Đại gia xây dựng không phép, vượt tầng
Có thể sẽ khởi tố vụ án với các sai phạm trật tự xây dựng của DNTN số 1 tỉnh Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh), công trình vi phạm phòng cháy sẽ bị cắt điện nước…
Đại gia xây dựng không phép, vượt tầng
Có thể sẽ khởi tố vụ án với các sai phạm trật tự xây dựng của DNTN số 1 tỉnh Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh), công trình vi phạm phòng cháy sẽ bị cắt điện nước…
Đó là khẳng định đáng chú ý tại phiên chất vấn của HĐND TP.Hà Nội hôm qua (5.7).
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho biết 6 tháng đầu năm 2016, Thanh tra TP đã chuyển sang cho Công an TP điều tra, làm rõ những dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số đơn vị, trong đó, điển hình là DNTN số 1 tỉnh Điện Biên, công ty CP do ông Lê Thanh Thản làm chủ tịch.
Theo ông Khương, đây là đơn vị triển khai rất nhiều dự án trên địa bàn TP.Hà Nội. Các dự án này, qua điều tra đều có dấu hiệu tội trốn thuế và vi phạm các quy định về quản lý nhà ở theo điều 273 bộ luật Hình sự. Công an TP.Hà Nội đã nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP về kết luận của Thanh tra TP, nhưng Bộ Công an cũng nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ về đơn vị này ở 21 tỉnh, thành trên cả nước.
“Trong quá trình điều tra, chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với Cục C46 Bộ Công an để làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn TP. Việc khởi tố vụ án, bị can, chúng tôi đang chờ ý kiến quyết định của Bộ Công an. Nếu để cho Cơ quan điều tra Công an Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến vụ việc trên địa bàn TP, thì chắc là sang tuần, sau khi có ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an, sẽ khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Nếu Bộ quyết định để Cục C46 khởi tố chung đối với 21 vi phạm ở các địa phương thì chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ tài liệu điều tra, xác minh để Bộ giải quyết”, ông Khương cho biết.
Nơi nào cũng sai phạm
Với những sai phạm xây dựng diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, ông Lê Thanh Thản, chủ DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên xứng với cụm từ “đại gia xây dựng không phép và vượt tầng”.
Cuối năm 2016, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố nhiều sai phạm tại dự án tòa nhà hỗn hợp dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại nhà ở cao cấp VP6 ở P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai (Hà Nội). Theo quy hoạch được duyệt, tòa nhà cao 25 tầng + 2 tầng kỹ thuật + 3 tầng hầm. Tuy nhiên, thực tế, chủ đầu tư là DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, đã xây dựng thành 35 tầng + 1 tầng kỹ thuật + 1 tầng hầm, tổng cộng là 37 tầng. Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng nêu rõ, từ tầng 2 – 9 của toà nhà VP6 đã bị chủ đầu tư tự ý chuyển đổi mục đích từ dịch vụ thương mại, văn phòng thành căn hộ để bán. Ở các tòa chung cư VP5 ở khu đô thị Bán đảo hồ Linh Đàm thuộc P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai; dự án chung cư Kim Văn – Kim Lũ thuộc P.Đại Kim, Q.Hoàng Mai, chủ đầu tư cũng đều xây vượt số tầng được duyệt. Các tầng xây vượt đều chia thành căn hộ bán, hiện người dân đã dọn về sinh sống…
Tại Nghệ An, Mường Thanh đã đầu tư 11 dự án khách sạn, tổ hợp công trình, nhưng trong số đó, có đến 6 dự án bị phát hiện xây dựng khi chưa được cấp phép, bị xử phạt hành chính và yêu cầu phải đình chỉ thi công nhiều lần. Tại Cần Thơ, công trình tổ hợp khách sạn 5 sao Mường Thanh Cần Thơ, quy mô 19 tầng cũng bị sai phạm. Tại Đắk Lắk, giữa năm 2016, mặc dù chưa được cấp phép xây dựng nhưng DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên vẫn tiến hành thi công khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột có quy mô 25 tầng. Tại Bình Thuận, dự án khách sạn Mường Thanh Mũi Né cũng từng bị xử phạt đến 1 tỉ đồng do xây “lố” 3 tầng không phép.
Phải cưỡng chế
Tại Nha Trang, dự án tổ hợp khách sạn, căn hộ chung cư Mường Thanh Khánh Hòa nằm ở phía nam cầu Trần Phú, là công trình để lại nhiều tai tiếng nhất của Tập đoàn Mường Thanh tại Nha Trang.
