Nguồn gốc năng lực tên lửa Triều Tiên
Bất chấp các lệnh cấm vận quốc tế, CHDCND Triều Tiên vẫn liên tiếp trình làng những mẫu tên lửa tiên tiến, kể cả tên lửa liên lục địa.
Nguồn gốc năng lực tên lửa Triều Tiên
Bất chấp các lệnh cấm vận quốc tế, CHDCND Triều Tiên vẫn liên tiếp trình làng những mẫu tên lửa tiên tiến, kể cả tên lửa liên lục địa.
Hàn Quốc và Mỹ đã xác nhận Triều Tiên thử tên lửa liên lục địa (ICBM) với vụ phóng hỏa tiễn Hwasong-14 ngày 4.7. Như vậy, nước này đang trên đường gia nhập nhóm những quốc gia hiếm hoi sở hữu ICBM gồm Ấn Độ, Israel, Mỹ, Nga và Trung Quốc. Bình Nhưỡng còn tuyên bố tên lửa vừa phóng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Một trong những bí ẩn khiến dư luận hết sức quan tâm là làm cách nào Triều Tiên đạt được nhiều thành quả như vậy trong bối cảnh hứng chịu các biện pháp trừng phạt nặng nề của quốc tế.
Lạc hậu và hiện đại
Lâu nay, kho khí tài quân sự của Triều Tiên bị đánh giá là vô cùng già cỗi với xe tăng, tàu ngầm, máy bay có từ thập niên 1980, thậm chí xa hơn. Thế nhưng năng lực tên lửa là chuyện hoàn toàn khác. Theo nghiên cứu “Chương trình tên lửa đạn đạo Triều Tiên” của Uỷ ban Quốc gia về Triều Tiên (NCNK, Mỹ), Bình Nhưỡng hiện sở hữu hơn 1.000 tên lửa từ tầm ngắn đến tầm xa. Trong đó, phải kể đến loại được cho là phiên bản của tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 do Nga sản xuất mà Bình Nhưỡng phóng liền 4 quả ra biển hồi tháng trước. Tên lửa này có tầm bắn khoảng 130 km, mang đầu đạn gần 150 kg, có khả năng bay là là trên mặt nước để tránh bị phát hiện. Kh-35 được cho là có thể so sánh với tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ.
Một vũ khí hiện đại khác là hệ thống tên lửa đối không tầm xa Pon’gae-5, được phương Tây gọi là KN-06. Nhiều nhà phân tích cho rằng KN-06 không khác gì anh em sinh đôi với S-300 của Nga hoặc HQ-9 của Trung Quốc. Khó xác định chính xác năng lực của KN-06 vì nguồn gốc không rõ ràng nhưng “người anh em” S-300 là hệ thống tên lửa tầm xa đủ khả năng đánh chặn mục tiêu ở mọi độ cao. Theo nguồn tin tình báo, KN-06 cũng có hệ thống bức xạ radar dãy tương tự như radar FLAP LID của S-300.
Ngoài ra, Triều Tiên gần đây còn gây chú ý bằng hệ thống pháo phản lực KN-09, gồm 8 ống phóng được vận chuyển bằng xe tải quân sự HOWO. Sự xuất hiện của các cánh điều chỉnh trên mũi cho thấy vũ khí này có thể được dẫn đường chính xác bằng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc hoặc GLONASS (Nga).
Hai giả thuyết
Triều Tiên luôn tuyên bố tự lực phát triển tên lửa và hạt nhân nhưng giới phân tích phương Tây cho rằng nước này không thể “biến không thành có” khi bị cấm vận tứ bề. Chuyên san The National Interest dẫn lời các chuyên gia đã đưa ra 2 giả thuyết về nguồn gốc tên lửa Triều Tiên.
Thứ nhất là ngay sau Chiến tranh lạnh, điệp viên Triều Tiên đã tranh thủ tình hình “tranh tối tranh sáng” để liên hệ với giới chuyên gia quân sự Liên Xô nhằm khai thác thông tin công nghệ cần thiết. Thời điểm Liên Xô vừa tan rã cũng là lúc kinh tế Triều Tiên vô cùng chật vật nên chưa thể tận dụng những thông tin có được. Tuy nhiên sau khi kinh tế dần phục hồi, Triều Tiên dồn toàn lực thì hoàn toàn có thể hiện thức hoá mục tiêu.
Khả năng thứ hai là tuy Trung Quốc lẫn Nga đều đã ngưng bán vũ khí cho Triều Tiên từ lâu, cả hai có thể “làm ngơ” để bên thứ ba chuyển giao công nghệ gián tiếp. Tờ Bangkok Post dẫn lời chuyên gia Jeffrey Lewis tại Trung tâm nghiên cứu James Martin về không phổ biến vũ khí (Mỹ) nhận định nguồn gốc công nghệ Kh-35 có thể đến từ Myanmar. Naypyidaw và Bình Nhưỡng có lịch sử hợp tác, trao đổi công nghệ quốc phòng lâu đời. Hơn nữa cả hải quân lẫn không quân Myanmar đều sở hữu Kh-35.
Cũng theo giả thuyết này, KN-09 được cho là dựa trên hệ thống A-100 của Trung Quốc, nhưng thông qua Pakistan. Nước này đã mua A-100 và trong nhiều năm qua vẫn bị tình báo Mỹ cáo buộc là hỗ trợ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Theo BBC, sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng năm 2006, Islamabad nhanh chóng bị phương Tây “gán tội”. Chính phủ Pakistan ra sức bác bỏ mọi cáo buộc với lập luận Triều Tiên sử dụng plutonium chứ không phải uranium như trong các vũ khí hạt nhân của nước này. Ngoài ra, Syria hoặc Iran cũng bị nghi giúp Triều Tiên phát triển KN-06 dựa trên S-300. Cả hai nước đều đang sở hữu S-300, trong đó Tehran còn tự chế tạo phiên bản nội địa mang tên Bavar-373.
Mỹ cảnh báo vũ lực với Triều Tiên
Ngày 6.7, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích CHDCND Triều Tiên “hành xử rất nguy hiểm”, 2 ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng ICBM. Theo CNN, khi được hỏi về lựa chọn phản ứng bằng quân sự, Tổng thống Trump chỉ cho hay ông đang suy nghĩ về “những biện pháp nghiêm trọng” nhưng không vạch ra lằn ranh đỏ nào. Trước đó vài giờ, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố Washington sẵn sàng dùng vũ lực nếu các biện pháp ngoại giao không thể chấm dứt chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.
Cùng ngày, quân đội Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận tấn công chính xác với sự tham gia của 14 chiến hạm cùng nhiều máy bay FA-5, F-4E và KF-16, theo Yonhap. Tấn công chính xác được xem là một trong những biện pháp để Mỹ và Hàn Quốc có thể triệt phá các cơ sở hạt nhân, tên lửa ở miền Bắc mà không cần phải triển khai tổng lực.
Minh Trung
|
Ngọc Mai