Số phận CNN sau khi bị ông Trump ‘hạ đo ván’
Danh tiếng của CNN đã bị sứt mẻ nghiêm trọng sau màn “so găng” với Tổng thống Donald Trump. Tới đây, số phận của đài có thể sẽ thay đổi khi AT&T tiếp quản Time Warner với giá 85,4 tỉ USD.
Số phận CNN sau khi bị ông Trump ‘hạ đo ván’
Danh tiếng của CNN đã bị sứt mẻ nghiêm trọng sau màn “so găng” với Tổng thống Donald Trump. Tới đây, số phận của đài có thể sẽ thay đổi khi AT&T tiếp quản Time Warner với giá 85,4 tỉ USD.
Tổng thống Trump tại buổi họp báo hồi tháng 2-2017, khi ông chỉ xuống nhà báo Jimmy Acosta của CNN và gọi CNN là nơi đưa tin giả mạo – Ảnh: Reuters |
Dư luận đang ầm ĩ về đoạn video ngắn trên Twitter của Tổng thống Donald Trump ngày 2-7, khi ông dùng video cũ ghép ảnh ông đấm túi bụi và “hạ đo ván” một người có logo CNN.
“Thù hận” tích luỹ
Hành động nêu trên của ông Trump là diễn biến mới nhất lột tả thái độ bực tức giữa người đứng đầu Nhà Trắng với truyền thông Mỹ cũng như Đài CNN nói riêng.
Trong giai đoạn quyết định của cuộc tranh cử tổng thống 2016, hầu hết các đầu báo lớn tại Mỹ đều công khai không ủng hộ ông Trump.
Đáp lại, ông Trump trở thành tổng thống đầu tiên kể từ thời ông Ronald Reagan năm 1981 không tham gia bữa tiệc thường niên của Hiệp hội báo chí Nhà Trắng (WHCA) hồi tháng 4 vừa qua.
Sự tức tối của ông Trump với CNN đặc biệt gây sốc ở sự kiện họp báo đầu tiên với tư cách tổng thống Mỹ hồi giữa tháng 2.
Ông Trump khi ấy chỉ thẳng vào nhà báo tường thuật tin chính trị Jimmy Acosta của CNN và nói: “Các anh là bọn đưa tin vịt”.
Từ thời điểm ấy, chữ “fake news” càng trở nên phổ biến khi nói đến tin tức giả, và cũng thường xuyên được ông Trump dùng để chỉ CNN cũng như báo The New York Times.
Mâu thuẫn giữa tổng thống Mỹ và báo chí càng bị đào sâu, và không phải chỉ xuất phát từ một phía của ông Trump.
Tháng 5 vừa qua, tròn 100 ngày ông Trump làm tổng thống, một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy báo chí Mỹ đưa tin rất thiên kiến về nhà lãnh đạo này.
Nghiên cứu này do Trung tâm Shorenstein về truyền thông, chính trị và chính sách công thuộc Harvard thực hiện dựa vào phân tích trên New York Times, Wall Street Journal, Washington Post và các kênh truyền hình lớn như CBS, CNN, Fox và NBC.
Kết quả cho thấy lượng thông tin tiêu cực về ông Trump chiếm 80%. Con số này cao hơn hẳn so với cựu tổng thống Barack Obama (41%), George W. Bush (57%) và Bill Clinton (60%).
93%
Đó là tỉ lệ thông tin trên CNN về Tổng thống Trump mang tính tiêu cực, tương đương với Đài NBC. Tiếp đến là New York Times (87% tiêu cực), Washington Post (83%), Wall Street Journal (70%)… (Theo nghiên cứu của Đại học Harvard) |
Độc chiêu PR?
“Tôi cực kỳ hài lòng khi thấy CNN cuối cùng cũng bị lật mặt là FakeNews (tin giả) và là thứ báo chí rác rưởi. Cũng đến lúc rồi!” – ông Trump viết trên Twitter ngày 1-7.
Dòng trạng thái trên đưa ra không lâu sau khi CNN chấm dứt hợp đồng với ba nhà báo và phải rút lại bản tin nói ông Anthony Scaramucci – nhân vật thân cận phục vụ trong bộ máy chuyển giao của Tổng thống Trump – có một quỹ đầu tư ở Nga.
Bản tin này đổ thêm dầu vào lửa trong bối cảnh các cuộc điều tra nghi án ông Trump “nhờ người Nga tiếp tay, can thiệp bầu cử Mỹ” vẫn đang là chủ đề nóng.
Theo New York Post, CNN hiện đối diện khoản tiền phạt 100 triệu USD vì tội vu khống, phỉ báng. Dù chấp nhận lời xin lỗi công khai của CNN, song ông Scaramucci vẫn thuê một luật sư nổi tiếng để gây sức ép lên CNN và “trông coi lợi ích của Scaramucci trong vấn đề này”.
Trong khi đó, ba nhân vật phụ trách bản tin trên gồm Tom Frank, tác giả bản tin, biên tập viên Eric Lichtblau cùng trưởng bộ phận phóng sự điều tra Lex Haris của CNN, đều phải từ chức.
Câu chuyện của CNN còn đi xa hơn nếu biết rằng đài này thuộc Tập đoàn Time Warner vốn đang thoả thuận để bán lại cho tập đoàn viễn thông AT&T ở Mỹ với giá 85,4 tỉ USD.
Sự sáp nhập của Time Warner và AT&T (dẫn tới việc AT&T sở hữu cả CNN lẫn HBO) hiện vẫn đang chờ sự chấp thuận từ Bộ Tư pháp và Uỷ ban truyền thông Liên bang Mỹ.
Trong khi đó, hơn một lần ông Trump tuyên bố phản đối hợp đồng trên, vì nó sẽ “tập trung quyền lực quá nhiều vào ngành truyền thông”.
Sau cuộc họp với lãnh đạo các công ty công nghệ lớn ngày 19-5, ông Trump nhận được đề nghị từ Giám đốc điều hành Randall Stephenson của AT&T rằng nếu được phê duyệt và giảm thuế, ông sẽ đầu tư 22 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng viễn thông tại Mỹ.
Nói cách khác, lãnh đạo AT&T đang ra sức lấy lòng Nhà Trắng bằng cam kết đầu tư, và có thể là cả việc sẽ “thay máu” CNN.
Tờ New York Post cho rằng khi sáp nhập, chắc chắn chủ tịch Jeff Zucker của CNN sẽ là người phải cuốn gói ra đi.
Vì vậy, giới quan sát nhận định những “cú đấm” mà CNN liên tiếp tung ra nhằm vào Tổng thống Trump, về mặt nào đó có thể là một chiêu quảng bá (PR) đại tài của AT&T để nâng cao lượt xem của CNN, trước khi “hồ sơ xấu” về mối xung đột này sẽ được xoá sạch khi cuộc tiếp quản diễn ra.
CNN thành… FNN trên Wikipedia
Rạng sáng 3-7, Tuổi Trẻ thu thập được hình ảnh từ điển trực tuyến Wikipedia xuất hiện phần mô tả Đài CNN là FNN. CNN là viết tắt của chữ Cable News Network (mạng tin tức truyền hình cáp). Nhưng tính năng mở của Wikipedia cho phép người dùng thay đổi nội dung mô tả ít nhất cho tới khi đội ngũ của Wiki phát hiện và sửa lại. Ai đó phản đối CNN nên đã viết tên đài này thành FNN – tức Fraud News Network. Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi CNN là FNN, thay từ “cable” bằng từ “fraud” (giả mạo), đại ý chỉ trích CNN là nơi loan truyền tin giả. |