỗ lực xây dựng thương hiệu và cạnh tranh với hàng của các tập đoàn đa quốc gia. “Cách đây 1 năm, một lãnh đạo cao cấp trong tập đoàn đa quốc gia tiết lộ cho tôi hay là khi một siêu thị bán lẻ được mở ra, họ tài trợ ngay 5 tỉ đồng để được ưu tiên thiết kế, bày hàng trên các quầy kệ ở vị trí đẹp nhất. Và thường sau 1 năm họ lấy lại số tiền đầu tư ban đầu đó. DN nội nhỏ, không có chi phí marketing nên cùng mặt hàng, cùng đưa vào siêu thị nhưng bị xếp ở vị trí dưới thấp, khuất tầm nhìn, không ai mua. Lâu dần sẽ bị “rớt” xuống đất, bị “đá” ra khỏi siêu thị hồi nào không hay”, bà Hạnh nói.
PGS-TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, gay gắt: “Ta không chết vì đói, vì yếu kém mà đôi khi dễ chết vì thói thành tích, thiếu khách quan, thiếu thực tế. Tôi rất nghi ngờ tỷ lệ khảo sát này. Cả nước có gần 750 siêu thị, chưa tính những siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi mọc lên như nấm, liệu con số thống kê này đã được khảo sát hết hệ thống bán lẻ hiện đại chưa? Các mặt hàng được điều tra là hàng nào? Mỗi ngành hàng có hàng triệu sản phẩm; mỗi thị trường đều cho ra những con số khác nhau, không thể đánh đồng vào một cái rổ để chia bình quân được. Như vậy tạo nên nhầm lẫn tai hại”.
Hàng Việt chỉ chiếm 40 – 50%
Như vậy, có bao nhiêu phần trăm hàng thuần Việt được bán tại các kênh bán lẻ hiện đại? Bà Vũ Kim Hạnh nói ngay: “Tôi tin là nếu trừ ra hết những nhãn hàng đang được sản xuất trong nước như: bánh kẹo, thực phẩm tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, sữa, bia, nước giải khát… của các tập đoàn đa quốc gia hoặc mới được bán cho nhà đầu tư ngoại gần đây, không biết hàng Việt có còn được 40% không nữa. Luật đầu tư không phân biệt sản phẩm nước rửa chén Sunlight (của thương hiệu quốc tế Unilever) và Mỹ Hảo (thương hiệu Việt) khác nhau thế nào, nhưng với người tiêu dùng phải rõ ràng. Có những DN đa quốc gia không nhận mình là hàng Việt, khi thống kê, chúng ta nên trừ ra”.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cũng không đồng tình với khái niệm hàng Việt do Bộ Công thương đưa ra và đề nghị nên căn cứ vào mỗi mặt hàng có trong siêu thị để thống kê chứ không nên nói chung chung. “Một số mặt hàng nông sản như gạo, rau tươi, bưởi, xoài, dưa hấu, cà chua… có thể chiếm 80 – 90% trong siêu thị, nhưng các mặt hàng như hoá mỹ phẩm, điện tử thì hàng Việt có mấy phần trăm, giỏi lắm chỉ 5 – 10%? Đa số là hàng của các tập đoàn đến từ các nước: Mỹ, Đức, Nhật, Hàn, Thái Lan… Rồi hàng thực phẩm chế biến, toàn hàng nhập khẩu và của các công ty nước ngoài đặt nhà máy tại VN, hàng Việt ước chưa tới 40%. Nếu chia bình quân hết thì hàng Việt trong kênh bán lẻ hiện đại tầm trên dưới 50% là cao”.
Theo ông Nam, cách “định nghĩa” về hàng Việt cần phải xem xét lại. Hàng hóa của công ty nước ngoài, xuất xứ ở đâu, đóng gói ở đâu… phải ghi rõ trên nhãn mác. Bởi khi đưa ra con số thiếu chính xác, lại được coi như cơ sở để các nhà làm chính sách tham khảo là vô cùng tai hại.
Bà Vũ Kim Hạnh cũng góp ý, làm chính sách phát triển hàng Việt không thể “mơ mộng” bảo các siêu thị trong nước phải ưu tiên bán hàng Việt, bởi các siêu thị cần phải kinh doanh để đóng thuế, trả lương nhân viên và để sống. Giả sử siêu thị ủng hộ mua hàng nội nhưng chiết khấu của hàng ngoại cao gấp mấy lần, nhãn hàng đó lại thống soái trên thị trường. Nếu siêu thị bỏ bê hàng hàng hoá của các tập đoàn đa quốc gia này sẽ sụt giảm doanh số ngay. Nên khuyến khích hay “ép” siêu thị nội ưu tiên bán hàng nội là cách làm từ ngọn.
Theo các chuyên gia, chính sách với DN cần hỗ trợ từ gốc. Đó là làm thương hiệu thế nào, tìm mua nguồn nguyên liệu sạch ở đâu… để giúp DN đứng vững trên chính đôi chân của mình chứ không nên đưa ra những con số thống kê dễ gây nhầm cho Chính phủ và cả người tiêu dùng.
Nguyên Nga