Quyết thu thuế môi trường, Bộ Tài chính đẩy khó lấy dễ
Bộ Tài chính vẫn quyết thu 8.000 đồng/lít xăng, giá xăng sẽ tăng thêm 5.000 đồng/lít tương ứng. Cách thu này đẩy khó cho dân giành lợi về mình. Nhưng đó chưa phải là sự vô lý duy nhất.
Quyết thu thuế môi trường, Bộ Tài chính đẩy khó lấy dễ
Bộ Tài chính vẫn quyết thu 8.000 đồng/lít xăng, giá xăng sẽ tăng thêm 5.000 đồng/lít tương ứng. Cách thu này đẩy khó cho dân giành lợi về mình. Nhưng đó chưa phải là sự vô lý duy nhất.
Các chuyên gia cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ làm tăng áp lực lên giá bán xăng dầu tại Việt Nam – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Trong khung thuế bảo vệ môi trường hiện tại từ 1.000-4.000 đồng/lít, xăng đang được thu ở mức 3.000 đồng/lít.
Giá xăng sẽ tăng thêm 5.000 đồng/lít?
Theo ông Nguyễn Văn Tiu, Tổng giám đốc Công ty xăng dầu Tự Lực 1 (Hà Nội), người dân sẽ sốc với giá xăng dầu nếu thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng này tăng thêm.
Nếu khung thuế xăng tăng lên 3.000-8.000 đồng/lít, ông Tiu cho rằng mức thu cao nhất hoặc sát mức trần có thể được áp dụng.
Khi đó, ông Tiu lo với mức giá xăng dầu hiện nay quanh mốc 17.000 đồng/lít, nếu thuế bảo vệ môi trường tăng lên 8.000 đồng/lít, giá xăng sẽ vọt lên khoảng 22.000 đồng/lít (nếu thuế nhập khẩu không giảm tương ứng).
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cũng cho rằng dù là khung nhưng thu ngân sách trong mấy năm nay liên tục khó khăn nên việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu rất dễ xảy ra.
Trường hợp thuế được thu kịch khung như Bộ Tài chính đề xuất (8.000 đồng/lít xăng, 4.000 đồng/lít dầu diesel…), ông Ruệ ước tính mỗi năm riêng sắc thuế này sẽ đóng góp cho ngân sách 102.000 tỉ đồng.
Số thu này, theo ông Ruệ, là rất lớn, chiếm 10% tổng thu ngân sách nhà nước.
Về tỉ lệ thu thuế với giá xăng dầu, theo tính toán của chuyên gia, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung là 8.000 đồng/lít thì riêng sắc thuế này chiếm tới gần 50% giá bán xăng (với mức giá như hiện nay khoảng 17.000 đồng/lít).
Nếu cộng thêm số thu của các sắc thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT, tổng số thu thuế trên giá bán là quá cao, gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Vì vậy, các chuyên gia đề nghị cần có lộ trình dài, rõ ràng cho sắc thuế bảo vệ môi trường.
Ngay trong báo cáo giải trình Dự luật này, Bộ Tài chính cũng cho biết có ý kiến đề nghị mức trần khung thuế bảo vệ môi trường với xăng chỉ tăng từ 4.000 đồng lên 6.000 đồng/lít.
Thậm chí có ý kiến đề nghị điều chỉnh tăng mức thuế tối đa đối với xăng chỉ lên 5.000 đồng/lít vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, lưu thông và tiêu dùng, vì thế tăng thuế sẽ ảnh hưởng lớn đến mọi mặt hoạt động của xã hội.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lý giải do xăng dầu là sản phẩm khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường, do đó Nhà nước cần có chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế.
Hơn nữa, khung thuế suất được đề nghị 3.000-8.000 đồng/lít xăng sẽ áp dụng cho lộ trình dài. Căn cứ vào biểu khung thuế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể cho phù hợp từng thời kỳ.
Bộ Tài chính cũng cam kết khi đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể đối với xăng dầu, Bộ sẽ đánh giá tác động việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người dân, đảm bảo sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Đẩy khó cho doanh nghiệp, giành dễ cho mình
Tuy nhiên, ông Phan Thế Ruệ phân tích cách làm của Bộ Tài chính cho thấy một điểm khác đáng lưu ý.
Cụ thể, trong dự thảo lần 3 Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính tiếp tục giữ cách thu thuế bảo vệ môi trường ngay từ khi nhập khẩu.
Ông Ruệ cho rằng đây là điều quá vô lý vì chưa bán hàng đã phải nộp thuế và lo ngại cách thu này sẽ khiến giá xăng dầu bị tác động.
Vì khi hàng được thông quan sẽ phải nộp ngay thuế, hiện nay cứ mỗi lít xăng là 3.000 đồng, số tiền thuế đã rất lớn.
Chắc chắn doanh nghiệp phải vay ngân hàng để nộp thuế. Lãi suất sẽ phải được tính vào chi phí kinh doanh. Do đó giá xăng dầu sẽ bị đội lên.
“Cách thu này chỉ dễ cho cơ quan nhà nước mà đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp!” – ông Ruệ nói.
Một đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng đề nghị Bộ Tài chính giữ cách thu thuế bảo vệ môi trường như hiện nay là doanh nghiệp bán hàng xong mới nộp thuế.
Lý do là một lượng xăng dầu bị hao hụt khi lưu thông và hàng nhập khẩu xong còn phải phân phối đến đại lý, cho nên “nhập về 10 lít xăng nhưng đến khi bán ra không bao giờ đủ 10 lít”.
Chính vì thế, nếu bắt nộp thuế ngay khi thông quan, tức bắt doanh nghiệp nộp cả phần xăng dầu bị hao hụt là quá bất hợp lý.
Tuy nhiên, ngay trong báo cáo giải trình dự án luật này, Bộ Tài chính lý giải cách thu mới ngay từ khi thông quan hàng hoá là để thuận tiện cho doanh nghiệp kê khai, nộp thuế, đồng thời thuận lợi cho cơ quan quản lý thu thuế.
Hơn nữa, việc thu ngay tại khâu nhập khẩu sẽ chống thất thu thuế, động viên nhanh nguồn thu vào ngân sách nhà nước…
Ông Phan Thế Ruệ (Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu): Cho người dân hưởng lợi hội nhập một chút
Tôi không phản đối việc tăng thuế nội địa trong bối cảnh hội nhập khi thuế nhập khẩu giảm dần về 0%. Tuy nhiên, phải để người dân hưởng lợi từ hội nhập một chút. Như các nước, họ dự tính mức giá 60 USD/thùng thì tổng mức thu thuế chỉ tối đa là tỉ lệ nhất định như 55% giá bán. Nhưng trường hợp tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít xăng, cộng với các loại thuế, phí khác, mức thu của Việt Nam quá cao chắc chắn thị trường sẽ bị sốc. |
Sẽ hài hoà lợi ích? Theo một uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, khung thuế bảo vệ môi trường được đưa ra là để áp dụng cho một giai đoạn vì không thể sửa luật liên tục. Còn mức áp dụng bao nhiêu thì sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc và quyết định. Mức thu thuế sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế – xã hội, vào sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp, vào số thu chi ngân sách nhà nước. Nguyên tắc sẽ đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, qua kinh nghiệm thời gian qua, sau khi đưa ra khung thuế, thường mức thuế sẽ được nhanh chóng tăng lên sát mức trần. |