11/01/2025

Liên kết với nông dân sản xuất tơ tằm

Sau một thời gian dài suy thoái, từ năm 2007 ngành dâu tằm tơ VN dần phục hồi và phát triển mạnh, trong đó không ít doanh nghiệp tư nhân ăn nên làm ra nhờ cây dâu, con tằm.

 

Liên kết với nông dân sản xuất tơ tằm

Sau một thời gian dài suy thoái, từ năm 2007 ngành dâu tằm tơ VN dần phục hồi và phát triển mạnh, trong đó không ít doanh nghiệp tư nhân ăn nên làm ra nhờ cây dâu, con tằm.




Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty Đông Lâm 	 /// Ảnh: Lâm Viên

Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty Đông LâmẢNH: LÂM VIÊN

Ông Huỳnh Đức Thạch, Giám đốc Công ty cổ phần tơ lụa Đông Lâm (khu công nghiệp Lộc Sơn, Bảo Lộc, Lâm Đồng), cho biết ông gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm từ năm 1990. Khi nhà nước có chủ trương cổ phần hoá các nhà máy tơ lụa, ông quyết định “ra riêng”. Năm 2005, ông thành lập Công ty cổ phần tơ lụa Đông Lâm. Ban đầu ông mua hoá giá các cỗ máy cũ tân trang lại để xe tơ, bên cạnh đó may gia công quần áo. Ông Thạch tâm sự: “Thời điểm đó tơ xuất xứ từ Trung Quốc quá rẻ, khiến nghề trồng dâu nuôi tằm VN xuống dốc, tôi không ươm tơ, chỉ mua tơ từ Trung Quốc về xe tơ, dệt lụa”.
Từ năm 2013, khi ngành dâu tằm nghiên cứu thành công những giống dâu mới, cho sản lượng cao gấp 3 đến 4 lần, thì nghề trồng dâu nuôi tằm ở VN nói chung, Lâm Đồng nói riêng hồi sinh, người trồng dâu nuôi tằm từng bước giành lại thị trường. Để chủ động nguồn nguyên liệu kén, ông Thạch từng bước tổ chức lại sản xuất, liên kết với nông dân trồng dâu nuôi tằm. Hiện nay, Công ty Đông Lâm có 7 đại lý cung ứng vật tư tại các huyện Lâm Hà, Di Linh và Đạ Tẻh (Lâm Đồng) với gần 200 hộ trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm cung cấp cho công ty khoảng 400 tấn kén chất lượng cao. Trong vài năm gần đây, ông Thạch mạnh dạn nhập nhiều máy móc, thiết bị ươm tơ, xe tơ, dệt lụa tự động hiện đại.
Ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ VN, cho biết: “Công ty Đông Lâm là đơn vị tư nhân nhưng đã mạnh dạn đột phá trong sản xuất kinh doanh bằng cách nhập nhiều máy móc thiết bị hiện đại, nhờ đó đáp ứng được nhu cầu sản xuất, giữ vững được thị trường xuất khẩu”. Với quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng, Công ty Đông Lâm đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 250 công nhân (chưa kể hàng trăm hộ nông dân liên kết trồng dâu nuôi tằm), với mức thu nhập từ 6 – 9 triệu đồng/người/tháng. Hiệp hội Dâu tằm tơ VN cho biết hiện nay mỗi năm các doanh nghiệp tơ lụa tại Bảo Lộc phải nhập khẩu cả 1.000 tấn tơ từ Trung Quốc, Brazil… để làm gia công xuất khẩu, nhưng với Công ty Đông Lâm lại chủ động nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu.
Ông Lê Hoàng Phụng, Bí thư Thành uỷ Bảo Lộc, đánh giá: “Đông Lâm là đơn vị sản xuất kinh doanh tơ lụa tư nhân tiêu biểu sau khi nhà nước có chủ trương cổ phần hoá. Đây là đơn vị tổ chức tốt khâu liên kết với nông dân để trồng dâu nuôi tằm và bao tiêu sản phẩm, biết gắn kết lợi ích của doanh nghiệp và nông dân, giúp đời sống người dân không chỉ ổn định mà cho thu nhập khá cao”.

 

Lâm Viên