Một năm sau phán quyết về Biển Đông: Không thể chống lại luật pháp quốc tế
“Dù muốn hay không và dù không công nhận, Trung Quốc cũng phải nhận ra rằng phán quyết sẽ nằm đấy chờ thực thi và trở thành một “án lệ” quốc tế trong tương lai.”
Một năm sau phán quyết về Biển Đông: Không thể chống lại luật pháp quốc tế
“Dù muốn hay không và dù không công nhận, Trung Quốc cũng phải nhận ra rằng phán quyết sẽ nằm đấy chờ thực thi và trở thành một “án lệ” quốc tế trong tương lai.”
Ngày 12.7.2016, Toà trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” dựa trên cái gọi là quyền lịch sử của Trung Quốc, sau khi Philippines kiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Một năm trôi qua, tình hình Biển Đông có nhiều chuyển động mới.
Trong một năm qua, dù được đánh giá là thắng kiện nhưng chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại ít nhắc đến phán quyết của toà, thay vào đó chọn cách tiếp cận ngoại giao gần gũi hơn với Bắc Kinh. Tờ Inquirer dẫn lời phát ngôn viên tổng thống Ernesto Abella ngày 11.7 tuyên bố: “Một năm sau phán quyết, Philippines và Trung Quốc giờ đây đang đối thoại. Hồi tháng 5, hai bên đã tiến hành cuộc tham vấn song phương đầu tiên về tranh chấp và cùng cam kết hợp tác tìm cách tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau về vấn đề này”.
Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Trần Nam Tiến, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu biển và đảo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng phán quyết của Toà trọng tài thường trực (PCA) có ý nghĩa quan trọng đối với giải quyết tranh chấp ở Biển Đông về pháp lý lẫn thực tiễn.
TIN LIÊN QUAN
Biển Đông trong đối thoại Shangri-La
Một số chuyên gia tham dự Đối thoại Shangri-La vừa qua tại Singapore đã đưa chia sẻ các nhận định với Thanh Niên về vấn đề Biển Đông xung quanh thông điệp của Mỹ và Úc, cũng như diễn biến thực tế.
Chuyển động mới
Tuy nhiên, theo PGS-TS Trần Nam Tiến, diễn biến Biển Đông sau một năm dường như diễn ra không như trông đợi. “Nhiều chuyên gia dự báo về sự chuyển biến rõ rệt ở Biển Đông, trong đó yếu tố pháp lý được thực thi để các bên tuân thủ. Thế nhưng phán quyết chủ yếu là cơ sở để giải thích và làm rõ các yêu cầu của Philippines, khi áp vào thực tiễn với Trung Quốc lại rất khó khăn và không có chế tài xử lý. Philippines đã có động thái triển khai cụ thể nhưng hoàn toàn khiến thế giới bất ngờ khi họ dựa vào phán quyết này để thỏa thuận riêng với Trung Quốc, trên cơ sở đó giải quyết một số quyền lợi trực tiếp. Các cuộc tiếp xúc và thoả thuận giữa Manila và Bắc Kinh sẽ làm cho tình hình Biển Đông có những phức tạp và khó lường mới”, ông nhận định và nhấn mạnh thêm: “Về phần mình, Trung Quốc không chỉ bác bỏ phán quyết, mà còn gia tăng hành động gây lo ngại trên Biển Đông. Tham vọng của Bắc Kinh vẫn không thay đổi, mà họ chỉ cố gắng tìm cách né tránh nhắc đến phán quyết, đồng thời sử dụng biện pháp ngoại giao để gia tăng ảnh hưởng khiến các nước trong khu vực không tận dụng cơ hội này để gây sức ép cho mình”.
Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, Chủ tịch Hội Khoa học – kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM, lại cho rằng tình hình Biển Đông sau phán quyết đã bớt căng thẳng hơn do chuyển biến chính sách của các nước liên quan. Theo ông, Trung Quốc dù tăng cường lực lượng hải quân, phòng không, nhưng nhìn chung hành vi không còn “quá quắt” như trước. “Bản thân họ cũng không dám công khai chuyện quân sự hoá ở Biển Đông mà chỉ nói là phục vụ mục đích dân sự”, ông nhận định.
Tương tự, PGS-TS Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo VN, đánh giá Biển Đông đã “lặng sóng” hơn. “Từ chỗ rất xác quyết đối với các vấn đề liên quan tới yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc đã thay đổi cách tiếp cận. Dù muốn hay không và dù không công nhận, Trung Quốc cũng phải nhận ra rằng phán quyết sẽ nằm đấy chờ thực thi và trở thành một “án lệ” quốc tế trong tương lai. Vì vậy, Trung Quốc không thể ra mặt chống lại luật pháp quốc tế, vi phạm phán quyết một cách thô bạo. Nếu làm như vậy, Trung Quốc sẽ mất đi hình ảnh cùng rất nhiều quyền lợi của mình, bao gồm vai trò của nước này trên trường quốc tế”, PGS-TS Vũ Thanh Ca trả lời Thanh Niên.
TIN LIÊN QUAN
Toà trọng tài thường trực ngày 12.7 ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò và cái gọi là “căn cứ lịch sử” của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Phá sản mưu đồ
Liên quan đến tình trạng quân sự hoá trên Biển Đông, Vụ trưởng Vũ Thanh Ca cho rằng phán quyết chắc chắn không làm Trung Quốc dừng các hành động phi pháp, thậm chí sẽ tiếp tục nâng cấp các đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Tuy nhiên, theo ông, Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc rất kỹ vì trong thế giới ngày nay chân lý không nhất thiết thuộc về kẻ mạnh. “Với phán quyết của PCA, chiến lược “tằm ăn lá dâu”, từng bước hợp thức hoá các quyền trong “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã phá sản hoàn toàn. Nỗ lực quân sự hóa các đảo nhân tạo không thể thay đổi hiện trạng pháp lý hiện tại và tạo ra hiện trạng pháp lý mới. Trung Quốc cũng không thể tự tiện phá vỡ luật pháp quốc tế bằng cách tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông”, ông nhận định.
Vụ trưởng cũng nhấn mạnh phán quyết đã tạo cơ hội cho các nước liên quan hợp tác về tài nguyên, môi trường, tự do hàng hải, hàng không và an ninh trên Biển Đông. “Tuy rằng phản ứng của các nước xung quanh Biển Đông với phán quyết khá dè dặt, nhưng cần được xem xét với cái nhìn toàn diện. Mỗi nước đều cố gắng tận dụng tất cả những cơ hội mà phán quyết mang lại để tối đa hoá lợi ích của mình và bằng cách đó, họ đang dần thay đổi cục diện Biển Đông”. Mặt khác, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm đúc kết: “Biển Đông là lợi ích sát sườn, quyền lợi sống còn của VN và phán quyết của PCA cần nhiều thời gian để bàn bạc chứ không thể một sớm một chiều. Do đó VN phải theo sát và hết sức cảnh giác mọi động thái của các nước trên Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc”.
Ngọc Mai