Điểm sàn 15,5: không thiếu nguồn tuyển
Sáng 12-7, Bộ GD-ĐT đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2017 (hay còn gọi là điểm sàn ĐH), với mức điểm 15,5 cho tất cả các tổ hợp xét tuyển, tăng 0,5 điểm so với năm trước.
Điểm sàn 15,5: không thiếu nguồn tuyển
Sáng 12-7, Bộ GD-ĐT đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2017 (hay còn gọi là điểm sàn ĐH), với mức điểm 15,5 cho tất cả các tổ hợp xét tuyển, tăng 0,5 điểm so với năm trước.
Thí sinh làm thủ tục trước giờ thi bài thi tổ hợp KHTN trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, tại điểm thi Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, Q.5, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG |
85 trường tuyển đủ 100%
Theo số liệu phân tích của Bộ GD-ĐT, với mức điểm sàn 15,5, trong đợt 1 sẽ có 85 trường có thể đạt chỉ tiêu tuyển sinh 100%, 66 trường đạt chỉ tiêu từ 80-99%, 83 trường đạt chỉ tiêu từ 40-79%. Tất cả các trường trên cả nước có thể tuyển sinh đạt 83% trong đợt 1.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định các trường ĐH không thiếu nguồn tuyển. Điểm sàn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển sinh trong đợt 1. “Theo tính toán, nếu điểm sàn 18 điểm thì đợt 1 tuyển sinh được 74% tổng chỉ tiêu. Nếu điểm sàn là 13 điểm, đợt 1 tuyển được 87% tổng chỉ tiêu” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga phân tích.
Tuy nhiên ông Ga cũng cho rằng việc không thiếu nguồn tuyển chỉ là tính toán trên các dữ liệu về điểm thi, chỉ tiêu. Còn thực tế, tình trạng thiếu nguồn tuyển vẫn có thể xảy ra, vì có thể thí sinh đạt mức điểm trên sàn không muốn di chuyển giữa các vùng miền. Thậm chí, có nhiều thí sinh đạt điểm cao hơn điểm sàn 2-3 điểm, thừa điểm so với điểm chuẩn của một số trường, nhưng vẫn không muốn nhập học nếu như các trường này không có sức hút, không có các ngành đào tạo mà thí sinh mong muốn.
TS Nguyễn Đức Nghĩa – phó giám đốc ĐHQG TP.HCM – nhận định: rất nhiều trường tuyển sinh trong đợt 1 có thể sẽ xác định điểm chuẩn khoảng 18 điểm trở lên và điểm sàn không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường này. “Phạm vi ảnh hưởng của điểm sàn chỉ rơi vào các trường ngoài công lập, một số trường công lập tại các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường có đề án tuyển sinh riêng, lựa chọn phương thức xét học bạ, nên việc khan hiếm nguồn tuyển sẽ không phải là vấn đề lớn như trước đây” – TS Nguyễn Đức Nghĩa giải thích.
Nguồn: Bộ GD-ĐT – Đồ hoạ: VĨ CƯỜNG |
Nhiều trường nói “mức điểm hợp lý”
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM – cho biết nhà trường sẽ công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển trong vài ngày tới. Dự kiến, điểm nhận hồ sơ xét tuyển các ngành từ 18 đến 21 điểm. Tuy nhiên, ông Khôi cho rằng do năm nay thí sinh không bị hạn chế nguyện vọng đăng ký xét tuyển nên điểm sàn các trường không còn ý nghĩa.
Còn TS Mỵ Giang Sơn – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn – cho rằng điểm sàn mà Bộ GD-ĐT công bố là hợp lý, vì điểm trung bình của các môn thi năm nay đều nhỉnh hơn năm ngoái. Với điểm sàn này, ông Sơn cho biết nhà trường không lo nguồn tuyển và dự kiến sẽ kết thúc tuyển sinh ngay trong đợt tuyển đầu tiên.
Tương tự, TS Nguyễn Quốc Anh – phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – cũng nhận định với phổ điểm của thí sinh đã được Bộ GD-ĐT công bố thì mức điểm sàn 15,5 điểm là hợp lý. Đồng thời, ông Quốc Anh cũng đưa ra dự báo điểm chuẩn các khối ngành sẽ tăng từ 1-3 điểm.
Tuy nhiên, với số lượng thí sinh đăng ký dự thi giảm hơn năm ngoái khoảng 5%, trong khi chỉ tiêu của các trường lại tăng hơn 10% so với năm 2016, theo ông Quốc Anh: “Dù điểm cao hơn nhưng số lượng thí sinh giảm có nghĩa là nguồn tuyển giảm đi. Vì vậy, mức điểm sàn 15,5 là vừa phải, tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập có được nguồn tuyển ổn định”.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Phước Đại, trưởng phòng đào tạo – nghiên cứu khoa học Trường ĐH Ngoại ngữ – tin học TP.HCM, cũng cho rằng mức điểm sàn Bộ GD-ĐT vừa công bố phù hợp cho hầu hết các trường, kể cả trường ngoài công lập. Trước mắt, nhà trường đã thông báo: điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển cho tất cả các ngành bằng điểm sàn của bộ.
Lo lắng thí sinh “ảo” Dù cho rằng mức điểm sàn và số dư nguồn tuyển Bộ GD-ĐT vừa công bố sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các trường ngoài công lập, nhưng ThS Võ Văn Tuấn – phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang – vẫn lo lắng vấn đề thí sinh ảo. “Với mức điểm sàn này, căn cứ chỉ tiêu từng ngành của trường, chúng tôi sẽ tuyển đủ, nhưng hiện vẫn chưa biết sẽ lọc ảo và gọi thí sinh trúng tuyển thế nào cho hợp lý. Trường có tham gia nhóm xét tuyển phía Nam, nhưng đến nay chỉ chạy thử trên dữ liệu giả. Hi vọng khi có dữ liệu chính thức từ bộ, các trường mới yên tâm lọc ảo và tuyển đủ chỉ tiêu” – ông Tuấn nói. |
Các trường CĐ thêm cơ hội TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cũng cân nhắc phương án giữ nguyên mức điểm sàn như năm 2016 là 15 điểm với tất cả các khối thi, vì kết quả thi của thí sinh tuy có nhỉnh hơn, nhưng về tổng quan không phải là con số đột biến. Tuy nhiên sau khi xem xét, hội đồng xác định mức 15,5 điểm. Mức này chỉ cao hơn năm trước 0,5 điểm, không ảnh hưởng tới phần lớn các trường ĐH, nhưng lại có thêm cơ hội cho khối trường CĐ tuyển sinh. |