11/01/2025

‘Siết’ chia lợi nhuận ở doanh nghiệp nhà nước

Bộ Tài chính đang muốn tăng quyền kiểm soát sâu hơn vào việc chia cổ tức, lợi nhuận hằng năm của các ngân hàng thương mại quốc doanh, doanh nghiệp nhà nước.

 

‘Siết’ chia lợi nhuận ở doanh nghiệp nhà nước

Bộ Tài chính đang muốn tăng quyền kiểm soát sâu hơn vào việc chia cổ tức, lợi nhuận hằng năm của các ngân hàng thương mại quốc doanh, doanh nghiệp nhà nước.



Các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải hỏi ý kiến Bộ Tài chính về việc phân chia lợi nhuận, cổ tức /// Ảnh: Ngọc Thắng

Các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải hỏi ý kiến Bộ Tài chính về việc phân chia lợi nhuận, cổ tứcẢNH: NGỌC THẮNG

Tối đa hoá lợi ích cho cổ đông nhà nước
Cụ thể, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015 ngày 13.10.2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (DN) do Bộ Tài chính (BTC) xây dựng: “Người đại diện phần vốn nhà nước tại DN có cổ phần, vốn góp của nhà nước trên 50% vốn điều lệ phải căn cứ ý kiến chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu sau khi đã lấy ý kiến của BTC và được BTC thống nhất bằng văn bản về phương án chia cổ tức, lợi nhuận sau thuế hằng năm của DN”. Quy định này cũng được áp dụng tương tự đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh.
Lâu nay, người đại diện vốn nhà nước chỉ xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn, chứ chưa có quy định phải thống nhất ý kiến với BTC. Vì vậy, quy định này giúp BTC có quyền can thiệp sâu hơn vào DN nhà nước (DNNN). Theo tờ trình dự thảo nghị định, quy định này nhằm tăng cường xử lý trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước phần cổ tức, lợi nhuận được chia đối với phần vốn góp của nhà nước, tránh trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định để lại DN và điều chỉnh tăng vốn điều lệ. Như vậy, trong thời gian tới, các DN có tỷ lệ vốn nhà nước lớn như Tập đoàn xăng dầu, Vietnam Airlines, Sabeco, Habeco, các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VietinBank… buộc phải thống nhất ý kiến về lợi nhuận, cổ tức với BTC trước khi ra đại hội đồng cổ đông.
Năm ngoái, thị trường đã xôn xao khi BTC “đòi” BIDV và VietinBank chia gần 5.000 tỉ đồng cổ tức 2015 bằng tiền mặt mặc dù trước đó đại hội cổ đông BIDV đã thông qua chia bằng cổ phiếu còn VietinBank thông qua không chi trả cổ tức. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định, các bộ là nơi đại diện vốn nhưng không phải là người quản lý tài chính, mà quản lý về mặt tài chính đối với các DNNN mới đúng là nhiệm vụ của BTC. Vì vậy, việc phải thông qua ý kiến của BTC trong phân chia lợi nhuận, cổ tức là hợp lý. Điều này cũng giúp việc quản lý, giám sát, thu cổ tức, lợi nhuận DNNN rõ ràng hơn. “Tiền đầu tư cho DNNN lấy từ ngân sách thì lãi của nó về nguyên tắc cần nộp về ngân sách. Việc BTC “thò tay” vào việc phân chia lợi nhuận, tối đa hóa lợi ích cho ngân sách lẽ ra cần làm sớm hơn nữa”, ông nói.
 

Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, quyết định trên bắt nguồn phần lớn từ thực tế ngân sách nhà nước đang bị hụt thu, hầu như luôn trong tình trạng căng thẳng trong thời gian gần đây. Với tư cách giám sát tài chính, thì bước đi này nhằm ngăn chặn việc nhiều DNNN không chịu chia cổ tức, lợi nhuận. “Giả sử một nhà đầu tư bình thường đem cả ngàn tỉ đồng đi đầu tư mà không được dự phần vào kết quả lợi nhuận, không có quyền quyết định cổ tức, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu, thì họ có chịu không? Liệu họ có tối đa hóa được vốn đầu tư? Hay là họ sẽ rút vốn đem đi đầu tư nơi khác tốt hơn? Đây là quyết định tốt cho ngân sách, bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhà nước. Chẳng hạn, nhờ năm ngoái BTC đòi tiền mà ngân sách có thêm gần 5.000 tỉ đồng cổ tức từ ngân hàng BIDV và VietinBank, có tiền đầu tư vào nền kinh tế”, ông nói.
“Bỏ quên” hàng ngàn tỉ đồng cổ tức
Theo TS Đinh Thế Hiển, ước tính hằng năm có hàng chục ngàn tỉ đồng cổ tức của phần vốn nhà nước bị “bỏ quên” ở các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, ngân hàng quốc doanh, khi bị giữ lại để tăng vốn, kinh doanh. Theo báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN năm 2015, có 652 DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với vốn chủ sở hữu là hơn 1,37 triệu tỉ đồng. Giả sử, nhà nước chỉ cần thu 10% cổ tức hằng năm từ nguồn này, trung bình hằng năm ngân sách sẽ có thêm được 137.000 tỉ đồng. Khác với công ty cổ phần, nơi phải báo cáo hằng năm trước đại hội cổ đông làm ăn ra sao, cổ tức thế nào, kế hoạch kinh doanh…; thì hầu hết các con số này ở DNNN chưa được công khai. Vì vậy, đây cũng là cách để BTC “nắn” dòng tiền lợi nhuận, cổ tức của DNNN về ngân sách nhiều hơn, tăng hiệu quả dòng tiền đầu tư, thay vì cứ để lại DN tăng vốn. Qua từng năm, BTC có cơ sở tốt hơn để đánh giá hiệu quả kinh doanh, đưa ra tỷ lệ lợi nhuận, cổ tức phù hợp hơn ở những đơn vị này, đồng thời ở tầm vĩ mô cũng quản lý 1,3 triệu tỉ đồng vốn nhà nước ở DN hiệu quả hơn.
Ông Hiển nhận xét, quy định trên không ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông thiểu số bởi quyết định cao nhất nằm trong tay người nắm giữ tỷ lệ sở hữu áp đảo, cổ đông nhỏ lẻ phải chấp nhận luật chơi. Việc tham gia của BTC không làm mất đi tính độc lập, định hướng của DN, bởi nếu không phải nhà nước thì một cổ đông tư nhân nào đó cũng quyết định số phận DN. Tuy nhiên, Bộ không nên chỉ đạo “cứng”, mà cần dựa trên nền tảng, đề xuất của người đại diện vốn. Ngoài ra, việc “thò tay” như vậy có thể càng làm tăng gánh nặng trách nhiệm lên BTC hơn nữa. Bởi nếu quyết định không đúng, giá cổ phiếu đi xuống, cổ đông tẩy chay, dẫn đến giá trị vốn nhà nước giảm sút cũng là điều Bộ cần cân nhắc kỹ.

 

Hồng Sương