Các trường tốp trên điểm chuẩn sẽ tăng
Ngày 12.7, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH hệ chính quy.
Các trường tốp trên điểm chuẩn sẽ tăng
Ngày 12.7, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH hệ chính quy.
Theo đó, mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) xét tuyển ĐH đối với thí sinh thi THPT quốc gia là 15,5 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi.
Mức điểm này dành cho học sinh THPT ở khu vực 3 (chưa tính điểm ưu tiên). Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, nếu căn cứ vào nguyện vọng (NV) mà thí sinh (TS) đã đăng ký hồi tháng 4 và kết quả điểm thi năm nay, sẽ có nhiều trường ĐH tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1, số chỉ tiêu mà tất cả các trường tuyển được sẽ là 83% so với tổng chỉ tiêu.
TIN LIÊN QUAN
Tư vấn truyền hình trực tuyến: Điểm sàn và sự lựa chọn của thí sinh
* Điểm sàn xét tuyển vào ĐH tất cả các tổ hợp là 15,5 điểm. Trong ngày 12.7, Báo Thanh Niên sẽ tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề ‘Điểm sàn và sự lựa chọn của thí sinh’.
Nguồn tuyển cao gấp 1,61 lần so với chỉ tiêu
Theo Bộ GD-ĐT, khối A (toán, lý, hoá) có mức điểm trung bình là 18,38 và số TS đạt từ 15,5 điểm trở lên là 272.130 lượt, khối A1 (toán, lý, Anh) 17,86 điểm với 251.437 lượt TS, khối B (toán, hoá, sinh) 17,72 điểm với 254.008 lượt TS, khối C (văn, sử, địa) 18,66 điểm với 233.909 lượt TS, khối D (toán, văn, ngoại ngữ) 17,51 điểm với 403.404 lượt TS.
Trong đó, khối D có số lượng TS đạt trên sàn cao, do đây là 3 môn bắt buộc, hầu như tất cả TS đều dự thi nhưng tổng số NV xét tuyển vào khối D chỉ khoảng 24%. Trong khi đó khối A có tổng số NV đăng ký xét tuyển gần 35%. Tuy nhiên, trên đây chỉ là số liệu chưa lọc TS trùng, nghĩa là một TS có thể có tên trong nhiều khối thi. Do đó, nếu chỉ dựa vào phổ điểm để xác định số lượng TS trên điểm sàn thì số lượng TS ảo sẽ lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ năm nào trước đây. Vì thế, hội đồng điểm sàn đã phải lọc TS trùng để đảm bảo con số tương đối sát thực tế về nguồn tuyển cho các trường trong năm nay. Kết quả lọc cho thấy số TS đạt từ điểm sàn (15,5) trở lên là 535.798, trong khi tổng chỉ tiêu là 332.496. Như vậy hệ số dôi dư là 1,61.
Ông Bùi Văn Ga lưu ý, dù nguồn tuyển dồi dào với hệ số dư lớn nhưng không phải tất cả những TS đạt từ điểm sàn trở lên đều đăng ký xét tuyển vào trường phù hợp với điểm thi của mình, vì thế không phải mặc nhiên tất cả các trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu. Đó là chưa kể nhiều TS trúng tuyển nhưng không nhập học. Rồi TS có điểm cao ở các tỉnh dồn về TP lớn, trong khi TS điểm thấp ở TP lớn không di chuyển về các trường ĐH địa phương. Thực tế hiện nay có nhiều trường/ngành có số lượng TS đăng ký rất thấp so với chỉ tiêu. “Do đó, năm nào tổng nguồn tuyển cũng lớn hơn so với chỉ tiêu nhưng các trường vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu”, ông Ga nói.
TIN LIÊN QUAN
2 trường ĐH đầu tiên công bố điểm sàn xét tuyển
Sáng nay (12.7), ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển vào trường.
90 trường lớn sẽ tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt đầu
Trao đổi với Thanh Niên, sau cuộc họp công bố điểm sàn, ông Bùi Văn Ga cho biết trước khi hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2017 họp, Bộ đã chạy thử phần mềm xét tuyển trên cơ sở dữ liệu mà TS đăng ký khi dự thi với kết quả thi hiện nay, và nhiều mức điểm sàn giả định khác nhau. Với mức 15,5 điểm thì khoảng 90 trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt đầu tiên. Tổng TS trúng tuyển ngay đợt 1 là 83%. Dự báo này phù hợp với những năm trước, kể cả những năm tuyển sinh theo phương thức “3 chung” (tỷ lệ tuyển sinh đợt 1 nằm trong khoảng 75 – 85%).
“Tuy nhiên, đó là với những NV mà TS đăng ký trước khi thi. Sắp tới sẽ có một đợt TS điều chỉnh NV nữa, các dữ liệu chắc chắn sẽ biến đổi. Nhưng tôi nghĩ tình hình chắc cũng sẽ không thay đổi gì nhiều. Điểm năm nay gọi là có nhích lên, nhưng chỉ một tí thôi. Cho nên, những trường ở tốp giữa cũng sẽ không thay đổi điểm chuẩn nhiều lắm. Các trường tốp trên điểm có thể sẽ nhích lên. Các TS đăng ký trước đây đã có chiến lược phù hợp rồi, giờ không cần thay đổi NV. Trong trường hợp kết quả thi của TS lệch quá xa thì mới điều chỉnh để khả năng trúng tuyển tốt hơn. TS không nên cho rằng tất cả cần phải thay đổi NV”, ông Ga nói.
TIN LIÊN QUAN
Điểm sàn xét tuyển ĐH Công nghệ và ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM
Sáng 12.7, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM công bố điểm sàn xét tuyển với phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia.
Ông Ga cũng cung cấp thông tin: “Năm nay các trường có thể sử dụng nhiều tổ hợp xét tuyển cho mỗi ngành nên không phân rõ chỉ tiêu cho từng tổ hợp. Khi chạy phần mềm xét tuyển trên cơ sở dữ liệu, TS đã đăng ký với mức điểm sàn 15,5, có thể phân loại chỉ tiêu trúng tuyển các khối truyền thống như sau: A: 36%; A1: 12%; B: 12%; C: 10%; D: 23%. Còn lại là năng khiếu và các khối khác. Tỷ lệ trúng tuyển vào các khối sẽ có sự thay đổi sau khi TS điều chỉnh đăng ký xét tuyển”.
Số lượng đăng ký xét tuyển khối A cao nhất
Theo Bộ GD-ĐT, năm nay cả nước có 865.975 TS dự thi. Số TS đăng ký sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH là 640.425. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu ĐH xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 332.496. Số lượng đăng ký xét tuyển hiện nay là: khối A: 883.768 (chiếm 34,59%); A1: 286.760 (11,22%); B: 282.984 (11,08%); C: 277.722 (10,87%); D: 608.632 (23,82%).
|
Quý Hiên