Ngày 24.5.2014 DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (chủ đầu tư dự án) được Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu, QĐND VN) chấp thuận độ cao tĩnh không tối đa công trình Mường Thanh Khánh Hoà là 150 m. Do vậy, UBND tỉnh chấp thuận cho chủ đầu tư xây dựng công trình này là 47 tầng và 1 tầng kỹ thuật, chiều cao tối đa là 147,5 m. Dựa vào chủ trương này, Sở Xây dựng Khánh Hòa cấp giấy phép cho công trình này được xây dựng tối đa 48 tầng.
Ngày 6.12.2015, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (lúc bấy giờ) yêu cầu Khánh Hòa thực hiện đúng quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Nghĩa là, tại Nha Trang, các tòa nhà không được phép vượt quá 40 tầng. Trên tinh thần đó, UBND tỉnh đã tổ chức họp có sự tham gia của DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, thông báo yêu cầu doanh nghiệp lập phương án điều chỉnh kiến trúc công trình không vượt quá 40 tầng. Chủ đầu tư đã hứa sẽ chấp hành nghiêm (lúc đang xây tầng thứ 33), thế nhưng đến giữa năm 2016 thì xây lên 43 tầng! Sở Xây dựng Khánh Hòa đã ra quyết định đình chỉ, buộc tháo dỡ 3 tầng vượt nhưng một năm trôi qua, chủ đầu tư vẫn không chịu tháo dỡ.
Tại Đà Nẵng, dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà (tại đường Võ Nguyên Giáp, P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), do DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư được Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cấp phép năm 2016 với quy mô 42 tầng và 2 tầng hầm. Trong đó, từ tầng 2 đến tầng 5 được cấp phép xây dựng làm bãi đỗ xe, nhà trẻ, hồ bơi… Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi công năng 4 tầng vừa nêu thành 104 căn hộ.
Chây ì nộp thuế
Đầu tháng 3.2017, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP.Hà Nội. Qua đó phát hiện nhiều sai phạm tại dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, H.Thanh Trì, TP.Hà Nội) do DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (do ông Lê Thanh Thản làm giám đốc) là chủ đầu tư.
Theo kết luận thanh tra, khu đất xây dựng dự án Đại Thanh có nguồn gốc là đất của nhà nước cho Công ty gốm xây dựng Đại Thanh thuê từ năm 2000, thời gian thuê 20 năm, tổng diện tích gần 128.000 m2. Ngày 30.10.2009, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Đại Thanh (Công ty gốm xây dựng Đại Thanh đổi tên) đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát (Công ty Hải Phát). Đến ngày 6.5.2010, Công ty Hải Phát và DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên ký hợp đồng góp vốn thực hiện đầu tư kinh doanh dự án Đại Thanh, trong đó các bên uỷ quyền cho Công ty Hải Phát đứng ra đàm phán với Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Đại Thanh để ký kết, thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Ngày 26.7.2011, Công ty Hải Phát và DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên ký hợp đồng với nội dung Công ty Hải Phát chuyển nhượng toàn bộ số vốn góp cho DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên để đơn vị này đầu tư 100% vốn triển khai thực hiện dự án. TTCP cũng cho biết tháng 1.2010, dự án Đại Thanh được UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho triển khai là dự án phát triển nhà ở. Mặc dù chưa hoàn thành các trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật nhưng từ năm 2012, dự án này đã được khởi công. Tại thời điểm thanh tra năm 2015, chủ đầu tư đã hoàn thiện 6 khối nhà chung cư, các căn hộ liền kề, các biệt thự và đã bán hết cho người mua.
Theo TTCP, đến hết tháng 3.2013, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Đại Thanh chưa kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng dự án. Đến cuối tháng 12.2013, Công ty Hải Phát mới kê khai xác định số thuế phải nộp gần 1,4 tỉ đồng. Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Đại Thanh đã không nộp tiền thuê đất, nợ tiền thuê đất và tiền phạt chậm nộp đến ngày 19.12.2013 tổng số tiền trên 35 tỉ đồng. Ngày 21.8.2013, DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (kế thừa trách nhiệm các bên tham gia dự án) nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước 30 tỉ đồng, hiện đang để tại tài khoản tạm giữ của Chi cục Thuế H.Thanh Trì.
Theo TTCP, UBND TP.Hà Nội đã buông lỏng trong quản lý đất đai, xây dựng, dẫn đến doanh nghiệp có nhiều sai phạm. Còn đối với các vi phạm của các bên tham gia dự án, TTCP đã kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, xem xét dấu hiệu vi phạm hình sự tại dự án này.
Thái Sơn
|
Thanh Niên