Tân hoa xã ngày 5.7 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố binh lính Ấn Độ “hiện đang có mặt trên lãnh thổ Trung Quốc và vấn đề vẫn chưa được giải quyết”.
Trung Quốc nêu “điều kiện tiên quyết” về căng thẳng Himalaya
Tân hoa xã ngày 5.7 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố binh lính Ấn Độ “hiện đang có mặt trên lãnh thổ Trung Quốc và vấn đề vẫn chưa được giải quyết”.
Ông Cảnh còn yêu cầu Ấn Độ “bày tỏ thiện chí trong việc giải quyết các tranh chấp biên giới”. Cùng ngày, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ La Triệu Huy nhấn mạnh: “Quân Ấn Độ phải rút về địa phận của mình một cách vô điều kiện”, và cho rằng đây là điều kiện tiên quyết trước khi muốn tiến tới giải pháp hòa bình, theo Hãng thông tấn PTI của Ấn Độ.
Các nhà phân tích đánh giá việc phía Trung Quốc sử dụng từ ngữ “điều kiện tiên quyết” đánh dấu một bước leo thang mới trong tình hình hiện nay.
Căng thẳng đang dâng cao tại khu vực cao nguyên Doklam do Bhutan quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Động Lãng. Ấn Độ và Bhutan tố Trung Quốc xây một con đường từ thung lũng Chumbi (bên phía Tây Tạng) sang Doklam.
Bhutan đã gửi công hàm yêu cầu Trung Quốc trả lại hiện trạng với lý do sự tồn tại của con đường “vi phạm thoả thuận bằng văn bản giữa hai bên”. “Bhutan hy vọng rằng hiện trạng tại Doklam sẽ được duy trì như trước ngày 16.6.2017”, AFP dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Bhutan viết.
Bhutan đã chính thức phản đối dự án làm đường đang được Trung Quốc triển khai tại khu vực tranh chấp gần điểm giao nhau của biên giới Ấn Độ, Bhutan và Trung Quốc.
Ấn Độ cũng cực kỳ lo ngại vì nếu kiểm soát được cao nguyên Doklam, Trung Quốc có thể uy hiếp hành lang Siliguri, dải đất hẹp nối liền các bang đông bắc của Ấn Độ với phần còn lại của lãnh thổ, trong trường hợp nổ ra xung đột. Nếu hành lang này bị chặt đứt, toàn bộ các bang đông bắc của Ấn Độ, bao gồm khu vực Arunachal Pradesh đang tranh chấp với Trung Quốc, sẽ rơi vào tình thế cô lập.
New Delhi khẳng định hành động xây đường của Bắc Kinh là đơn phương thay đổi điểm giao biên giới giữa ba bên và cho biết thêm binh sĩ Ấn Độ đang phối hợp với quân đội Bhutan để ngăn cản Trung Quốc xây đường. Theo tờ The Times of India, Ấn Độ và Trung Quốc mỗi nước đã triển khai khoảng 3.000 binh sĩ đến khu vực.
Trong lúc căng thẳng tại biên giới Ấn – Trung – Bhutan vẫn chưa dịu bớt, Bắc Kinh xác nhận thông tin về sự xuất hiện của dòng xe tăng mới sát khu vực này.