11/01/2025

Sẽ bãi bỏ nhiều giấy tờ, thủ tục hành chính

Theo nghị quyết 58 có hiệu lực vào ngày 4-7, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ một số thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.

 

Sẽ bãi bỏ nhiều giấy tờ, thủ tục hành chính

 Theo nghị quyết 58 có hiệu lực vào ngày 4-7, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ một số thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.

 

 

 

Tuy nhiên, thời hạn cụ thể để thực hiện các việc này hiện chưa rõ. Bởi lẽ nghị quyết 58 chỉ nêu căn cứ vào thời điểm hoàn thành, vận hành của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các văn bản điều chỉnh, bãi bỏ đó sẽ được các cơ quan có thẩm quyền ban hành cho phù hợp.

Theo đó, tùy từng trường hợp mà người dân sẽ không còn phải nộp bản sao hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy chứng nhận kết hôn… khi đi làm các thủ tục hành chính tương ứng.

Chẳng hạn, tới đây trong thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp sẽ bỏ bản sao sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Mẫu tờ khai yêu cầu cấp phiếu này sẽ bỏ các thông tin về ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; nơi thường trú, nơi tạm trú; họ tên cha, mẹ…

Đối với việc đăng ký nuôi con nuôi, người nhận con nuôi không phải nộp văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân (bản sao giấy chứng nhận kết hôn hay bản chính giấy xác nhận tình trạng độc thân). Trong đơn xin nhận nuôi con nuôi sẽ bỏ các thông tin về nơi sinh, dân tộc.

 

Đối với việc đăng ký khai sinh, nếu cha, mẹ trẻ có giấy chứng nhận kết hôn thì không phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn. Còn đối với việc đăng ký kết hôn (kể cả có yếu tố nước ngoài) thì bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam).

Đáng lưu ý là trong nhóm thủ tục có yếu tố nước ngoài như đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con, đăng ký khai tử… sẽ bỏ quy định nộp bản sao/xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú.

Đồng thời giảm bớt yêu cầu cung cấp thông tin trong 19 mẫu tờ khai theo quy định theo hướng người dân chỉ cần cung cấp họ, tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trong trường hợp khác nơi đăng ký thường trú). Đối với những thông tin cá nhân cần thiết còn lại, các cơ quan chức năng sẽ tự khai thác trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân nêu trên, ba luật là Luật lý lịch tư pháp, Luật nuôi con nuôi, Luật quốc tịch cùng một số nghị định hướng dẫn sẽ được sửa đổi, bổ sung một số nội dung có liên quan.

Song song đó, nhiều thông tư, thông tư liên tịch có ban hành biểu mẫu, mẫu giấy tờ hành chính hoặc có nội dung liên quan cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ. Nghị quyết cũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp thực hiện các việc này nhưng không nêu thời hạn cụ thể.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tập hợp thông tin gì?

Theo nghị định 90/2010, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản về công dân Việt Nam được xây dựng thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân. Việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu này do Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Bộ Công an, công an các tỉnh, TP trực thuộc trung ương và công an các quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh đảm nhận.

Thông tin của công dân được thu thập, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm có: số định danh cá nhân; ảnh chân dung; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; chứng minh nhân dân; hộ chiếu; thẻ bảo hiểm y tế; mã số thuế cá nhân; trình độ học vấn; trình độ chuyên môn, kỹ thuật; nghề nghiệp, nơi làm việc; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; họ và tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng; họ và tên chủ hộ, quan hệ với chủ hộ, số sổ hộ khẩu.

BÁ TRUNG