29/11/2024

Quả ngọt từ ‘Tiếp sức đến trường’

“Giây phút cùng các bạn đứng bên nhau và nghe trường đọc quyết định tốt nghiệp mà tôi ứa nước mắt. Ngày đó nếu không nhờ Tuổi Trẻ, không nhờ Trường ĐH Kinh tế tiếp sức, chắc chắn tôi đã không có ngày hôm nay”.

 

Quả ngọt từ ‘Tiếp sức đến trường’

 “Giây phút cùng các bạn đứng bên nhau và nghe trường đọc quyết định tốt nghiệp mà tôi ứa nước mắt. Ngày đó nếu không nhờ Tuổi Trẻ, không nhờ Trường ĐH Kinh tế tiếp sức, chắc chắn tôi đã không có ngày hôm nay”.

 

 

 

Quả ngọt từ 'Tiếp sức đến trường'
Huyền Trâm (bìa phải) cười tươi trong ngày tốt nghiệp – Ảnh: Q.PHƯƠNG

Trên đây là tâm sự của tân cử nhân Trần Huyền Trâm – một trong những quả ngọt từ chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ.

Tôi luôn dặn trong tim rằng sau này đi làm có điều kiện, tôi sẽ dành một phần kinh phí giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn giống như tôi, để các bạn có cơ hội được đến trường”.

TRẦN THỊ THIÊN TRANG

Đầu tuần rồi, thạc sĩ Cao Văn Tiến – phó trưởng phòng tổ chức hành chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – gọi điện thông báo: Huyền Trâm và Trang “đường rầy” sắp nhận bằng tốt nghiệp.

Cách đây 4 năm, chứng kiến những tân sinh viên nghèo đứng trước ngưỡng cửa ĐH phải gạt nước mắt rời bỏ giảng đường, một số trường ĐH đã đồng hành với báo Tuổi Trẻ tiếp sức kịp thời cho các bạn.

Những nhân vật khó quên

 

Trần Huyền Trâm xuất hiện trong bài viết “Từng gạt nước mắt rời giảng đường”. Còn Trần Thị Thiên Trang là nhân vật trong bài “Trang đường rầy và phận đời nghiệt ngã”.

Đây là những bài báo trong tuyến “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ.

Sau này, tôi mong rằng tôi không là người nhận nữa mà là cho đi. Các bạn trẻ gặp khó khăn hãy luôn tin tưởng cơ hội vẫn còn đó nếu ước mơ của chúng ta vẫn cháy lửa mạnh mẽ.”

TRẦN HUYỀN TRÂM

Chúng tôi nhớ như in buổi trưa chạy xe từ TP.HCM lên huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai (quê Trâm) tìm gặp bạn. Đó là một cô bé nhỏ nhắn, nước da sạm đen vừa đi hái măng rừng về. Trâm đã một lần gạt nước mắt rời giảng đường ĐH vì gia cảnh nghèo khó không đủ tiền nhập học.

Thế nhưng Trâm luôn mang trong mình suy nghĩ con đường học vấn là mục đích duy nhất để giải thoát chuỗi ngày cơ cực của bản thân. “Chỉ có tiếp tục học mới mang lại sự yên ấm cho gia đình” – Trâm chia sẻ. Và rồi Trâm tìm mọi cách vượt khó khăn để học tập, quyết vào giảng đường ĐH.

Ông bà nội, Trang và em trai sống trong căn nhà chỉ 7m2 ở sát đường ray xe lửa thuộc quận Phú Nhuận, TP.HCM. “Chỉ có học mới thoát khỏi cảnh nghèo” – Trang từng nói với phóng viên như vậy.

Khi hai bài báo đăng lên, hàng trăm bạn đọc đã rơi nước mắt vì khâm phục nghị lực vượt khó của hai bạn. Nhiều bạn đọc đã liên hệ với Tuổi Trẻ hoặc tìm đến tận nhà để giúp đỡ hai bạn; nhiều người xin giấu tên, chỉ mong tiếp sức cho ước mơ của các bạn thành hiện thực; trong đó có ông Dương Quang Thiện (phường 10, quận Phú Nhuận) dù đã lớn tuổi vẫn hỗ trợ đều đặn cho Trang 3 triệu đồng/tháng suốt 4 năm qua…

Quả ngọt từ 'Tiếp sức đến trường'
Thiên Trang (phải) trong ngày tốt nghiệp đại học – Ảnh: UEH

Lan tỏa hành trình tiếp sức

Thạc sĩ Cao Văn Tiến nhớ lại lúc đó khi đọc được thông tin các tân sinh viên nghèo của trường có nguy cơ bỏ học do Tuổi Trẻ đăng tải, ban giám hiệu nhà trường đã quyết định đồng hành tiếp sức bằng cách miễn giảm học phí cho các bạn trong suốt quá trình học tại trường.

Bên cạnh đó, trường còn dành nhiều ưu tiên khác như miễn phí ở ký túc xá, phụ cấp sinh hoạt phí hằng tháng.

“Chính sự hỗ trợ này đã giúp các em tiếp tục học tập và xây dựng tương lai. Và từ năm 2013 đến nay, năm nào trường cũng dành những suất học bổng như thế cho các tân sinh viên nghèo của trường. Huyền Trâm và Trang “đường rầy” là hai quả ngọt đầu tiên mà chúng ta gặt hái được từ sự đồng hành tiếp sức tân sinh viên nghèo cùng Tuổi Trẻ” – thạc sĩ Tiến nói.

Sau Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, các trường khác như ĐH Tài chính – marketing, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM… cũng hưởng ứng mạnh mẽ bằng cách miễn, giảm học phí cho những tân sinh viên nghèo mà chương trình “Tiếp sức đến trường” của Tuổi Trẻ phát hiện. Nhiều trường hợp tân sinh viên khó khăn cũng được các trường thông tin cho Tuổi Trẻ giới thiệu đến bạn đọc qua trang báo.

Ứa nước mắt ngày tốt nghiệp

Huyền Trâm nhớ lại: “Ngày tôi vào ĐH, bà ngoại và mẹ đã hạnh phúc đến nỗi không cất thành lời, cả nhà cứ bồi hồi nhìn nhau rồi ứa nước mắt”. Còn Trang “đường rầy” bộc bạch: “Tôi thật sự may mắn vì nhận được sự tiếp sức của nhiều người. Lúc đó gia cảnh khó khăn quá, cái ăn còn chưa no thì lấy tiền đâu mà học”.

Vào ĐH, cả hai bạn không ngừng vượt khó, vừa học vừa đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Trâm còn dành dụm tiền mua được một chiếc xe máy. Bốn năm ở giảng đường của Trang là chuỗi ngày nỗ lực vừa học vừa làm.

Hôm nay, cả Trâm và Trang đều nhận bằng tốt nghiệp loại khá, Trâm học ngành ngoại thương, còn Trang ngành tài chính – ngân hàng. “Giây phút cùng các bạn đứng bên nhau và nghe trường đọc quyết định tốt nghiệp mà tôi ứa nước mắt. Ngày đó nếu không nhờ Tuổi Trẻ, không nhờ Trường ĐH Kinh tế tiếp sức, chắc chắn tôi đã không có ngày hôm nay” – Trâm xúc động nói.

QUANG PHƯƠNG