29/11/2024

Vẫn đắn đo với việc học cao đẳng

Tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ ở TP.HCM diễn ra hôm qua 9-7, nếu so sánh với hình ảnh đông nghẹt phụ huynh và thí sinh xếp hàng chờ tư vấn trước các gian thuộc các trường ĐH, thì các gian của các trường CĐ có phần lép vế hơn.

 

Vẫn đắn đo với việc học cao đẳng

Tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ ở TP.HCM diễn ra hôm qua 9-7, nếu so sánh với hình ảnh đông nghẹt phụ huynh và thí sinh xếp hàng chờ tư vấn trước các gian thuộc các trường ĐH, thì các gian của các trường CĐ có phần lép vế hơn.

 

 

 

Vẫn đắn đo với việc học cao đẳng
Các trường CĐ, trường nghề thu hút thí sinh bằng những hoạt động hấp dẫn tại ngày hội – Ảnh: Duyên Phan

“Nếu còn chập chờn lựa chọn và điểm không cao thì nên tính con đường CĐ”

Ông Bùi Hoài Thắng, phó trưởng phòng đào tạo ĐH Bách Khoa – ĐHQG TP.HCM

Ông Võ Minh Phương – chuyên viên phòng tuyển sinh đào tạo Trường CĐ kỹ thuật Lý Tự Trọng, TP.HCM – cho biết: “Chỉ những bạn xác định học CĐ mới vào đây tư vấn. Chủ yếu thắc mắc xoay quanh về ngành nghề, học xong có việc làm ngay không; thời gian đào tạo, học phí bao nhiêu; khả năng kết nối giới thiệu việc làm cho các bạn như thế nào… Trong những năm gần đây, nhu cầu học CĐ nhiều hơn trước. Một số học viên cũng dễ dàng tìm việc làm hơn sau khi ra trường”.

Tuy nhiên, chia sẻ về những khó khăn trong việc tuyển sinh của các trường CĐ năm nay, ông Phương cho rằng: “Trong quyển cẩm nang tuyển sinh của Bộ 
GD-ĐT chỉ có các trường ĐH và CĐ thuộc khối ngành sư phạm. Còn về các trường CĐ thuộc khối ngành kỹ thuật thì được giới thiệu sau, trong cẩm nang riêng của Bộ LĐ-TB&XH. Thí sinh và phụ huynh lại ít biết và quan tâm đến cuốn cẩm nang này”.

Đến ngày hội, nhiều phụ huynh vẫn còn mang nặng ý nghĩ “phải học ĐH mới có giá”. Sáng 9-7, chúng tôi tình cờ chứng kiến cuộc trao đổi giữa bà M. và con gái (ngụ ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) về chuyện học của người con.

“Không vào được ĐH công lập thì chuyển sang tư vấn ở các trường ĐH tư thục đi con” – bà M. giục con. Nhưng N.T.T.H. – con gái bà M. – lại không đồng ý: “Con chỉ có 16 điểm, tư vấn vào ĐH làm gì. Con đã nói là con thích ngành du lịch, học CĐ cũng được mà mẹ. Có ba năm là ra trường đi làm được rồi”.

Sau một hồi thuyết phục, H. mới rủ được người mẹ cùng mình vào tư vấn ở gian của một trường CĐ. Thế nhưng, ngay tại gian tư vấn này, bà M. vẫn tiếp tục băn khoăn, liên tiếp đặt câu hỏi cho người tư vấn: “Học CĐ ra có xin được việc làm không? Người ta có coi thường lao động trình độ CĐ không? Sau khi tốt nghiệp hệ CĐ, con tôi muốn học tiếp lên ĐH thì sao?…”.

Tương tự, trước băn khoăn của một thí sinh muốn học ngành công nghệ thông tin trong khi tổng điểm là 21, ông Bùi Hoài Thắng – phó trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM – thẳng thắn khuyên:

“Có một số ngành mới nghe tên rất “nóng”, người học cứ tưởng bản thân yêu thích, nhưng đôi khi chỉ là ảo tưởng. Thậm chí, quyết định của người học còn có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, truyền thông báo chí…

Nếu còn chập chờn lựa chọn và điểm không cao thì nên tính con đường CĐ. Học CĐ, trung cấp nghề rồi đi làm, sẽ giúp em tiếp xúc công việc thực tế, định hình đam mê và năng lực. Khi đó, nếu còn đam mê ĐH thì liên thông lên ĐH là quyết định chính xác và luôn rộng mở.

Thực tế nhiều sinh viên đam mê chưa đủ, khi bước chân vào ĐH, tiếp xúc lý thuyết xa xôi dễ chán nản, không bám trụ được tới ngày ra trường. Bốn năm ĐH như vậy là phí!

Ngành tin học rộng, nhiều ứng dụng, ba năm CĐ rất nhanh, nghề dạy mình, cộng với suy nghĩ trưởng thành sẽ giúp mình tự xác định phải học gì, làm gì chuyên sâu”.

Chọn học cao đẳng là một lựa chọn khó khăn

Tại khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế, ông nội của một thí sinh đặt câu hỏi: “Nếu cháu không đậu các trường ĐH có đào tạo ngành này thì chuyển nguyện vọng xuống CĐ liệu có phải là lựa chọn tốt?”.

TS Trần Thế Hoàng, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trả lời: “Nếu chúng ta không trúng tuyển ĐH thì việc lựa chọn trường CĐ có đào tạo ngành quản trị kinh doanh là một lựa chọn sáng suốt, phù hợp. Chúng ta không học ĐH, chúng ta vẫn có thể giữ sự đam mê nghề nghiệp của mình trong lĩnh vực này. Chọn học CĐ là một lựa chọn khó khăn nhưng chính xác. Sự học là suốt đời, hệ thống liên thông CĐ lên ĐH cũng rất phổ biến, cơ hội học tập lên cao của các em vẫn rất rộng mở”.

GS.TS Bùi Văn Ga (thứ trưởng Bộ GD-ĐT):

Vẫn đắn đo với việc học cao đẳng
GS.TS Bùi Văn Ga

Giải đáp băn khoăn trước khi điều chỉnh nguyện vọng

Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2017 đã giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh trước khi các em quyết định việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển của mình. Ngoài ra, trong các ngày hội xét tuyển, các trường ĐH, các cơ sở đào tạo cũng sẽ tham gia đông đảo, để giới thiệu cho thí sinh về ngành nghề, các ngành mới, các ngành xã hội đang có nhu cầu lao động mà các em chưa biết đến nhiều, để đăng ký xét tuyển.

Ông Lê Xuân Trung (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ):

Vẫn đắn đo với việc học cao đẳng
Ông Lê Xuân Trung

Mở nhiều cơ hội học hành và việc làm

Chúng tôi trân trọng cảm ơn Bộ GD-ĐT trong suốt 15 năm qua đã phối hợp với báo Tuổi Trẻ trong việc tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp, các ngày hội tư vấn và xét tuyển có quy mô ngày càng lớn và ngày càng chuyên nghiệp. Năm nay là năm đầu tiên Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp, tham gia cùng với Tuổi Trẻ các hoạt động nói trên, nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích và mở nhiều cơ hội học hành, việc làm để các bạn thí sinh lựa chọn trước ngưỡng cửa vào đời.

T.Huỳnh

H.HƯƠNG – T.HÂN